Lợi nhuận toàn thị trường lấy lại đà tăng trưởng, nhóm ngành nào có kết quả kinh doanh “đảo chiều” trong nửa cuối năm?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á chao đảo vì sự hỗn loạn từ bất động sản Trung QuốcSau những phiên giảm mạnh trên 4%, chứng khoán Việt Nam thường sẽ biến động thế nào?Đà tăng của tỷ giá VND/USD tác động thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?Theo Nhịp sống thị trường, trong một năm nền kinh tế vĩ mô phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kênh đầu tư chứng khoán vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn, với việc VN-Index tăng gần 17% kể từ đầu năm. Một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường đến từ môi trường lãi suất giảm thấp cũng như kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.
Trong báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agriseco cho rằng, mặt bằng lãi suất giảm sẽ hỗ trợ tích cực đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp bắt đầu kể từ cuối quý 1/2023, đồng thời các Ngân hàng Thương mại cũng đang giảm lãi suất huy động và cho vay để giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hồi phục cũng như giúp cải thiện lợi nhuận, từ đó tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán. Việc hạ lãi suất nhìn chung sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, mặc dù sẽ cần thời gian để thẩm thấu.
Thống kê của Agriseco Research cho biết, trong giai đoạn lãi suất giảm, thị trường chứng khoán thường tăng tích cực trong trung và dài hạn. Thông thường, sau 1 năm sự tích cực mới được phải ánh vào VN-Index, còn sau 1 tháng từ khi hạ lãi suất điều hành xu hướng thị trường không rõ ràng.
Cụ thể, sau 18 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trước đây, thì có 17 lần chỉ số VN-Index tăng điểm sau 1 năm (xác suất 94%) và 10 lần VN-Index tăng điểm sau 1 tháng (xác suất 56%).
Ngoài ra, một yếu tố khác tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong cuối năm còn đến từ việc lợi nhuận toàn thị trường lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
Chứng khoán Agriseco kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm 2023 nhờ các yếu tố sau: Thứ nhất, các chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng nhằm kích thích nền kinh tế. Thứ hai, các nút thắt về thanh khoản trong nền kinh tế đã và đang được giải quyết. Thứ ba, bối cảnh vĩ mô thế giới đang dần tốt lên khi cuộc chiến chống lạm phát đang hạ nhiệt cũng như chu kỳ tăng lãi suất đang đi đến giai đoạn cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành sẽ phục hồi trong nửa cuối năm có thể kể đến như Thủy sản, Dệt may và Gỗ sau giai đoạn khó khăn bởi đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu sụt giảm.
Trong báo cáo còn chỉ ra rằng, nền kinh tế trong nước cũng được kỳ vọng phục hồi, qua đó giúp các ngành như bán lẻ, tiêu dùng và vật liệu có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, trong môi trường lãi suất giảm, một số nhóm ngành cũng được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi như Chứng khoán và Bất động sản.
Chỉ số VN-Index sẽ đạt 1.250 điểm vào cuối năm
Dự báo về xu hướng của VN-Index trong những tháng cuối năm 2023, Agriseco Research cho rằng, môi trường giảm lãi suất hiện nay là điều kiện thuận lợi để chứng khoán tăng điểm. Nhóm phân tích công ty chứng khoán này dự phóng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng trưởng dương trở lại trong nửa cuối năm với mức tăng trưởng trong quý 3 và quy 4 lần lượt là 10-12% và 50-55% trên mức nền thấp cùng kỳ. Từ đó, lợi nhuận cả năm có thể tăng trưởng từ 4-8% so với năm ngoái và chỉ số VN-Index cũng phục hồi lên mức 1.250 điểm vào giai đoạn cuối năm 2023.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý yếu tố thuận lợi và khó khăn vẫn đan xen từ cả trong và ngoài nước. Tình hình trên thế giới, lạm phát dần hạ nhiệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã đi tới cuối chu kỳ tăng lãi suất. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nền kinh tế của Trung Quốc suy yếu sẽ là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường.
Tình hình trong nước, lạm phát ổn định, tỷ giá có áp lực tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong các tháng cuối năm nay.
