Người Trung Quốc quan ngại về triển vọng thu nhập, không còn muốn vay nợ
Triển vọng không mấy sáng sủa
Cô Anna Luan đang cảm thấy tương lai của mình đầy u tối. Là một phụ nữ 30 tuổi sống tại Thượng Hải, cô làm việc cho một công ty mà kể từ tháng 4 đã không thể chi trả đủ lương cho nhân viên. Cũng vào thời điểm đó, Thượng Hải bị phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh covid-19 lan rộng. Tuy vậy, cô Anna vẫn có thể thanh toán được những chi phí hàng ngày nhờ để dành được một khoản tiền trong giai đoạn dịch bệnh.
Cô có hai căn nhà quê và nợ vay thế chấp 200.000 nhân dân tệ, tương đương 29.530 USD. Do đó, một phần tiền tiết kiệm của cô đã được dùng để trả khoản nợ này. “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp cắt giảm lương của nhân viên và sa thải lao động. Hiện tại tôi không dám tiêu tiền và chỉ muốn dành bất kỳ đồng tiền nào còn sót lại để tiết kiệm”, Anna chia sẻ.
Tờ Bloomberg cho biết gần đây cuộc khảo sát cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc quan ngại về triển vọng thu nhập của họ trong tương lai. Họ tỏ ra lo ngại hơn bao giờ hết, thậm chí còn hơn cả thời điểm đại dịch Covid-19 mới bắt đầu năm 2020 hoặc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Họ không còn sẵn lòng cho các khoản vay và đề cao sự tiết kiệm vì cảm thấy đang trong tâm lý tiêu cực. Tình trạng này tiếp diễn có thể khiến tăng trưởng kinh tế suy yếu trong nhiều năm.
Các hộ gia đình Trung Quốc đã tích lũy được 10.300 tỷ nhân dân tệ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022. Con số này lớn hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là mức tăng lớn nhất chưa từng có. Khoản vay của hộ gia đình cũng chỉ tăng 8%. Nếu tính từ năm 2007 thì đây là mức tăng với tốc độ thấp nhất.
Sự bi quan của các hộ gia đình Trung Quốc xuất phát từ nhiều lý do. Đó là sự lao dốc của ngành địa ốc cũng như tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đang giảm vì nước này theo đuổi chính sách Zero Covid một cách nghiêm ngặt.
Giá nhà đi xuống khiến của cải của các hộ gia đình suy giảm đáng kể. Trong khi đó, tháng 7 ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tại Trung Quốc đã lên mức cao nhất trong lịch sử, gần 20%. Mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay dường như không thể đạt được và điều này cũng được các quan chức ngầm hiểu.
Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình tại thành thị chỉ đạt 1,9% sau khi lạm phát được điều chỉnh. Con số này kém xa so với 10,7% cách đây 1 năm. Doanh số của ngành bán lẻ giảm gần 1% trong cùng giai đoạn cho thấy tiêu dùng còn giảm mạnh hơn.
Theo dữ liệu từ OECD, so với các quốc gia khác, Trung Quốc là nước chứng kiến tỷ lệ tiết kiệm cao hơn. Tuy nhiên tỷ lệ tiết kiệm trong những năm qua tại quốc gia tỷ dân đã giảm dần từ mức 40% còn khoảng 35% năm từ năm 2010 đến 2019. Như vậy có thể hiểu rằng tăng trưởng về tiêu dùng đã vượt mặt tốc độ tăng trưởng của thu nhập.
Các hộ gia đình Trung Quốc đến gần đây vẫn còn tỏ ra lạc quan về thu nhập tiềm năng trong việc vay tiền và đẩy mạnh chi tiêu. Trong vòng một thập kỷ trước khi dịch bệnh covid-19 xuất hiện, tỉ lệ nợ hộ gia đình/ GDP tăng hơn gấp đôi, đạt khoảng 60%.
Ở thời gian đó, khách hàng có thể dễ dàng vay nợ thế chấp hơn trước tại các ngân hàng. Điều này góp phần khiến ngành bất động sản bùng nổ và chi tiêu càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi hàng loạt công ty cho vay tiêu dùng “mọc lên như nấm”.
