Năm 2024, lô hàng đồ chơi Lego đầu tiên sản xuất tại Việt Nam ra mắt thị trường
BÀI LIÊN QUAN
Doanh thu của Lego đạt kỷ lục bất chấp dịch bệnh và lạm phátLEGO: Từ xưởng mộc nhỏ bên bờ vực phá sản tới doanh nghiệp đồ chơi lớn nhất thế giớiAmazon, Lego... chọn Việt Nam, đón tiền tỷ USD hàng nghìn ha đất tăng giáDự án lớn nhất của Lego trên toàn cầu
Theo tuoitre.vn, lễ khởi công có sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh và Thái tử kế vị Hoàng gia Đan Mạch Frederik.
Dự án nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn Lego được đặt tại khu công nghiệp VSIP 3, với tổng diện tích 44 ha (tương đương với 62 sân bóng đá). Tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới 1 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ hai tại châu Á. Dự án nhà máy sản xuất đồ chơi Tập đoàn Lego là khoản đầu tư lớn nhất của một công ty Đan Mạch vào Việt Nam.
Nhà máy mới này của Lego được áp dụng các công nghệ tân tiến nhất để tạo khuôn, xử lý và đóng gói các sản phẩm của Lego. So với những nhà máy trước đó của Lego, nhà máy tại Bình Dương là "nhà máy bền vững nhất" của tập đoàn từ trước đến nay, vì được thiết kế thành cơ sở trung hòa carbon.
Bên cạnh các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà, nhà máy của Lego còn có một trang trại điện mặt trời được xây dựng trên khu đất lân cận, đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng năng lượng hằng năm của nhà máy.
Nhà máy cũng sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng hiện đại và được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu.
Ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lego chia sẻ về dự án mới tại Việt Nam: “Điều này không chỉ cho phép chúng tôi mang phương pháp học tập thông qua vui chơi đến với nhiều trẻ em hơn và tạo ra sự phát triển lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn giúp Lego nhanh chóng thích nghi và đáp ứng với sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng”.
3 lý do Lego chọn Việt Nam xây nhà máy mới
Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lego cho biết 3 lý do quan trọng để tập đoàn này lựa chọn Việt Nam xây dựng nhà máy mới. Một là, Việt Nam có đội ngũ nhân sự lành nghề cần thiết cho hoạt động sản xuất. Hai là hính phủ Việt Nam đặt cam kết rất cao tại COP26 về trung hòa carbon vào 2050, phù hợp với tìm kiếm của tập đoàn. Ba là Việt Nam có nhiều lợi thế về quan hệ thương mại với khu vực và quốc tế vì tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đây chính là “cánh cửa” giúp Lego dễ dàng thâm nhập sâu rộng vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
"Nhà máy sẽ đóng góp bao nhiêu vào doanh số tập đoàn là điều khó ước lượng chính xác ở thời điểm này. Tuy nhiên, mục tiêu chính của nó là phục vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nơi có số trẻ em vẫn còn tăng cao, nên đóng góp có thể là rất lớn", ông Niels B. Christiansen, nhận định.
Lãnh đạo của Tập đoàn Lego cũng cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam là hướng đến sản xuất gần người tiêu dùng, nhằm hạn chế việc phụ thuộc vào vận chuyển hàng hóa. Bởi giá thành các món hàng Lego được xem là khá cao so với thu nhập của người Việt, sự hiện diện của một nhà máy ở đây sẽ giúp thêm nhiều trẻ em tiếp cận được với trò chơi này.
“Hy vọng với một nhà máy lớn đặt ở Việt Nam, thương hiệu của chúng tôi cũng có cơ hội phát triển nhiều hơn tại đây", ông Niels B. Christiansen nói.
Về phía tỉnh Bình Dương, dự án của Tập đoàn Lego là khoản thu hút vốn FDI lớn nhất của tỉnh này kể từ sau đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp Đan Mạch lựa chọn tỉnh Bình Dương và Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP được lãnh đạo Tập đoàn Lego đánh giá cao, vì các bên đều có cùng định hướng phát triển mang tính bền vững, từ việc sử dụng năng lượng, nước, xử lý chất thải đến quản lý giao thông và an ninh. Quan trọng nhất là có một nhà máy điện mặt trời có vị trí ngay cạnh dự án để đáp ứng nhu cầu dùng năng lượng tái tạo. Các chính sách thu hút đầu tư và sự hỗ trợ của địa phương này cũng được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Lego khẳng định không chỉ xây dựng nhà máy và bán sản phẩm, Tập đoàn đầu tư tại Việt Nam với mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, công ty sẵn sàng đón các đoàn tham quan nhà máy để tìm kiếm cơ hội làm ăn với các đối tác cung ứng nội địa khi nhà máy của Tập đoàn Lego tại Việt Nam đi vào vận hành.
Dự kiến nhà máy mới của Lego tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động sản xuất vào năm 2024. Lực lượng lao động tại nhà máy là các công nhân địa phương có tay nghề cao được đào tạo để vận hành các thiết bị công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo mỗi viên lego được sản xuất có độ chính xác bằng 1/10 độ dày của một sợi tóc. Trong 15 năm tới, nhà máy này sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 4.000 người.
Được biết, tại Tập đoàn Lego có một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam. 5 nhà máy khác của Lego trên thế giới cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt.
Tập đoàn Lego được thành lập từ năm 1932 tại thị trấn Billund, Đan Mạch. Người sáng lập là ông Ole Kirk Kristiansen, quy mô ban đầu là một gia đình mộc sản xuất đồ chơi gỗ và yoyo. Cái tên Lego bắt nguồn từ hai từ trong tiếng Đan Mạch là Leg và Godt, có nghĩa là "Chơi vui". Đến nay, Tập đoàn Lego vẫn là một công ty gia đình có trụ sở chính tại Billund. Không chỉ trẻ em mà người lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới rất yêu thích các sản phẩm của Lego. Các sản phẩm này hiện được bày bán và tiêu thụ tại hơn 130 quốc gia.