Mùa công bố kết quả kinh doanh quyết định diễn biến thị trường chứng khoán cuối năm
Khối ngoại liên tục bán ròng
Thống kê tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi tích cực sau 2 tháng điều chỉnh sâu. Đóng cửa phiên 30/11, VNIndex tăng 66 điểm (+6,4%) so với tháng trước, đạt 1.094,1 điểm. Giá giao dịch bình quân trên 3 sàn lên mức 19,3 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 14% so với tháng 10.
Theo dữ liệu vĩ mô, cho thấy những tín hiệu tích cực hơn và nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu phục hồi. Sản xuất và thương mại đang hồi phục, tiêu dùng nhích nhẹ, giải ngân đầu tư công tăng cao, giải ngân FDI ổn định, lạm phát và tỷ giá đều hạ nhiệt, lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
Nhưng vẫn còn điểm trừ lớn trong tháng 11 và kéo dài sang các phiên giao dịch tháng 12 là xu hướng bán ròng của khối ngoại đã kéo dài tháng thứ 8 liên tiếp. Tháng 11, nhà đầu tư ngoại bán ròng với giá trị lên tới 3.500 tỷ đồng, nâng quy mô bán ròng lên 12.700 tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại vẫn ổn định quanh ngưỡng 7 - 8% trên giá trị giao dịch thị trường.
Các mã chứng khoán khối ngoại mua/bán ròng nhiều nhất (phiên 13/12) |
Một số nhóm ngành trụ cột bị khối ngoại bán ròng như bất động sản (-2.100 tỷ đồng), bán lẻ (-1.300 tỷ đồng), thực phẩm đồ uống (- 1.200 tỷ đồng). Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh ở nhóm tài nguyên môi trường với giá trị 898 tỷ đồng, duy trì xu hướng này từ đầu năm với tổng giá trị hơn 6.000 tỷ đồng. Một số nhóm ngành được mua ròng nhiều như hóa chất, vật liệu xây dựng, dầu khí, công nghệ thông tin.
Kể từ đầu năm đến nay, các nhóm ngân hàng, thực phẩm đồ uống, bán lẻ chiếm tỷ trọng chi phối cục bộ ở ba mã là EIB của Eximbank (-5.000 tỷ đồng), VPB (-3.000 tỷ đồng) và mã MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (-3.200 tỷ đồng).
Có thể thấy, những mã vốn hóa trung bình đang thu hút dòng tiền nước ngoài. Điểm nhấn trên thị trường là các mã DGC (+624 tỷ đồng), NKG (+298 tỷ đồng), NLG (+222 tỷ đồng), HSG (+199 tỷ đồng), đây là nguyên nhân chính giúp nhóm VNMidcap (+2.600 tỷ đồng) đạt giá trị mua ròng cao nhất kể từ đầu năm 2023, bù đắp giá trị bán ròng kỷ lục ở nhóm VN30 (-5.400 tỷ đồng) trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thêm một điểm sáng nữa của cơ quan quản lý năm nay là trật tự kỷ cương, kỷ luật của thị trường chứng khoán đang được tăng cường và giữ vững. Các cơ quan đang đẩy mạnh, tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm trên thị trường đã mang lại hiệu quả chung về sự minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Báo cáo Chiến lược của Công ty CP Chứng khoán SSI đã nhận định về thị trường chứng khoán tháng 12/2023, nhấn mạnh về sự trở lại của các yếu tố có thể hỗ trợ cho nhịp hồi phục này tiếp diễn, gồm: tỷ giá hạ nhiệt, chính sách tiền tệ - xu hướng giảm của lãi suất, chính sách tài khóa - tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và đẩy mạnh đầu tư công tạo động lực tăng trưởng, mùa kết quả kinh doanh quý IV - hiệu ứng nền so sánh thấp.
Chú ý nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, có mức tăng trưởng cao
Chuyên gia của SSI cho rằng, dữ liệu vĩ mô tháng 11 đã thể hiện được nhiều tín hiệu tích cực hơn và xác nhận nền kinh tế đã bước vào giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Theo đó, sản xuất và thương mại tiếp tục hồi phục, tiêu dùng tăng nhẹ, giải ngân đầu tư công bật tăng, giải ngân FDI ổn định, lạm phát và tỷ giá đều giảm và lãi suất trở về mức thấp.
Sau nhịp điều chỉnh 18% suốt 3 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phục hồi 6,4% trong tháng 11 cũng như từ đáy được xác lập trong tháng 10.