“Nền kinh tế Trung Quốc không dựa vào người tiêu dùng - quan điểm này là một trong những lầm tưởng tai hại nhất về quốc gia tỷ dân”, theo ông Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics.
Thực tế cho thấy có tới 50% GDP Trung Quốc hoặc hơn đến từ tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư. Trong vài tháng qua, nền kinh tế Trung Quốc tỏ ra suy yếu cho thấy nếu một nửa GDP không xuất hiện thì hậu quả gì sẽ xảy ra.
Kể từ quý IV/2020, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ nợ hộ gia đình/ GDP đã không đổi. Theo một số chuyên gia kinh tế, tình hình này cho thấy sự thay đổi trong dài hạn và thậm chí là vĩnh viễn.
“Chúng ta đã trải qua thời kỳ mà tăng trưởng kinh tế có thể được đẩy mạnh nhờ tăng cường đòn bẩy nợ”, theo ông Gan Li, Giám đốc Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu về Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc.
Khó chuyển đổi hướng đi
Các doanh nghiệp đa quốc gia dựa dẫm vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc đang chịu những ảnh hưởng rất rõ ràng từ việc người dùng Trung Quốc tỏ ra e ngại về việc người dùng nước này vay tiền để chi trả những chi phí hàng ngày. Theo báo cáo của Starbucks Trung Quốc, doanh thu của họ đã lao dốc 44% trong quý 2.
Nike tại Trung Quốc ghi nhận doanh thu giảm 20% trong quý vừa qua. Doanh thu của Alibaba giảm 1% trong quý gần nhất. Thực tế đang cho thấy những nhà bán lẻ thu về lợi nhuận khủng trong giai đoạn đại dịch hiện cũng gặp nhiều khó khăn.
Ở giai đoạn trước đại dịch, người dùng lo ngại về việc ổn định tài chính trước sự gia tăng của nợ gia đình. Thế nhưng, giờ đây còn xuất hiện những nỗi lo rằng Trung Quốc bị mắc kẹt lại trong vòng xoáy giảm tốc do những người dân như cô Anna tại Thượng Hải đề cao tính tiết kiệm.
Dựa theo những gì đã xảy ra tại Nhật Bản sau khi bong bóng tài sản thập niên 90 đổ vỡ cho thấy rằng tiêu dùng và giá trị địa ốc có thể hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề trong dài hạn nếu người dùng giảm vay nợ trong một khoảng thời gian dài, theo báo cáo của BCA Research.
“Tình hình trên sẽ tiếp tục diễn ra cho đến thời điểm ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC hạ lãi suất để khuyến khích vay nợ và ngăn chặn tình trạng tiết kiệm, cũng như việc làm và thu nhập được cải thiện và giá nhà bật tăng trở lại giúp phục hồi niềm tin cho người dân”, theo ông Arthur Budaghyan, chuyên gia cấp cao về thị trường mới nổi tại BCA Research nhận định.
PBoC không sẵn lòng để cho các hộ gia đình nợ nần chồng chất sau khi nỗ lực điều chỉnh các hoạt động cho vay tiêu dùng để giảm thiểu rủi ro tài chính.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong tuần này đã hạ lãi suất chuẩn 10 điểm cơ bản. Thế nhưng ngân hàng Nhân dân Trung Quốc không còn nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất vì lo ngại dòng vốn tháo chạy khi Cục dự trữ liên bang Mỹ và những ngân hàng Trung ương khác trên thế giới quyết định tăng lãi suất mạnh tay.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra chiến dịch “thịnh vượng chung”, và bất kỳ động thái nào kích thích những người giàu có mua thêm nhà cũng không không phù hợp với chiến dịch này, bất chấp việc hạ lãi suất có thể kích thích kinh tế trong ngắn hạn.
“Sẽ gặp nhiều trở ngại về mặt chính trị nếu thay đổi hướng đi của chính sách tiền tệ bởi lẽ ông Tập đã nhấn mạnh rằng nhà để ở, không nên trở thành công cụ đầu cơ”, theo ông Nicholas Borst, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners.