Lãi suất hạ nhiệt, bao giờ chứng khoán tạo đáy và đi lên?
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao nhà đầu tư vẫn chưa "mặn mà" với chứng khoán dù lãi suất đã hạ nhiệt?Lãi suất hạ nhiệt giúp đầu tư chứng khoán dần hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệmDòng tiền vào chứng khoán khởi sắc, nhà đầu tư có nên bung sức "mua đuổi"?Theo Nhịp sống thị trường, mặc dù lãi suất trong nước vẫn giữ ở mức cao cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa thực sự rõ ràng, nhưng các tín hiệu hạ nhiệt lãi suất trong thời gian gần đây đã đem đến cho thị trường chứng khoán nhiều hy vọng.
Câu hỏi đặt ra là lộ trình lãi suất thời gian tới sẽ thế nào? Sau khi chính sách tiền tệ đảo chiều, thị trường chứng khoán bao giờ sẽ tạo đáy dài hạn và đi lên? Mới đây, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta đã đưa ra một số nhận định về vấn đề này.
Lãi suất tiếp tục "hạ nhiệt"
Nhận định về động thái của Fed, ông Minh cho rằng sự cứng đầu của lạm phát có thể vẫn sẽ tác động phần nào đến quyết định của Ngân hàng trung ương này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là lạm phát hiện không còn là mục tiêu hàng đầu mà cơ quan này hướng đến trong năm 2023.
Sau hàng loạt vụ đổ vỡ của nhiều ngân hàng trên thế giới xảy ra cùng với tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng tăng cao, có khả năng Fed sẽ phải tính toán lại mức lãi suất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Nhiều khả năng, Fed sẽ phải chấp nhận để lạm phát mục tiêu cao hơn so với dự tính.
Minh chứng là trong các biên bản cuộc họp của năm 2022, cơ quan này chỉ nhấn mạnh đúng duy nhất 1 mục tiêu đó là kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trong các biên bản họp gần đây, mục tiêu của Fed không chỉ riêng là lạm phát mà còn là mối lo suy thoái.
Theo dự tính của vị chuyên gia, mức lãi suất mà Fed có thể đạt trong năm nay là 5,07%. Và khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong tháng 5 và đây là đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay. Thậm chí, có thể Fed sẽ "quay xe" giảm lãi suất trong nửa cuối năm để có thể phòng ngừa suy thoái.
Như vậy, biến số tiếp theo để Fed điều hành chính sách tiền tệ chính là suy thoái. Đặc biệt, theo quan sát của vị chuyên gia Chứng khoán Yuanta, Fed đang có động thái mua trái phiếu để kích cầu trở lại, thay vì bán trái phiếu thu hẹp cung tiền như các năm trước.
"Chúng ta chưa thể kỳ vọng môi trường tiền rẻ, nhưng dòng tiền đắt cũng sẽ sớm kết thúc", ông Nguyễn Thế Minh cho hay.
Nhận định về bối cảnh trong nước, lạm phát tháng 3 tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt và kỳ vọng lạm phát tiếp tục chậm lại trong các tháng tiếp theo do mức nền cao cùng kỳ năm 2022 và nguồn cung hàng hóa đang dần hồi phục. Lạm phát cả năm 2023 có khả năng ở mức mục tiêu dưới 4,5%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng áp lực lạm phát có thể tăng lên sau khi Trung Quốc mở cửa.
Về lãi suất, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng mức lãi suất trong nước khó có thể giảm mạnh, nhưng đã qua giai đoạn đỉnh điểm vào cuối năm 2022. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP, có thể chính sách tiền tệ sẽ bớt thắt chặt hơn nữa. Khả năng cao sẽ có một đợt giảm lãi suất cơ bản sau tháng 6, đây là tiền đề để giảm lãi suất khác, nhất là lãi suất cho vay.
Chứng khoán bao giờ tạo đáy và đi lên?
Mặc dù có sự đảo chiều của chính sách tiền tệ, song thị trường chứng khoán sẽ không bứt phá ngay trong một sớm một chiều mà có độ trễ nhất định. Độ trễ của thị trường để chờ xem những những động thái hỗ trợ cũng như mặt bằng lãi suất đã đủ để đưa nền kinh tế và doanh nghiệp hấp thụ được và quay lại với đà tăng trưởng chưa.
Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, vị chuyên gia nhận thấy giai đoạn hiện tại có khá nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 1968 – 1970 và 1972 – 1974 khi lãi suất tác động tiêu cực đến thị trường. Hai giai đoạn trên, mức giảm lần lượt là 33,6% và 46,3%. Tuy nhiên, khi lãi suất tạo đỉnh, mức tăng trong 2 năm sau khi xác lập đáy ở mức lần lượt là 63% và 69%.
Với quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với chứng khoán Mỹ, ông Minh cho rằng khi đỉnh lãi suất qua đi, thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy dài hạn và đi lên. Khả năng cao thị trường sẽ lình xình cho đến hết quý 2/2023, nhưng càng về cuối năm, cơ hội càng mở ra khi các chính sách đã ngấm dần vào thực tiễn.
Thống kê trong quá khứ cho thấy, sau mỗi đợt lãi suất tạo đỉnh, chỉ số VN-Index sẽ mất khoảng 7 tháng để tạo đáy và đi lên. Theo đó, ông Minh cho rằng, lãi suất bắt đầu tạo đỉnh vào đầu năm và khoảng sau tháng 8 năm nay thị trường chứng khoán có thể tạo đáy dài hạn và bắt đầu đi lên mạnh mẽ.
Về chỉ báo kỹ thuật, vị chuyên gia Yuanta đánh giá chỉ số chính đang trong sóng điều chỉnh 2. Thị trường có khả năng sẽ mở rộng về mức 1.124 hoặc cao hơn là 1.165 trong tháng 4 và tháng 5, sau đó điều chỉnh trong tháng 5 - 6. Đồng thời chỉ số VN-Index cũng có thể đạt mức cao nhất trong vùng 1.258 – 1.265 điểm ở những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và mức nền lợi nhuận cao của cùng kỳ năm 2022. Một số nhóm ngành được cho vẫn "ngược dòng" khi có thể hưởng lợi trong quý đầu năm nay, có thể kể đến như: (1) Nhóm nông nghiệp như nhóm gạo khi giá gạo xuất khẩu có xu hướng lập đỉnh, hay nhóm chăn nuôi khi giá thức ăn chăn nuôi đang hạ nhiệt cùng với giá lớn được kỳ vọng tăng trong thời gian tới khi cầu tiêu thị gia tăng. (2) Nhóm xây dựng khi được hưởng lợi từ kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. (3) Ngành vận tải dầu trong bối cảnh giá cước vận tải và giá cho thuê định hạn tăng mạnh so với cùng kỳ do căng thẳng địa chính trị và các lệnh cấm với dầu Nga của phương Tây. (4) Ngành nhiệt điện khi giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) tiếp tục tăng hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.