Masan sắp chi 3.500 tỷ đồng cho dự án công nghiệp thực phẩm tại Hậu Giang, tập trung vào thị trường các tỉnh miền Tây
BÀI LIÊN QUAN
Hệ sinh thái chặt chẽ giữa Vingroup - Masan - Techcombank: Tận dụng hệ sinh thái toàn diện và giảm thiểu rủi ro tín dụngDoanh nhân Trương Công Thắng: Vị thuyền trưởng chèo lái Masan Consumer ngày càng phát triểnMới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đó là CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) có thể làm dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 2.
Trước đó, vào cuối năm 2021, Masan đã đề xuất với tỉnh Hậu Giang về việc thực hiện dự án với số vốn lên tới 3.500 tỷ đồng để xây dựng trung tâm sản xuất cũng như phân phối các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống,... Dự án này giúp Masan tập trung vào thị trường các tỉnh miền Tây Nam Bộ cùng với các vùng phụ cận.
Với số vốn đầu tư này, vốn góp của nhà đầu tư chiếm đến 1.050 tỷ đồng và sẽ được góp bằng tiền mặt. Quy mô diện tích sử dụng của dự án này là 46ha, gồm có 3 phân khu. Trong đó, phân khu 1 gồm Nhà máy sản xuất thực phẩm (gồm mì ống, gia vị, sản phẩm từ tinh bột, nước giải khát) với diện tích lên tới khoảng 20,9 ha.
Phân khu 2 là Nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai và bia hơi các loại. Diện tích của phân khu này là 7,82 ha với công suất 100 triệu lít/năm. Cuối cùng, phân khu 3 có diện tích rơi vào khoảng 8,95 ha cùng công suất 400.000 tấn/năm. Đây là Nhà máy chuyên về sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng cùng với các chế phẩm vệ sinh.
Bên cạnh đó, dự án này còn có một khu vực với diện tích lên tới khoảng 8,33 ha, mục đích sử dụng là dùng cho kho bãi, nhà xưởng cho thuê đối với các công ty trong nội bộ Tập đoàn Masan làm kho nguyên vật liệu, kho thành phẩm, bãi lưu trữ hàng hóa.
Theo đó, dự án này sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Sông Hậu đối - giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Từ tháng 12 năm nay đến tháng 12 năm sau sẽ bắt đầu chuẩn bị hồ sơ pháp lý cũng như triển khai các thủ tục của dự án. Đồng thời, dự án này dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm 2029 và có thời gian hoạt động trong vòng 50 năm.
Thời điểm hiện tại, Masan đang có hơn 30 nhà máy sản xuất sản phẩm hàng tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Trong đó, những nhà máy này chủ yếu tập trung ở các tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Long An, Đồng Nai,… Riêng tại tỉnh Hậu Giang, Tập đoàn Masan có hai cụm nhà máy, bao gồm gồm nhà máy bia Masan và trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 1 với số vốn lên tới 2.700 tỷ đồng.
Chuẩn bị chi nghìn tỷ đồng tạm ứng cổ tức năm 2022
Cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán: MSN) đã công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 tỷ lệ 8%. Cụ thể, cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận thêm 800 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 5/7, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 4/7 vừa qua.
Thời điểm hiện tại, Masan đang có 1,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Với số cổ phiếu này, tập đoàn dự kiến chi 1.120 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này cho các cổ đông. Bên cạnh đó, nguồn chi sẽ được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dựa theo báo cáo tài chính hợp nhất của Masan trong quý đầu năm nay là 13.482 tỷ đồng. Dự kiến, công ty sẽ thanh toán cổ tức vào ngày 13/7 tới.
Vào cuối năm 2021, Tập đoàn Masan cũng đã thanh toán nốt tỷ lệ cổ tức còn lại của năm bằng tiền mặt với tỷ lệ 2,5% trong tổng tỷ lệ 12% của cả năm. So với mức 10% đã được thông qua trước đó, tỷ lệ này đã tăng 2%.
Đồng thời, tập đoàn cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới. Cũng trong năm nay, Masan đã vạch ra kế hoạch sơ bộ về việc mở rộng quy mô đối với chuỗi Winmart+ thông qua việc thêm từ 700 cho đến 1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 đến 3.600 điểm trước thời điểm cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Masan trong năm nay còn có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán Winmart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall. Được biết, mô hình này thời điểm hiện tại đang được tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm (Winmart)+), trà và cà phê (kiosk Phúc Long), dược phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank) và viễn thông (Reddi).
Trong quý đầu năm nay, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất ở mức 18.189 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 8,9% do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, lãi sau thuế của công ty đạt 1.895 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã tăng 452%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.596 tỷ đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tại cuối kỳ, lượng tiền, tương đương tiền cùng với tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của Masan đạt hơn 12.900 tỷ đồng, con số này chiếm khoảng 1/10 trong tổng tài sản 124.284 tỷ.