Thị trường chứng khoán Đông Nam Á chao đảo vì sự hỗn loạn từ bất động sản Trung Quốc
Hệ lụy tới thị trường chứng khoán khu vực
Theo Nikkei Asia, niềm tin của các nhà đầu tư lạnh dần trước sự bất ổn mới từ thị trường BĐS Trung Quốc đã khiến cổ phiếu tại thị trường Đông Nam Á giảm vào cuối tuần trước. Không ít người lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu có thể gây ảnh hưởng tới thương mại và du lịch khu vực Đông Nam Á.
Việc tập đoàn BĐS hàng đầu Trung Quốc Evergrande nộp đơn xin phá sản tại New York vào ngày 17/8 làm dấy lên sự lo ngại về hiệu ứng domino trong ngành, đẩy các nhà phát triển BĐS, gồm cả Country Garden Holdings - Tập đoàn BĐS lớn nhất Trung Quốc cũng đứng trên vực phá sản.
Nikkei Asia cho biết, cổ phiếu liên quan tới Trung Quốc như của công ty Hongkong Land giảm 1,9%, REITs như CapitaLand Investment và Mapletree Logistics Trust giảm 1,3% và 0,6% ngay khi có tin Evergrande phá sản. Tới 20% doanh thu của hai công ty này đến từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo ông Paul Chew - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Phillip Securities Research Singapore: “Kinh tế Trung Quốc sẽ còn lao dốc, nó không chỉ gây ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu mà ảnh hưởng cả một số công ty niêm yết của Singapore có hoạt động ở Trung Quốc".
Trong khí chỉ số VN Index của Việt Nam cũng giảm 4,5%, chỉ số Jakarta Exchange Composite Index và chỉ số SET của Thái Lan đều giảm 0,6%, chỉ số Bursa Malaysia KLCI mất 0,1%.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc trước đó gây bất ngờ khi cắt giảm lãi suất lần thứ 2 chỉ trong 3 tháng. Động thái này thực chất là một nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm nới lỏng tiền tệ, tạo tiền đề thúc đẩy nền kinh tế vốn đang chậm lại. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc rất nhỏ và chỉ trợ giúp một cách khiêm tốn cho sự phục hồi của nền kinh tế nước nhà.
Ông Aninda Mitra - Nhà quản lý chiến lược đầu tư và vĩ mô châu Á tại BNY Mellon Investment Management cho biết, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng tới một số nền kinh tế khác trên thế giới, đơn cử như ASEAN.
Mới đây, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đưa ra dự báo kinh tế của khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng 4,5%, thấp hơn so với 4,9% được đưa ra vào tháng 4.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, họ phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Ngày 17/8 vừa qua, xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore trong tháng 7 giảm 20,2% so với cùng kỳ, đây là tháng thứ 10 giảm liên tiếp. Điều này tệ hơn cả mức giảm 14,4% được dự đoán trước đó.
Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc ngày càng yếu, có thể khiến giá năng lượng và lương thực tụt dốc, trong khi đó Đông Nam Á lại là khu vực giàu hàng hóa.
Một nhà quản lý quỹ ASEAN có trụ sở tại Singapore nhìn nhận: “Thị trường hàng hóa của Malaysia và Indonesia cần thận trọng hơn và có thể phải chịu áp lực giá, vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của họ".
Công ty tài chính Barclays lưu ý, sự sụp đổ của ngành BĐS Trung Quốc đang gây tổn hại nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng trong nước. Cùng với đó, những bất ổn của thị trường này cũng đè lên cả giá hàng hóa khi nhu cầu vật liệu xây dựng giảm, người dân Trung Quốc thắt chặt ví tiền.
Khi nhu cầu toàn cầu suy yếu, nhiều quốc gia sẽ kỳ vọng vào sự trở lại của du khách Trung Quốc làm thúc đẩy ngành du lịch. Lượng khách du lịch này vốn chiếm hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội của Đông Nam Á.
Nhưng sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của Trung Quốc khiến không ít người thất vọng. Ông Barnabas Gan đến từ Ngân hàng RHB cho biết, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan có thể giảm xuống dưới 5 triệu người, thấp hơn so với mức 7 triệu người mà chính phủ nước này dự kiến.
Hỗn loạn trong ngành công nghiệp tín thác
Giá trị của ngành công nghiệp tín thác của Trung Quốc lên tới 2,9 nghìn tỷ USD. Những công ty tín thác là phần quan trọng của hệ thống “ngân hàng bóng đêm” của nước này. Nói dễ hiểu hơn, các công ty tín thác là các công ty cho vay phi ngân hàng, thực hiện đầu tư thay khách hàng. Cùng với việc quản lý tài sản được ủy thác, không ít công ty tín thác còn trực tiếp bán sản phẩm đầu tư sinh lời.
Các sản phẩm ủy thác liên quan tới BĐS đã tăng mạnh trong vài năm nay khiến nhiều công ty tín thác tài chính buộc phải thu hẹp quy mô đầu tư vào thị trường BĐS. Tính tới tháng 3/2023, đầu tư vào BĐS chỉ chiếm 7,4% tổng tài sản ủy thác.
Zhongrong International Trust - Gã khổng lồ của ngành công nghiệp ủy thác Trung Quốc đang phải trải qua nhiều khó khăn. Giai đoạn 2014 - 2016, doanh nghiệp này phát hành hơn 10 sản phẩm ủy thác cho China Evergrande – tập đoàn BĐS lớn nhất Trung Quốc nay đã vỡ nợ.
Nhiều công ty tín thác khác cũng cùng chung số phận. Tính tới ngày 31/7, có tổng 106 sản phẩm ủy thác với giá trị khoảng 44 tỷ NDT bị vỡ nợ. Trong đó những khoản đầu tư vào BĐS chiếm tới 74%. Lĩnh vực BĐS ảm đạm đã đẩy nhiều công ty ủy thác rơi vào cảnh vỡ nợ hàng tỷ USD.
Đồng thời, cuộc chấn chỉnh của chính quyền Bắc Kinh trong những năm gần đây hướng tới lĩnh vực “ngân hàng bóng đêm” đã khiến ngành công nghiệp tín thác chịu “tổn thương” đáng kể.
Theo các nhà phân tích, sự gia tăng vỡ nợ của những công ty tín thác liên quan tới BĐS và các cơ sở hạ tầng có thể sẽ thành “quả bom nổ chậm” mới của nền kinh tế Trung Quốc.