Môi giới BĐS nghĩ ra cách bán hàng độc lạ để "vớt vát" giao dịch những ngày cận Tết
BÀI LIÊN QUAN
Cẩn trọng với chiêu "tung hỏa mù" của môi giới khi "săn" bất động sản giá rẻGiá bán nhà đất giảm mạnh cận Tết, môi giới liên tục tung chiêu tặng quà khủngCuối năm, môi giới bất động sản "căng mình" bán hàng: Chỉ cần một khách hàng chịu ngồi nghe mình tư vấn là cũng may mắn lắmMôi giới cố bám trụ với nghề dù thị trường gặp khó
Ghi nhận tại các khu vực từng là "điểm nóng" bất động sản những ngày gần đây cho thấy, thị trường tiếp tục rơi vào trạng thái trầm lắng. Đối với phân khúc đất nền, giao dịch gần như không phát sinh, hoạt động đầu tư mua bán cũng chậm hẳn. Các nền đất giá ngộp mặc dù đã được rao bán nhiều lần nhưng cũng không dễ chốt giao dịch. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có những sản phẩm vị trí đẹp, giá tốt được bán ra từ những nhà đầu tư bị ngộp tài chính.
Bên cạnh đó, nhiều môi giới vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề dù thị trường gặp khó. Dạo một vòng tại các điểm giao dịch, quán cafe... bắt gặp môi giới vẫn ngồi đợi khách. Thỉnh thoảng xuất hiện vài vị khách ngồi nghe tư vấn, tuy nhiên số này rất ít. Những môi giới này không về quê, họ quyết tâm ở lại TP. Hồ Chí Minh và đang cố gắng "vớt vát" giao dịch thời điểm cận Tết.
Anh Huy, môi giới tự do là một trong những ví dụ như vậy. Hiện tại, anh vẫn "ôm" biển tư vấn bán đất đi khắp các quán cafe mà anh quen biết. Vừa nhâm nhi ly cafe, anh vừa hy vọng sẽ có giao dịch trong bối cảnh thị trường trầm lắng. Anh Huy cho biết, để có được giao dịch lúc này rất khó. Tuy nhiên, anh vẫn hy vọng nhà đầu tư lâu năm sẽ quan tâm đến các sản phẩm vị trí đẹp, giá tốt. Được biết, hiện nay anh đang ôm khá nhiều nguồn hàng giá tốt mà hiếm gặp trong bối cảnh thị trường bình thường.
Những ngày qua, có thể bắt gặp hình ảnh những môi giới ngồi cả ngày không ai đến hỏi, thậm chí mang cả sổ đỏ đến các địa điểm tư vấn là không hiếm. Trong bối cảnh khó khăn, những nhà môi giới nghĩ ra các cách bán hàng độc lạ để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết, kết quả có được giao dịch lại không mấy khả quan. Nhiều môi giới đành ở trong trạng thái chờ đợi sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Anh Thanh, một môi giới bất động sản tự do ở khu Đông TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, khoảng 3 tháng nay anh không bán được nền đất nào. Ngay cả số tiền hoa hồng bán được trước đó cũng đã tiêu hết. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này thì gay to.
Không ít sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa, sa thải nhân viên
Theo ghi nhận cho thấy, số lượng các môi giới bất động sản mất việc vào thời điểm cận Tết khá nhiều. Trong đó, có cả những môi giới lâu năm tại các doanh nghiệp địa ốc. Mới đây, trong chia sẻ với báo chí, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 100.000 môi giới bất động sản, trong đó có 20.000 - 30.000 người làm việc cho các tổ chức chuyên nghiệp. Theo tính toán của ông Lâm tính toán có khoảng 50% môi giới mất việc tính đến tháng 12.
Có thể thấy, trong năm 2022 đã có hàng nghìn môi giới bất động sản thất nghiệp trong bối cảnh thị trường địa ốc mất thanh khoản. Cơ hội việc làm cho môi giới cũng hẹp dần theo làn sóng sa thải ồ ạt trước Tết. Nhiều sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa im lìm, nhân viên về quê nghỉ Tết gần hết từ cuối tháng 11 đến nay.
Không bán được hàng, nhiều môi giới không đủ chi phí trang trải cuộc sống. Hoặc về quê, hoặc họ phải ở lại TP. Hồ Chí Minh kiếm việc làm thêm. Mặt khác, những khó khăn của các công ty môi giới trong quý cuối năm 2022 là không đòi được phí bán hàng, những chủ đầu tư còn nợ so chủ dự án cũng gặp bế tắc về dòng tiền. Điều này đã dẫn đến các công ty môi giới buộc phải thanh lọc nhân sự nếu không sẽ không còn nguộc lực hoặc phải chấp nhận gồng lỗ trong ngắn hạn và trung hạn,
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản có thể vẫn sẽ tiếp tục diễn biến xấu kéo dài, làn sóng môi giới mất việc sẽ diễn ra mạnh hơn nếu những khó khăn hiện tại không được giải quyết.
Thời điểm cuối năm thường được coi là "mùa gặt" của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, năm nay, thị trường đang có những biến động "lạ" khi càng về cuối năm giao dịch trên thị trường càng sụt giảm mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản trong nước diễn biến khá tích cực, thể hiện sự phục hồi mạnh sau dịch bệnh với sự "ấm" lên của thị trường bất động sản bán lẻ, du lịch, văn phòng, nhu cầu trên thị trường nhà ở và phân khúc bất động sản khu công nghiệp tiếp tục duy trì nhu cầu lớn và ổn định.
Thế nhưng, bắt đầu từ quý III/2022, thị trường đã có dấu hiệu chững lại, phân hóa, chủ yếu do việc tiếp cận với nguồn vốn bị hạn chế và một số vụ việc xảy ra gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Bên cạnh việc khó khăn về dòng tiền, giá bất động sản liên tục tăng cao. Đến hiện tại, dù giá đã có xu hướng giảm nhưng vẫn neo cao nên người mua chưa xuống tiền, thanh khoản gần như bế tắc.
Với nhóm đối tượng có tiền thì họ lại ngập ngừng giải ngân, kỳ vọng giá sẽ giảm sâu hơn cũng như các chính sách chiết khấu "khủng" hơn trong thời gian tới. Riêng thị trường thứ cấp, nhiều dự án chào bán mới đang cắt lỗ, hay gặp khó trong thanh khoản dẫn đến tâm lý lo sợ lỗ khi đầu tư giai đoạn này, từ đó làm trùng tay nhiều khách mua vốn có ý định từ trước đó.
Nhiều doanh nghiệp chọn đóng "rổ" hàng sớm do ế ẩm, chờ qua giai đoạn khó khăn. Một số chủ đầu tư có nguồn cung cũng chỉ bán cầm chừng, số lượng hạn chế với mục đích thăm dò. Do đó, người mua ít có sự lựa chọn, lượng giao dịch cũng giảm mạnh.