Việc tỷ giá tăng mạnh vẫn được xem là yếu tố tác động chính tới nhịp chỉnh mạnh của thị trường |
“Cho tháng giao dịch cuối cùng của năm 2023, chúng tôi nhấn mạnh trở lại các yếu tố có thể hỗ trợ nhịp hồi phục này tiếp diễn” - Báo cáo của SSI nhấn mạnh.
Xét về tỷ giá, việc tỷ giá tăng mạnh vẫn được xem là yếu tố tác động chính tới nhịp chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua. Tỷ giá USD/VNĐ trong tháng 11 giảm 1,2% so với tháng trước. Xu hướng hạ nhiệt của tỷ giá tiếp tục được duy trì nhờ kỳ vọng Fed đảo chiều chính sách tiền tệ sớm hơn, cùng với đó cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (đạt 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và 25,8 tỷ USD kể từ đầu năm).
Về chính sách tiền tệ, tháng 11 vẫn ghi nhận xu hướng giảm của lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Lãi suất trên thị trường đã giảm mạnh về mức tương đương với năm 2021 trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu từ nửa cuối tháng 11 khi nhận thấy áp lực tỷ giá đã hạ xuống. Lãi suất càng thấp sẽ giúp lợi suất đầu tư chứng khoán càng hấp dẫn hơn.
Đồng thời, những chính sách tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư công cho động lực tăng trưởng. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho phép kéo dài gói cắt giảm thuế VAT đến ngày 30/6/2024. Giá trị giải ngân đầu tư công trong tháng 11 chính là tháng cao nhất trong suốt 2 năm qua, áp lực giải ngân trong 2 tháng còn lại của năm tài khoá vẫn rất lớn khi khối lượng cần giải ngân lên tới 230 nghìn tỷ đồng.
Tháng 12, một trong những điều mà thị trường chờ đợi là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV. Với tín hiệu kinh tế phục hồi tích cực hơn trong tháng trước cùng mức giảm 33,5% so với cùng kỳ của lợi nhuận quý IV/2023 của thị trường, chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận thị trường trong quý IV là quý đầu tiên tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tiếp suy giảm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế |
Với những yếu tố thuận lợi như vậy, dù chưa đặt quá nhiều kỳ vọng cho tới khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đưa được nền kinh tế, cụ thể là các doanh nghiệp trên thị trường chính thức trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Song, độ biến động của thị trường đang hẹp dần vì thị trường đang trong giai đoạn phục hồi ban đầu sau nhịp giảm sâu, dòng tiền sẽ năng động tìm tới nhiều cơ hội hơn khi các yếu tố rủi ro nhẹ dần, theo báo cáo của SSI.
Về khuyến nghị đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng dòng tiền có thể sẽ phân hóa trong tháng 12, do đó các nhà đầu tư cần chú ý lựa chọn các nhóm cổ phiếu, nên chú ý nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và mức tăng trưởng cao.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong và ngoài nước, như: Căng thẳng địa chính trị lan rộng trên nhiều khu vực, dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ; Nhu cầu tiêu dùng giảm, tăng trưởng kinh tế thấp…
Song, vì được hỗ trợ từ các đơn vị liên quan nên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự ổn định, an toàn và tiếp tục giữ vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 vẫn được đánh giá là có tăng trưởng tích cực so với thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tính đến ngày 30/11, mức vốn hóa tăng 11,1% so với cuối năm ngoái, tương đương 60,5% GDP ước tính năm 2022.
Thị trường chung vẫn duy trì xu hướng tăng trong dài hạn, nhưng xu hướng tăng chưa rõ ràng nên các nhà đầu tư dài hơi có thể tiếp tục duy trì vị thế mua và nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu quanh mức 35 - 40% danh mục.
Theo Yuanta, nhóm cổ phiếu đáng chú ý trong tháng 12/2023 là nhóm hóa chất (DGC, DCM, LAS, CSV, PHR); Nhóm phần mềm và dịch vụ máy tính (FPT, CMG); Nhóm ngân hàng (HDB, MBB, ACB, BID, STB); Nhóm sản xuất dầu khí (BSR); Nhóm thép (HSG, HPG); Nhóm ngành bán lẻ (FRT, DGW); Nhóm dịch vụ dầu khí (PVS, PVD). Bên cạnh đó nên quan sát thêm nhóm cổ phiếu vận tải, sản xuất thực phẩm, nước và khí đốt.