meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Liệu có kịp bơm 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong tháng 12?

Thứ ba, 05/12/2023-14:12
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng, phải tìm cách để bơm hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong tháng cuối cùng của năm 2023.

Vốn đầu tư công vẫn nằm trong kho

Năm nay, TP. HCM được Thủ tướng giao 70.500 tỷ đồng đầu tư công nhưng hiện đã cuối năm nhưng bức tranh giải ngân đầu tư công vẫn gặp khó. Từ đầu năm, TP. HCM đã có quyết tâm cao, dự tính trong năm 2023 giải ngân đạt 95% nhưng tới cuối tháng 11 mới giải ngân được khoảng 45%.

Trước tình hình này, TP. HCM tổ chức đợt thi đua cao điểm 60 ngày hoàn thành mục tiêu đề ra, tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công.

Riêng tháng 11, chủ tịch UBND TP. HCM đã ra 3 văn bản chỉ đạo, hối thúc các sở, ban ngành, quận huyện và TP. Thủ Đức về công tác giải ngân đầu tư công.

Liệu có kịp bơm 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong tháng 12?
Dự tính trong năm 2023 giải ngân đạt 95%

Theo đó, chủ tịch UBND TP.HCM liệt kê cụ thể từng dự án, quy rõ trách nhiệm cho từng sở ngành, quận huyện và giao thường trực UBND theo dõi và đôn đốc. Thành phố nhấn mạnh sẽ xử lý các tập thể, cá nhân gây ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân, cương quyết xử lý nhà thầu cố tình chây ỳ, không đủ năng lực tài chính, năng lực thi công.

Song, một số địa phương còn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng tới tiến độ. Quận 3 từng bị điểm danh trong 3 địa phương giải ngân bồi thường, giải phóng mặt bằng 0 đồng. Dự án metro số 2 trên địa bàn quận vẫn vướng 78 mặt bằng chưa giải phóng.

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa yêu cầu quận 3 tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng. Ngày 30/11, quận 3 họp bàn phương án giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2 để có quỹ đất sạch bàn giao lại cho Ban quản lý đường sắt TP.HCM.

Chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không chỉ xảy ra ở TP. HCM mà còn lan rộng ra nhiều bộ, ngành, đơn vị được giao.

Trong 3 động lực tăng trưởng chính, nhận diện khó nhất là tiêu dùng và xuất khẩu, vậy nên đầu tư công vẫn là động lực cần đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa cho nền kinh tế. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được lời hứa.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết giải ngân tháng 11 của cả nước đạt khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.

Số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn, trong khi thời gian từ nay tới cuối năm chỉ còn lại chưa đầy 30 ngày.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường - kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính), cần nhìn nhận rằng các thủ tục liên quan đầu tư công còn nhiều phức tạp, đây là một lý do làm chậm trễ tiến độ.

"Quy định phức tạp, chồng chéo là chúng ta tự ràng buộc mình. Chưa kể có những bộ phận chậm lại vì không dám làm" - Ông Cường nhận định. Vị chuyên gia đề xuất, thúc đẩy đầu tư công cần cơ chế thưởng - phạt phân minh bằng tiền.

"Đơn vị nào làm nhanh, kịp tiến độ hoặc vượt được thưởng, bên nào chậm bị phạt. Nếu hô hào không dễ dẫn đến tình trạng không có động lực cho cán bộ làm" - Ông Cường đề xuất.

Liệu có kịp bơm 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong tháng 12?
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM hoàn thành hơn 90% khối lượng, hiện vẫn chưa thi công lại.

Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế

Để đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14,5% năm 2023, hệ thống ngân hàng cần giải ngân hơn 735.000 tỷ đồng vào tháng cuối năm - nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch một doanh nghiệp thủy sản lớn tại Đà Nẵng cho hay, công ty gần đây nhận được nhiều cuộc gọi mời vay vốn lãi suất thấp, các khoản vay ngắn hạn dưới 6 tháng từ 4 - 5%/năm.

Nhìn dưới góc độ người làm kinh doanh, ông Lĩnh nhận thấy lãi suất quan trọng, nhưng vay để làm gì còn quan trọng hơn. Vay thì phải trả, không thấy được cơ hội thì doanh nghiệp không dám vay.

Thực tế, lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu tín dụng vẫn yếu khi doanh nghiệp không muốn vay. Ngược lại, nhiều đơn vị vẫn than rằng khó tiếp cận vốn vì không đủ điều kiện.

Các vấn đề này được phản ánh phần nào trong số liệu Ngân hàng Nhà nước khi tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% trên mục tiêu hơn 14%.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Nhằm thúc đẩy tín dụng, có thể tính toán nới lỏng điều kiện cho vay ở dự án nhà ở xã hội hay với gói hỗ trợ lãi suất 2%. Cần cân nhắc nới cho ngành nghề ưu tiên.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ, cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt hơn 11%. Sau quyết định phân bổ lại tín dụng Ngân hàng Nhà nước, TPBank được tăng thêm 5%.

Nói về giải pháp, theo ông Hưng tiết lộ, ngân hàng vẫn duy trì các gói vay tập trung doanh nghiệp xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, điện lực, nhà thầu xây lắp khu công nghiệp… Đồng thời, nhu cầu vay vốn mua nhà, sắm xe cũng được ngân hàng tập trung, đẩy mạnh.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, vấn đề chính vẫn phải chờ đợi khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Vào các tháng cuối năm, nhu cầu vay vốn thường gia tăng. Nhu cầu hàng hóa xuất khẩu, phục vụ Giáng sinh, Tết Nguyên đán tăng cao, nên cần biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khối sản xuất, tiêu dùng tiếp cận vốn tốt hơn.

Liệu có kịp bơm 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong tháng 12?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình

Bên cạnh đó, cần tiếp tục gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản. Khi nguồn cung bị tắc, không chỉ ảnh hưởng đến vốn vào doanh nghiệp BĐS phục vụ giải ngân dự án mà còn ảnh hưởng cả tín dụng cho vay mua nhà. Mục tiêu 14% cả năm nay là không khả thi nhưng "cố gắng được đến đâu hay đến đó" - Ông Bình nói.

Năm nay khối lượng giải ngân rất lớn, cho thấy sự cải thiện tích cực hơn so với năm ngoái khi cao hơn trăm nghìn tỷ đồng. Kỳ vọng giá trị giải ngân thực tế tăng mạnh vào tháng 12/2023 và nửa đầu tháng 1/2024.

"Còn chưa đầy 30 ngày nữa, chúng ta vẫn có dư địa để thúc đẩy thêm. Các công trình xây dựng đầu tư công có thể tăng ca kíp, đẩy nhanh công tác chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán để kịp năm nay" - Ông Bình nói.

Theo: taichinh.kinhtechungkhoan.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

Chung cư hạng sang, siêu sang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn cung

Đất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọt

Tận dụng triệt để quỹ đất để gia tăng nguồn cung nhà ở

Chủ đầu tư “đua” tung ưu đãi nhưng vẫn không dễ bán hàng

Thống đốc NHNN: Chưa tăng giải ngân cho vay nhà ở xã hội trong ngắn hạn

Người bán nhà cần cẩn trọng với chiêu trò “có khách cọc ngay” của môi giới

Tin mới cập nhật

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

1 ngày trước

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

1 ngày trước

Chung cư hạng sang, siêu sang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn cung

2 ngày trước

Thống đốc NHNN: Chưa tăng giải ngân cho vay nhà ở xã hội trong ngắn hạn

2 ngày trước

Đất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọt

2 ngày trước