Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về sau 1 tháng tạm dừng
BÀI LIÊN QUAN
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá bán USD, bơm thanh khoản dài hạn cho các ngân hàng Nhiều ngành kinh tế được "kích hoạt" khi Ngân hàng Nhà nước tăng thêm chỉ tiêu tín dụngThêm 3 loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nướcTrong phiên giao dịch ngày hôm qua (21/12), Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu tín phiếu với kỳ hạn ngắn 7 ngày để rút bớt thanh khoản hệ thống. Cơ quan này đã chào thầu thành công 20.000 tỷ đồng với lãi suất 3,98%/năm. Đây là phiên thứ hai liên tiếp nhà điều hành trở lại hút bớt tiền về với mức độ lớn.
Trước đó vào phiên giao dịch ngày 20/12, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống sau hơn 1 tháng tạm dừng. Cơ quan này đã chào thầu thành công 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,39%.
Nếu tính cả khối lượng đáo hạn trên kênh cầm cố, chỉ trong 2 phiên chào thầu trái phiếu trở lại (20 - 21/12), nhà điều hành tiền tệ đã hút ròng hơn 48.205 tỷ đồng. Lần gần đây nhất mà Ngân hàng Nhà nước sử dụng tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống diễn ra vào khoảng 15 - 18/11, với quy mô 40.000 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày và lãi suất dao động 4,5 - 6%.
So với đợt phát hành vào trung tuần tháng 11, đợt phát hành tín phiếu lần này của Ngân hàng Nhà nước có kỳ hạn ngắn hơn và lãi suất trúng thầu thấp hơn. Động thái này cho thấy sự nới tay của Ngân hàng Nhà nước trong việc hút thanh khoản và lượng tiền bị rút ra sẽ sớm trở lại hệ thống.
Bên cạnh việc mở lại kênh hút thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dừng nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá trị (OMO) 91 ngày. Trong 3 phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ sử dụng nghiệp vụ OMO 7 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng với quy mô đạt hơn 11.209 tỷ đồng, có hơn 24.472 tỷ đồng các khoản vay OMO cũ đáo hạn.
Tính từ đầu tuần này, từ ngày 19/12, việc đẩy mạnh hút tiền qua tín phiếu và hạn chế hỗ trợ thanh khoản qua nghiệp vụ OMO, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng ra khỏi hệ thống 53.262 tỷ đồng. Trong đó, có 40.000 tỷ qua kênh tín phiếu và 13.262 tỷ đồng qua kênh OMO đáo hạn.
Trong tuần trước, từ 7 - 15/12, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cung ứng thanh khoản kỳ hạn dài cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ OMO 91 ngày với khối lượng đều đặn gần 3.000 tỷ đồng/phiên. Trong giai đoạn này, tổng lượng cung ứng của Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống đạt gần 21.000 tỷ đồng.
Động thái này được diễn ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Với việc điều chỉnh tăng thêm sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thêm dư địa để cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong dịp cuối năm. Điều này cũng tạo áp lực lớn cho các ngân hàng về mặt thanh khoản, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng huy động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Hoạt động liên tục hút ròng tiền lớn diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND liên tiếp giảm sâu ở các kỳ hạn ngắn trên thị trường mở, sự chênh lệch lãi suất VND/USD bị thu hẹp.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền về, tỷ giá USD/VND đã nhanh chóng hạ nhiệt trở lại trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ giá giao ngay chốt phiên 21/12 với mức 23.715 đồng/USD, giảm 55 đồng so với phiên 20/12. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng cũng hạ nhiệt.
Ghi nhận trưa ngày 22/12. giá USD tại Vietcombank mua vào ở mức 23.510 VND/USD và bán ra ở mức 23.820 VND/USD, giảm 40 đồng so với chốt phiên hôm qua nhưng vẫn tăng 100 đồng so với cuối tuần trước.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước khiến chênh lệch lãi suất VND - USD ổn định, tâm lý găm giữ USD có thể được giải tỏa. Các yếu tố liên quan đến nguồn cung ngoại tệ có nhiều điểm tích cực như cán cân thương mại thặng dư, giải ngân dòng vốn FDI, FII, dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân cũng là động lực để tỷ giá USD/VND ổn định trong thời gian sắp tới.
Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng có chung quan điểm trên và đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá VND/USD.
''Ngoài ra, chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng lãi suất chính sách chính của Việt Nam có thể tăng dần 0,5 điểm % vào cuối năm 2022 và tăng thêm 1 - 2 điểm % vào năm 2023'', báo cáo của ACBS viết.
Liên quan đến vấn đề thanh khoản cho ngân hàng, trước đó tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh mới đây, đại diện nhiều ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (SWAP ngoại tệ) và cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn dài (OMO) để các nhà băng có thêm nguồn lực giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, đại diện BIDV đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ OMO và cho vay tái cấp vốn.
Tại hội nghị, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, cơ quan này luôn sẵn sàng cung ứng vốn đầy đủ cho hệ thống. Ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, SWAP ngoại tệ.