Một số nhóm ngành có kết quả kinh doanh “đảo chiều”
Về chiến lược đầu tư trong thời điểm này, nhóm phân tích Agriseco Research cho biết, một số nhóm ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh “đảo chiều” khởi sắc trong nửa cuối năm sẽ trở thành tâm điểm hút dòng tiền.
Nhóm thứ nhất là chứng khoán được đánh giá có kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm nhờ thanh khoản thị trường tăng cao từ đầu quý 3, hỗ trợ mảng môi giới. Ngoài ra, lợi nhuận tự doanh cũng được kỳ vọng sẽ đảo chiều nhờ thị trường thuận lợi, đội ngũ Agriseco dự báo chỉ số chính tiếp tục hồi phục, đóng góp vào kết quả chung khi FVTPL chiếm hơn 30% danh mục tài sản sinh lời tại các công ty chứng khoán.
Cùng với đó, lãi suất được đánh giá có thể tiếp tục giảm về mức trước dịch sẽ kích thích nhu cầu vay giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư. Sau các đợt tăng vốn của các công ty chứng khoán trong giai đoạn 2021 - 2022, dư địa để tăng dư nợ cho vay vẫn còn nhiều. Cụ thể, dư nợ cho vay hiện đạt 150 nghìn tỷ đồng, tăng 225 so với năm 2022, dù vậy vẫn thấp hơn 23% so với mức đỉnh năm 2021.
Nhóm thứ hai được đội ngũ phân tích dự báo là ngành thép sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên mức nền thấp cùng kỳ. Luận điểm này được đưa ra là nhờ giá than có thể tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 6 do Trung Quốc có thể gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức từ Úc. Tuy nhiên, giá vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn đầu năm do cung đang tương đối ổn định.
Theo nhóm phân tích, các doanh nghiệp sản xuất ống thép, tôn mạ phục vụ cho xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ mặt bằng giá thép thô, HRC trong nước đang giảm thấp. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đầu ngành và chủ động được nguồn điện như HPG sẽ đứng vững trong giai đoạn này nhờ khả năng cạnh tranh chi phí cũng như được hưởng lợi từ đầu tư công.
Nhóm thứ ba là nhóm điện được VNDirect kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi ở nhóm công nghiệp - xây dựng do việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong nửa cuối năm 2023 và thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên nhờ những chính sách giúp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Chứng khoán VNDirect cho biết, việc tăng giá điện sẽ giúp EVN tăng doanh thu và giảm bớt khó khăn về tài chính, từ đó có dư địa để huy động từ các nguồn điện giá cao hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh thủy điện sẽ gặp khó khăn và năng lượng tái tạo chưa có sự ổn định do có tính mùa vụ cao, nhiệt điện sẽ được huy động nhiều hơn trong năm 2023 nhờ được hưởng lợi từ thay đổi chu kỳ thời tiết El Nino.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, sau nhịp giảm điểm khá mạnh của thị trường, tâm lý của nhà đầu tư tương đối thận trọng. Trong tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, khó có thể kỳ vọng vào sự cải thiện đáng kể của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền margin. Theo đó, chỉ số chính có thể tiếp tục giằng co và tích lũy trong vùng 1.160 - 1.200 điểm với thanh khoản thấp, trước khi xác lập rõ ràng xu hướng hơn sau kỳ nghỉ lễ.
Mặc dù thị trường gần đây có biến động lớn, nhưng nhiều ý kiến vẫn bày tỏ kỳ vọng dòng tiền vào thị trường sẽ tiếp tục ủng hộ cho đà tăng của VN-Index trong thời gian tới. Dữ liệu từ VNDirect cho biết, từ cuối quý 2/2023, dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán đã xuất hiện tín hiệu tích cực. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh hồi cuối quý 1/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý trước đó.
Công ty chứng khoán này cho biết, điểm đáng chú ý là sự đảo chiều trong tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán mở mới. Theo đó, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 6 và tháng 7 tiếp đà tăng trưởng lên 150.619 tài khoản. Thanh khoản thị trường cũng tăng đáng kể từ tháng 4, chủ yếu đến từ khối ngoại. Ngược lại, các cá nhân và tổ chức nước ngoài đã quay lại bán ròng, chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, sau khi Ngân hàng Nhà nước chuyển sang chính sách tiền tệ mở rộng.