Lãi suất giảm kích hoạt dòng tiền chảy vào chứng khoán, chuyên gia chỉ ra 3 nhóm cổ phiếu sẽ bật tăng mạnh nhất
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán Mỹ 31/3: Tiếp tục đi lên khi số liệu thất nghiệp cao hơn dự kiếnNhiều công ty chứng khoán đặt kế hoạch tăng trưởng bằng lần trong năm 2023Mirae Asset chỉ ra 5 yếu tố tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu nào là lựa chọn hàng đầu?Theo Nhịp sống thị trường, chiều tối ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định từ ngày 3/4 sẽ giảm nhiều mức lãi suất từ 0,3 - 0,5%/năm. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 1 tháng, lãi suất điều hành giảm. Quyết định này là tín hiệu tích cực để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện đang ở mức cao.
Cụ thể, (1) Giảm 0,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn; (2) Giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. (3) Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. (4) Giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) đã chỉ ra rằng lãi suất điều hành và chỉ số VN-Index thường có xu hướng đi lên sau đó và ngược lại.
Nhìn vào số liệu thống kê trong quá khứ, trong những lần Ngân hàng Nhà nước tuyên bố hạ lãi suất điều hành, VN-Index thường có phản ứng tích cực trong ngắn hạn, tăng trung bình 0,46% trong phiên hôm sau và 1,2% trong một tháng sau.
Về các nhóm ngành, BSC lấy dẫn chứng kiến biến 3 lần gần đây nhất Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, là ngày 12/05/2020, 30/09/2020 và 14/03/2023, trong đó ngày 14/03/2023 công bố hạ lãi suất tái chiết khấu 1%, với 2 lần còn lại, đồng loạt hạ cả lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 0,5%. Kết quả là các nhóm ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn hạn với thông tin này và hầu hết đều tăng điểm ngay phiên hôm sau.
Lãi suất điều hành có thể tiếp tục giảm
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập FIDT phân tích, trong bối cảnh lạm phát dù tăng nhưng đang có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn khiến chúng ta phải "phản ứng từ xa", việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất là giải pháp linh hoạt, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế hiện tại.
Cung ứng dòng tiền ra thị trường phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tuy nhiên, với chính sách tài khóa và giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ là công cụ điều tiết dòng tiền cũng như thúc đẩy kinh tế vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong quý 1.
Do đó, trong giai đoạn này, chính sách tiền tệ đang được chú trọng hơn. Với mức tăng trưởng kinh tế tương đối thấp so với nhiều năm, chuyên gia cho rằng việc khơi thông vốn giá rẻ hơn, hợp lý hơn ra thị trường là điều cần thiết. Mặc dù xu hướng này đi ngược khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn điều hành lãi suất ở mức cao, song chuyên gia cho rằng điều này không quá đáng ngại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo chỉ còn 1 đợt tăng lãi suất, trong trường hợp xấu nhất là tăng 0,5% cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Bởi tỷ giá không còn gây áp lực lớn khi chỉ số USD Index hạ nhiệt từ mức 115 về 102. Thêm vào đó, Việt Nam nhập siêu thấp bởi một số doanh nghiệp FDI suy giảm gây ảnh hưởng đến nhu cầu ngoại tệ. Do đó, tác động kép giúp dự trữ ngoại hối và dòng tiền USD vào Việt Nam tăng chứ không giảm.
Theo dự báo của chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành, trần huy động thêm khoảng 1-2 lần trong những tháng tới.
Thị trường chứng khoán sẽ hưởng ứng tích cực trong ngắn hạn
Nhận định riêng về chứng khoán Việt Nam, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng chuỗi tăng gần đây của thị trường nhờ hưởng ứng những chính sách của Chính phủ. Hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường được ra đời như Nghị định 08, Dự thảo sửa đổi 16 đã tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư.
Chuyên gia cho rằng, nếu cuối tuần không ra tin giảm lãi suất thì xác suất giảm ở các tuần sau là rất lớn. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất, có thể giúp thị trường chứng khoán nối dài đà tăng trong ngắn hạn.
Trên thực tế, chính sách nới lỏng tiền tệ cần thời gian thẩm thấu từ 6-9 tháng. Dòng tiền sẽ chảy dần vào thị trường chứng khoán, những cổ phiếu có thanh khoản cao theo đó sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ, chứng khoán đã giảm mạnh từ đỉnh khi chúng ta thắt chặt chính sách từ năm ngoái. Việc lãi suất liên tục hạ nhiệt sẽ là chất xác tác giúp thị trường chứng khoán hưng phấn trong ngắn hạn. Những nhóm ngành có độ nhạy cao với dòng tiền là ngân hàng - bất động sản - chứng khoán sẽ bật tăng mạnh vượt trội so với thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia vẫn nhấn mạnh xu hướng này chủ yếu mang tính chất tâm lý. Bởi báo cáo trong các quý tới của những nhóm này vẫn chưa ghi nhận quá nhiều khởi sắc, đơn cử như nhóm ngân hàng nợ xấu bất động sản tăng. Chứng khoán cho vay margin và tự doanh giảm. Bất động sản vẫn đối diện với nhiều áp lực liên quan đến đáo hạn trái phiếu, thị trường thực chỉ "ấm" lên ở một số phân khúc như nhà phố, văn phòng. Chuyên gia cho rằng, trong 3 nhóm này thì cổ phiếu chứng khoán có nhiều cơ hội khởi sắc hơn, bởi hoàn nhập tự doanh trong quý này khi thị trường cũng đang trong nhịp hồi phục kể từ đầu năm.
Chuyên gia cho rằng, trong thời điểm lãi suất giảm, cơ hội đầu tư và đầu cơ với chứng khoán đều có. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang trong tình trạng suy kiệt, nhiều rủi ro trên thế giới vẫn chưa thẩm thấu hết thì vẫn nên ưu tiên chiến lược "đánh nhanh" hơn. Nếu đầu tư theo trường phái dài hạn thì danh mục là vô cùng quan trọng, nhà đầu tư cần bóc tách nhiều thứ liên quan đến rủi ro nguy cơ nợ, hay mô hình kinh doanh,... của các doanh nghiệp.