Làn sóng sa thải nhân sự lan rộng trên toàn cầu
BÀI LIÊN QUAN
Nhân sự bị sa thải của Twitter đang là đối tượng tuyển dụng tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ Xuất hiện thêm đợt sa thải 6.000 nhân sự từ một ông lớn công nghệNghệ thuật sa thải đẳng cấp của Mark Zuckerberg: CEO Meta cúi đầu nhận lỗi, 11.000 nhân sự chấp nhận bị sa thảiGiai đoạn cuối năm nay, nhiều công ty đua nhau sa thải nhân sự và ngừng tuyển dụng nhằm giảm chi phí. Làn sóng sa thải nhân sự trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra với quy mô lớn và ở tất cả các ngành chứ không riêng gì lĩnh vực công nghệ. Trong đó, những gã khổng lồ công nghệ tại Mỹ là những đơn vị đầu tiên áp dụng các đợt sa thải nhân viên với quy mô lớn trong những giai đoạn cuối năm.
“Làn sóng” sa thải nhân sự của ngành công nghệ
Mới đầu tháng 11 vừa qua, Meta - gã khổng lồ truyền thông xã hội tại Mỹ đã thông báo về việc sẽ sa thải 11.000 người, con số này tương đương 13% lực lượng lao động của công ty. Cùng cảnh ngộ, Twitter cũng đã sa thải khoảng 3.000 nhân viên kể từ khi tỷ phú Elon Musk chính thức tiếp quản vào tháng 10 vừa qua - tương đương với một nửa lao động của doanh nghiệp, thông tin từ tạp chí Time cho biết.
Bên cạnh đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng chuẩn bị kế hoạch cắt giảm 10.000 lao động. Gần đây, những ông lớn khác như Microsoft, Lyft và Stripe cũng công bố các đợt cắt giảm lao động với quy mô nhỏ hơn.
Ngày nay, không chỉ những công ty công nghệ lớn tại Mỹ mà những doanh nghiệp công nghệ có tiếng tại khu vực Đông Nam Á cũng chịu ảnh hưởng lớn từ làn sóng sa thải nhân viên đang ngày càng lan rộng này. Cụ thể, theo thông tin từ Asia Nikkei, các công ty công nghệ tại Đông Nam Á cũng đang học theo cách làm của những “ông lớn” Mỹ, đó là sa thải nhân sự để có thể sẵn sàng đối phó với một môi trường kinh doanh khó khăn hơn.
Ví dụ như, GoTo - công ty mẹ của Gojek và Tokopedia, một trong những công ty công nghệ lớn nhất tại Đông Nam Á - mới cắt giảm 1.300 công nhân vào giữa tháng 11, tương đương với khoảng 12% số lượng nhân viên. Đây được coi là động thái để cắt giảm chi phí trong bối cảnh công ty này đang cố gắng để tìm kiếm lợi nhuận.
Thời điểm hiện tại, Sea - công ty mẹ của sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee cùng với nhà phát hành trò chơi trực tuyến Garena - đang nắm giữ “ngôi vương” về việc sa thải nhiều nhân viên nhất tại khu vực Đông Nam Á. Theo các báo cáo gần đây, tập đoàn công nghệ này đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, con số này tương đương với 10% tổng lực lượng lao động của công ty trong vòng 6 tháng qua.
Trong khi đó, siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore là Grab cũng đã bắt đầu tạm dừng hoặc là làm chậm quá trình tuyển dụng đối với nhiều bộ phận khác nhau của công ty kể từ đầu năm nay, Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết.
Lĩnh vực truyền hình và báo chí
Những lo lắng về suy thoái kinh tế cùng với sự căng thẳng của làn sóng sa thải nhân sự đã lan sang lĩnh vực truyền thông báo chí. Nhiều tổ chức tin tức, hãng phim và đài truyền hình cũng như các công ty trong ngành giải trí như Warner Bros. Discovery Inc, CNN và Paramount trong tuần qua đã sa thải lên đến hàng trăm nhân sự. Những động thái này được đưa ra sau khi nhiều công ty giải trí suốt nhiều năm từng chi lớn cho những dịch vụ phát trực tuyến. Hiện nay, mảng kinh doanh này đang là lực cản trong kết quả tài chính của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, truyền hình cáp cùng với truyền hình truyền thống cũng đang đối mặt với tình trạng sụt giảm về lượng người xem và đăng ký các gói dịch vụ. Những lo ngại về suy thoái kinh tế cũng như chi tiêu quảng cáo ngày càng chậm lại khiến tương lai của ngành dịch vụ giải trí và truyền hình càng thêm u ám. Tính trong quý gần nhất, Walt Disney Co., Warner Bros. Discovery và cả Paramount Global đã lỗ tổng cộng 2,5 tỷ USD. Hay mới nhất, AMC Networks Inc. cũng chia sẻ về việc sẽ cắt giảm 20% lực lượng lao động tại Mỹ bởi những ứng dụng phát trực tuyến của họ đã không đủ khả năng bù đắp tổn thất.
Tại CNN, việc xếp hạng thấp cũng như những lo ngại về vấn đề quảng cáo, cộng thêm những thách thức tại công ty mẹ là Warner Bros. Discovery cũng đã khiến công ty này buộc phải sa thải nhân viên trong tuần qua. Trong một bản ghi nhớ gửi đến nhân viên, Chủ tịch CNN Chris Licht cho biết rằng, kênh “chị em” của CNN là HLN trong thời gian tới sẽ ngừng phát chương trình trực tiếp để tiết kiệm chi phí.
Công ty Gannett, đơn vị xuất bản của nhiều tờ báo trong đó có USA Today, cũng mới bắt đầu sa thải hơn 200 người. Mới đầu năm nay, công ty này đã sa thải tới 400 nhân sự. Trong khi đó, theo tờ Washington Post, họ sẽ ngừng xuất bản tạp chí in được phát hành vào ngày Chủ nhật hàng tuần, điều này khiến ít nhất 10 người đã mất việc.
Lĩnh vực thời trang cũng bị ảnh hưởng
Ngoài lĩnh vực công nghệ và truyền hình, làn sóng sa thải nhân sự đã lan tới cả ngành thời trang. Gần đây, H&M - thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu đã xác nhận sẽ cắt giảm khoảng 1.500 nhân sự đẻ giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, theo Time News Now. H&M có khoảng 155.000 lao động trên toàn cầu, đồng thời cũng tiết lộ khoản phí tái cơ cấu trị giá 800 triệu kronor (tương đương 76 triệu USD) sẽ được đặt ra trong ba tháng cuối năm.
Liên quan đến vấn đề này, hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành Helena Helmersson chia sẻ: “Chương trình chi phí cũng như hiệu quả mà chúng tôi khởi xướng có liên quan đến việc xem xét lại bộ máy tổ chức. Chúng tôi rất lưu tâm đến việc các đồng nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các đồng nghiệp trong việc tìm ra giải pháp tốt nhất có thể cho những bước đi tiếp theo của họ”.