"Mục sở thị" căn biệt thự sang trọng gần trăm năm tuổi của đại gia giàu nhất phố cổ Hà Nội một thời
BÀI LIÊN QUAN
Vợ chồng ông chủ tiệm vàng khét tiếng Hà Nội một thời: Từ 3 lạng vàng đi vay đến biệt thự rộng nhất phố cổ, tậu liền lúc 6 căn nhàĐại gia Sài Thành thời xưa: Từ một gánh ve chai đến 30.000 căn nhà cùng loạt bệnh viện, khách sạn, khu thương mại nức tiếng một thờiHoa mắt với đại gia đồ cổ Sài Thành, sở hữu kho cổ vật trị giá lên tới hàng trăm triệu USDHồi ức về đám cưới “chẳng có gì ngoài vàng” của con gái đại gia phố cổ
Năm sâu trong con ngõ 44 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là căn biệt thự Pháp cổ với tổng diện tích lên tới 800m2. Được biết, căn biệt thự này được xây dựng và hoàn thành vào năm 1926, bởi vợ chồng thương gia Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu giàu có nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Bà Trương Thị Mô (sinh năm 1924) là con gái thứ hai của Trương Trọng Vọng và cụ bà Nguyễn Thị Sửu hiện đang là chủ của căn biệt thự này. Hiện tại, bà Mô đã gần 100 tuổi, sức khỏe đã yếu và không còn minh mẫn như xưa. Bà đang được con cháu thay nhau chăm sóc. Sau năm 1960, cụ Vọng cùng với 5 người con di tản đi nơi khác, căn nhà này được để lại cho bà Mô trông coi.
Vào những năm 20 của thế kỷ trước, cụ ông Trương Trọng Vọng được biết đến là một trong những doanh nhân thầu khoán giàu nức tiếng ở Hà Nội. Cụ có quê gốc tại Văn Điển (Thanh Trì, HN). Nhớ lại những ngày tháng thanh xuân, đặc biệt là thời điểm tổ chức đám cưới của mình, bà Mô vẫn cảm thấy bồi hồi.
Khi ấy, bà Mô vừa bước sang tuổi đôi mươi, đang bán tơ lụa ở phố Hàng Đào. Bà Mô nói, bố mẹ bà không thách cưới như những gia đình khác. Bà với chồng - nhân viên của Sở Hỏa xa (nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) gặp gỡ và yêu nhau nhờ mai mối. Sau thời gian ngắn tìm hiểu, hai bên cảm thấy phù hợp nên quyết định về chung một nhà.
Chia sẻ trên Báo Pháp Luật, bà Mô xúc động kể lại: “Tôi vẫn nhớ, ngày ăn hỏi, tôi mặc áo dài nhung màu tiết dê, tóc để kiểu phi dê và đeo trên người các loại trang sức như kiềng, dây chuyền, bông tai, nhẫn, lắc tay và cả nhẫn kim cương. Bố mẹ tôi có nhiều bạn bè nên chỉ riêng ngày ăn hỏi, mọi người đã đứng gần kín phần diện tích 800m2 của căn biệt thự.
Khi nhà trai xuất hiện, số lượng khách bên nhà trai cũng không kém cạnh. Ai cũng ăn mặc lịch sự, sang trọng. Đi đầu là đoàn nam thanh với 7 tráp lễ được trang trí rất đẹp và cầu kỳ. Tiếp theo là các bô lão, các thành viên trong gia đình chú rể và các anh em bạn bè”.
Đến ngày trọng đại, dù đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục nhưng đám cưới vẫn thu hút người tới xem bởi sự xuất hiện của một đoàn 7 xe ô tô của nhà trai tới đón dâu. Lượng khách quá đông nên khách của bố, mẹ và của cô dâu phải chia ra và tổ chức vào 3 ngày liên tiếp. Thậm chí, bà còn không nhớ được số lượng mâm cỗ để tiếp đón quan khách là bao nhiêu. Bà chỉ nhớ căn biệt thự ngày đó lúc nào cũng nườm nượp người ra kẻ vào.
Bà Mô kể, của hồi môn bố mẹ tặng là một hộp chứa đầy trang sức vàng. Bên cạnh đó, gia đình nhà trai cũng tặng cho con dâu một lượng lớn vòng, kiềng, nhẫn vàng. Mỗi ngày tiệc, bà Mô lại mặc một mẫu áo dài khác nhau. Đặc biệt trong ngày cưới chính, bà Mô mặc áo dài gấm, đi giày cao gót, trang điểm cầu kỳ. Ngày ấy, bà chụp rất nhiều ảnh cưới nhưng những tấm ảnh này đã thất lạc từ lâu.
Trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, thời điểm hiện tại gia đình bà Mô chỉ quản lý phần diện tích hơn 200m2 của ăn biệt thự. Phần diện tích này được gia đình giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Các thế hệ trong nhà cũng vẫn sống cùng nhau, hàng ngày cùng đi chợ, nấu ăn… rất vui vẻ.
