Năm 2023, Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
KBank - ngân hàng của gia tộc Madam Pang rót 560 triệu USD “lấn sân” thị trường tài chính ViệtGồng lãi ngân hàng vì giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của vợ chồng trẻTỷ giá và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cùng lao dốc mạnhTheo Doanhnhan.vn, mới đây Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) đã thông báo Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh năm 2023 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng đối với kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, so với con số dự kiến sẽ đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ đồng đã tăng 42,9%. Tổng tài sản đến cuối năm 2023 ước đạt 210.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 14%. Đáng chú ý, dư nợ cấp tín dụng ước đạt 146.600 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 14%.
Với số dư nợ tín dụng như trên, ban điều hành của ngân hàng này dự kiến sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở dưới 1,6%, thấp hơn mức 1,7% cuối năm nay. Ngoài ra, huy động vốn ước tính sẽ tăng 11,8% và đạt khoảng 165.000 tỷ đồng.
Mới đây, Eximbank cũng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 16/1/2023 tại TP.HCM. Bên cạnh đó, HĐQT của nhà băng này cũng đã có nghị quyết về việc đề cử nhân sự dự kiến sẽ bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank trong nhiệm kỳ VII (2020-2025). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử này là ngày 11/11. Số lượng thành viên dự kiến sẽ bầu bổ sung cũng sẽ được nêu và công bố thông tin trong thông báo gửi cổ đông.
Vào ngày 16/11, Eximbank sẽ gửi thông báo cho các cổ đông về việc đề cử những nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT. Thời gian nhận đồ sơ đề cử là trong khoảng từ ngày 30/11-2/12. Đến ngày 6/12, Eximbank sẽ trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước để xem xét cũng như chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Được biết, kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT được ngân hàng công bố sau khi 2 thành viên là bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) cùng với ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank với lý do cá nhân. Cả hai nhân sự kể trên đều có liên quan tới Tập đoàn Thành Công. Trong đó, bà Lê Hồng Anh sinh năm 1975, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của Tập đoàn Thành Công kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land. Còn ông Đào Phong Phúc Đại (sinh năm 1975) giữ chức Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess và được đề cử bởi CTCP Tập đoàn Thành Công, Mr Exim Investments cùng với bà Nguyễn Hồng Ngọc.
Bên cạnh 2 nhân sự kể trên, mới hồi tháng 9 năm nay ông Võ Quang Hiển đã không còn là thành viên HĐQT Eximbank cũng như thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Lý do miễn nhiệm là ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank kể từ ngày 14/9.
Thời điểm hiện tại, SMBC là cổ đông lớn duy nhất của Eximbank với hơn 185,3 triệu cổ phần (tương đương với tỷ lệ 15,07%). Thế nhưng hồi đầu năm nay, ngân hàng này đã kết thúc thỏa thuận liên minh chiến lược với phía cổ đông Nhật Bản. Trong khi đó, SMBC đã mua thành công 49% cổ phần của FE Credit hồi cuối năm 2021 từ tay Ngân hàng VPBank, đồng thời chính thức trở thành cổ đông chiến lược của công ty này.
Ban quản trị của Eximbank hiện còn 4 người, bao gồm: Bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT là bà Đỗ Hà Phương, ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Nguyễn Hiếu.
Lợi nhuận 9 tháng vượt kế hoạch năm
Theo như báo cáo tài chính của Eximbank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm là hơn 3.181 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 229%; đồng thời vượt luôn cả kế hoạch năm 2022 là 2.500 tỷ đồng.
Theo đó, hoạt động tín dụng đã giúp ngân hàng thu về 4.154 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng gần 64%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 11,7% và 32,4% so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, hoạt động chứng khoán ngân hàng lãi 114 tỷ đồng sau 9 tháng, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng gần 55%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khác cùng với thu nhập từ việc góp vốn mua cổ phần trong kỳ này cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng đột biến.
Tính riêng trong quý 3, hầu hết những mảng hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng khả quan. Nguồn thu chính đã tăng 102% so với cùng kỳ, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng vì ngân hàng giảm danh mục chứng khoán nhằm dịch chuyển vốn sang những lĩnh vực đầu tư hiệu quả hơn. Trong kỳ này, Eximbank đã hoàn nhập 296 tỷ đồng dự phòng rủi ro, nhưng cùng kỳ năm 2021 lại trích lập 61 tỷ đồng. Quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.278 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ và cao hơn cả lợi nhuận cả năm 2021.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của khách hàng tại Eximbank đạt hơn 183.600 tỷ đồng, so với đầu năm đã tăng gần 11%. Trong đó, cho vay khách hàng đã tăng 11,1% và đạt 127.447 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng giảm nhẹ còn 1.365 tỷ đồng. Huy động vốn khách hàng tăng nhẹ 5,7% và đạt 145.261 tỷ đồng. Số dư nợ xấu tăng 7,5% so với đầu năm và ở mức 2.416 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 1,96% xuống còn 1,9% tính đến ngày 30/9.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 2/12, giá cổ phiếu EIB của Eximbank đang được giao dịch ở mức 21.100 đồng/cổ phiếu.