Lãi suất, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn gây tranh cãi
BÀI LIÊN QUAN
Chính thức triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hộiGói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội: Rào cản lớn vì lãi suất cao!Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Cần lưu ý các dự án ở giai đoạn “nước rút”Các ngân hàng sẵn sàng giải ngân
Theo Tiền phong, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1/4, người dân thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội có thể đến các ngân hàng thương mại Nhà nước gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank để thực hiện các thủ tục vay với lãi suất 8,2%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Đối với chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội sẽ được vay với lãi suất 8,7%/năm, thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận ban đầu.
Quy định cũng nêu rõ, mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần để mua một căn hộ. Mỗi dự án của chủ đầu tư cũng chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần. Thời gian giải ngân của gói tín dụng từ nay đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Sau thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ tự thỏa thuận và thống nhất với nhau về lãi suất cho vay để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, sau khi có công văn của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn vốn giải ngân cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. “Với chủ đầu tư sẽ căn cứ vào danh mục dự án đủ pháp lý cho vay do Bộ Xây dựng công bố. Đối với người mua nhà ở xã hội chỉ cần đủ điều kiện hồ sơ mua dự án là được vay như danh sách 10 nhóm đối tượng theo Luật Nhà ở”, vị này cho biết.
Ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, liên quan đến danh mục dự án, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn có nêu rõ điều kiện đảm bảo tiêu chí do Bộ Xây dựng hướng dẫn.
“Chúng tôi đang tập hợp tất cả quy định hiện nay. Ví dụ tiêu chí về chủ đầu tư, là đã được phê duyệt dự án, giao đất, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng. Còn đối với cá nhân cũng phải đáp ứng đủ điều kiện nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Sinh nói.
Trên hướng dẫn của Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư gửi thông tin dự án để Bộ tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng dựa trên cơ sở danh mục dự án để giải ngân.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, tín dụng đã sẵn sàng nhưng số lượng dự án nhà ở xã hội hiện có trên cả nước rất ít, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì số dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, ông Hùng kiến nghị với các địa phương gỡ vướng về mặt pháp lý để các dự án đủ điều kiện được vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Lãi suất 8,2%/năm vẫn rất cao
Tại Hà Nội, mới đây Sở Xây dựng đã thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội đợt 1 tại Dự án nhà ở xã hội Trung Văn, Nam Từ Liêm có giá bán hơn 19,5 triệu đồng/m2.
Như vậy để sở hữu căn nhà ở xã hội có diện tích 70 m2 thì người mua phải trả gần 1,5 tỷ đồng. Nếu vay 1 tỷ đồng để mua từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất 8,2%/năm trong 5 năm thì vẫn ngoài khả năng chi trả của đại bộ phận người có thu nhập thấp. Được biết, ngay sau khi dự án này công bố, đã có hàng trăm trường hợp quan tâm và mong muốn nộp hồ sơ mua, thuê mua nhà.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu số tiền người vay phải trả cho ngân hàng bao gồm cả gốc và lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng. Khi lãi suất cho vay càng cao thì càng làm giảm khả năng mua nhà của người dân, khiến thị trường bất động sản càng thêm khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung, dài hạn để đưa ra gói tín dụng có mức lãi suất phù hợp chỉ khoảng 6%/năm và ổn định trong thời gian dài, như vậy người dân mới có thể tiếp cận với nhà ở.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), mức lãi suất cho vay 8,3%/năm trong thời gian ưu đãi từ nay đến hết 30/6/2023 đối với người mua nhà ở xã hội là vẫn cao. Bên cạnh đó, quy định “áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm” và khi hết thời gian ưu đãi, thì “ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất” như vậy có thể dẫn đến “rủi ro” cho người vay mua nhà khi phải thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng thương mại.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, theo tính toán của Bộ Xây dựng cả nước cần khoảng 2,4 triệu căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,2 triệu căn, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 1,16 triệu căn. Tuy nhiên theo quy định của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì thời gian ưu đãi dành cho người mua nhà chỉ là 5 năm. Ông Châu đánh giá, thời gian như này là quá ngắn và không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
“Tôi nhận thấy, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường, thì đây sẽ là “gánh nặng” cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, để xây dựng cơ chế hợp tình hợp lý hơn. Về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn và huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, hiệu quả, căn cơ, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.