Chiêm ngưỡng bên trong căn biệt thự của đại gia phố cổ nức tiếng một thời
Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, căn biệt thự 800m2 tại Hàng Bè của cụ Trương Trọng Vọng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những kiến trúc hoa văn nguyên bản nhưng sang trọng. Căn biệt thự này đặc biệt ở chỗ, mùa đông thì ấm áp nhưng mùa hè lại thoáng mát. Bên cạnh đó, một số đồ đạc như bàn ghế, sập gụ, tủ, quạt, bát… vẫn được các thế hệ con cháu gìn giữ cẩn thận như báu vật vô giá trong nhà.
Thời xưa, cụ Trương Trọng Vọng sau nhiều năm lăn lộn ngoài thương trường đã chủ động mua lại mảnh đất tại phố Hàng Bè, sau đó xây cơ ngơi rộng rãi để đưa đại gia đình lên đây ở, vừa tiện công việc kinh doanh, vừa tạo điều kiện để các con của mình có thể học tập tại những trường học của Pháp.
Bà Lê Thanh Thủy (SN 1955) - con gái bà Mô cho biết, thời còn trẻ, bà hay được nghe mẹ kể về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Những câu chuyện này gắn liền với lịch sử hình thành của căn biệt thự phố Hàng Bè. Cũng có câu chuyện bà được cha mẹ hoặc những người làm công trong nhà kể lại.
Bà Thủy tự hào cho biết, toàn bộ căn biệt thự của ông bà mình đều được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp. Công trình còn có sự tham gia của gần 100 nhân công xây dựng đến từ nhiều tỉnh thành gần Hà Nội, mất 1 năm mới có thể hoàn thành.
Hầu hết nội thất trong căn biệt thự đều vô cùng đắt đỏ được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông. Bà Thủy cũng kể rằng, để hoàn thiện được công trình này, các cụ thời xưa đã phải gom rất nhiều gỗ quý - chủ yếu là gỗ lim cổ thụ suốt nhiều tháng trời ròng rã. Điều đáng nói, vào thời điểm đó, giá trị của một bộ bàn ghế – tủ phấn, giường ngủ nhập khẩu có thể bằng một ngôi nhà cỡ nhỏ. Cách so sánh này đủ thấy đại gia phố cổ thời xưa giàu có cỡ nào.
Căn biệt thự được xây dựng với các phòng riêng biệt; hệ thống giếng trời, sân vườn được bố trí hài hòa. Dù được xây dựng từ gần trăm năm trước nhưng thiết kế của nó vẫn khá hiện đại. Những căn phòng đều được thiết kế với nhà vệ sinh khép kín, nhà tắm riêng. Phòng của chủ còn có thêm cả quạt trần, tủ, giường, sập gụ bằng gỗ lim sang trọng. Căn biệt thự còn có phòng ngủ cho từng thành viên trong gia đình, phòng dành cho khách, phòng ăn, phòng bếp, phòng cho người ở.
Đặc biệt, điểm nhấn của căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết “Đào – Cúc – Trúc – Mai”. Những cột đá này mang ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng, giàu sang cũng như sự ấm no cho gia chủ. Bà Thủy chia sẻ, mẹ mình xưa kia cũng là tiểu thư khuê các. Bà cùng các anh chị em trong nhà luôn được cha mẹ yêu thương, cưng chiều. Nếu muốn đi chơi, cha mẹ sẽ gọi lái xe chở các con đi. Mỗi lần sinh nhật, cha mẹ sẽ mua những món quà nhập ngoại đắt tiền để tặng các con.
Cũng theo bà Thủy, căn biệt thự của gia đình mình được rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ lựa chọn để quay MV ca nhạc. Gia đình bà luôn tạo điều kiện cho các đoàn khách, làm phim… đến nhà để tham quan, lấy bối cảnh diễn xuất. Mọi người luôn mong muốn có thể giới thiệu kiến trúc độc đáo của căn nhà tới nhiều người. Dù có lúc cũng hơi bất tiện nhưng cả đại gia đình bà Thuỷ đều vui và tự hào khi thấy căn biệt thự của nhà mình được xuất hiện trước công chúng.
Căn biệt thự này từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt nổi tiếng như: Hà Nội mùa đông năm 46, Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn, Khép mắt chờ ngày mai, Hương ngọc lan, Hoa xương rồng…
Căn biệt thự này đã chứng kiến quá nhiều kỷ niệm cũng như những dấu mốc thăng trầm của đại gia đình. Với tất cả mọi người, cơ ngơi này là vô giá. Rất nhiều người từng ngỏ ý mua lại căn biệt thự với giá cao nhưng không ai có ý định sang nhượng. Bà Thủy cho biết, mọi người sẽ cùng nhau gìn giữ căn biệt thự, coi đây là một báu vật tồn tại theo thời gian…