Mirae Asset: Xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam vẫn rất khả quan
Xuất khẩu của Việt Nam sẽ được thúc đẩy khi Trung Quốc mở cửa trở lại
Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, với nhiều yếu tố tích cực, Mirae Asset kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam trong quý cuối năm nay sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Thứ nhất, tốc độ tăng chi phí đầu vào thời điểm hiện tại vẫn còn ở mức thấp. Trong khi đó, chuỗi cung ứng trên toàn cầu dự kiến sẽ ổn định trở lại sau khi Trung Quốc nới lỏng những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19. Thứ ba, việc Trung Quốc mở lại thị trường nội địa sau Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20 cũng thúc đẩy việc xuất khẩu tăng lên.
Theo như ước tính sơ bộ, sau 9 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nhất nhưng vẫn tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng 25,4% so với cùng kỳ và ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê sẽ được điều chỉnh, đồng thời dự kiến sẽ được công bố vào khoảng giữa tháng tới. Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu của Việt Nam trong quý cuối năm nay.
"Chúng tôi vẫn lạc quan về xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy hải sản vốn đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc", các chuyên gia của Mirae Asset cho biết.
Các nhà xuất khẩu nông sản sẽ được hưởng lợi
Cũng theo báo cáo của Mirae Asset, giá hàng hóa trong quý 4/2022 sẽ hạ nhiệt, trở thành yếu tố thúc đẩy biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu nông sản. Đáng chú ý, giá của các mặt hàng chủ chốt, bao gồm năng lượng trừ khí đốt tự nhiên cùng với than mà Việt Nam đang có được sự tự chủ nhất định về nguồn cung - cùng với nông sản đã giảm dần sau đà tăng mạnh xuyên suốt 6 tháng đầu năm nay.
Nhờ đà giảm này, chi phí của nhà sản xuất cũng sẽ được giảm xuống. Bên cạnh đó, việc tiền đồng mất giá trong khoảng thời gian gần đây cũng giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên. Chính vì thế, các nhà xuất khẩu nông sản dự báo trong thời gian tới, tỷ suất lợi nhuận sẽ được cải thiện đáng kể, đặc biệt là những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ ví dụ như gạo chẳng hạn.
Xét về giá trị xuất khẩu, thời điểm hiện tại đang có 7 nhóm sản phẩm đạt được giá trị xuất khẩu trên mức 2 tỷ USD bao gồm: Cà phê, thủy sản, gạo, cao su, rau quả, điều, gỗ cùng với các sản phẩm gỗ. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành thủy sản ước đạt 8,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 38%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông, lâm sản là 18,5 tỷ USD, so với cùng kỳ đã tăng 6,2%.
Đáng chú ý, có đến 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng, bao gồm: Cà phê (3,1 tỷ USD) tăng 37,6% (lượng tăng 13,7%); gạo (6 tỷ USD) tăng 9,3% (lượng tăng 19,3%); cao su (2,3 tỷ USD) ghi nhận mức tăng 7,8% (lượng tăng 9,7%); hạt tiêu (774 triệu USD) đã tăng 7,7% (dù lượng giảm 17,4% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhờ giá xuất khẩu tăng); chè (156 triệu USD) ghi nhận mức tăng 1,6% (lượng giảm 0,8%).
Chỉ duy nhất 2 mặt hàng ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm xuống đó là rau quả (2,45 tỷ USD) đã giảm 11,1% cùng với hạt điều (2,3 tỷ USD) đã giảm 14% (lượng giảm 10,6%).
Các chuyên gia của Mirae Asset cũng nhấn mạnh về triển vọng của nhóm ngành thực phẩm và cả đồ uống (F&B), đặc biệt phải kể đến ngành chăn nuôi và nông sản vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu tăng lên liên tiếp trong khoảng thời gian gần đây và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, do lệnh giãn cách nghiêm ngặt vì áp dụng chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.
Mirae Asset cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng lĩnh vực F&B sẽ có sự cải thiện về tỷ suất lợi nhuận nhờ giá nhiên liệu và nguyên liệu đầu vào giảm trong thời gian gần đây và nhu cầu thực phẩm tăng cao trong tương lai bởi tình trạng hạn hán kỷ lục trên toàn cầu. Ngoài ra, chúng tôi giữ nguyên dự báo ngành Hóa chất/Phân bón & Hóa chất Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý cuối năm nay”.
Tuy nhiên, khối phân tích Mirae Asset lại đánh giá triển vọng ngắn hạn của ngành dệt may không mấy khả quan. Cụ thể, theo như quan sát, số lượng đơn đặt hàng cho quý 4 của ngành này đã có sự sụt giảm. Có thể, nguyên nhân là do doanh số bán lẻ của khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) đã giảm mạnh (tháng 7 giảm 0,9% so với cùng kỳ trong khi tháng 8 tiếp tục giảm 2% so với cùng kỳ năm trước).
Theo Mirae Asset, nhìn chung triển vọng ngành bán lẻ và tiêu dùng của châu Âu vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đáng chú ý, niềm tin của người tiêu dùng nơi đây vẫn còn ở mức thấp trong khi lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.