Kỳ vọng thanh khoản bất động sản phục hồi vào năm 2024 có thực tế?
Theo Thanh niên Việt, báo cáo của DKRA Việt Nam về thị trường bất động sản TP. HCM và vùng phụ cận ghi nhận diễn biến không mấy sáng sủa trên nhiều phân khúc bất động sản nhà ở.
Khan hiếm giao dịch
Báo cáo thị trường bất động sản của DKRA cho thấy, nguồn cung phân khúc căn hộ trong tháng 8 vừa qua sụt giảm còn 253 căn, bằng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Các tỉnh dẫn đầu nguồn cung là TP. HCM và Đồng Nai khi chiếm 55% tổng cung mới trong tháng.
Lượng sản phẩm tiêu thụ mới giảm 87% so với cùng kỳ, chỉ đạt 84 căn. Các chủ đầu tư liên tục áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, tặng quà… nhằm kích cầu thị trường, thu hút khách hàng.
Khảo sát của đơn vị này chỉ ra sức cầu trên thị trường thứ cấp đã có tín hiệu khởi sắc so với tháng 7, động thái giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước khiến người mua tự tin hơn trước quyết định mở khoản vay mua bất động sản.
Trên thị trường sơ cấp, mặt bằng giá bán không có nhiều biến động. Tuy nhiên trên thị trường thứ cấp lại ghi nhận một số giao dịch có mức giảm từ 50 - 150 triệu đồng/căn, tập trung vào các dự án chậm tiến độ bàn giao, hết thời gian ân hạn nợ gốc/lãi vay.
Trong tháng 8/2023, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới của đất nền giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ giảm nguồn cung là 58%, lượng tiêu thụ mới giảm 94%. Theo đó, trong tháng 8, nguồn cung mới phân khúc đất nền chỉ đạt 95 sản phẩm, tiêu thụ 5 nền. Trong đó, khu vực chủ lực về nguồn cung mở bán mới trong tháng là Long An khi chiếm tỷ lệ 89% trên tổng nguồn cung mới toàn thị trường.
So với tháng trước, mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường chưa có nhiều khởi sắc trong tháng 8. Các vấn đề như khan hiếm quỹ đất sạch, khó tiếp cận nguồn vốn mới, hay các rủi ro về vấn đề pháp lý đã tác động mạnh lên tình hình khan hiếm nguồn cung mới suốt những tháng qua.
Toàn thị trường đang kỳ vọng vào việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến tín dụng bất động sản, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục pháp lý dự án… từ Chính phủ, có thể mang đến các tín hiệu tích cực hơn cho thị trường địa ốc trong thời gian tới.
Trái lại, nguồn cung mới của phân khúc nhà phố, biệt thự lại khởi sắc so với tháng trước khi đạt 100 căn, tăng hơn 16 lần. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ bằng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỉnh Đồng Nai chiếm 68% nguồn cung mới, dẫn đầu toàn thị trường.
Lượng tiêu thụ phân khúc nhà phố, biệt thự đã cải thiện nhiều so với tháng trước khi đạt 34 căn, nhưng chỉ bằng 59% so với cùng kỳ. Phần lớn các giao dịch này tập trung tại dự án thuộc tỉnh Đồng Nai được mở bán trong tháng.
Nhiều chính sách chiết khấu với phương án thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc/lãi vay ngân hàng, giãn tiến độ thanh toán… tiếp tục được nhiều chủ đầu tư lớn áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
So với tháng trước, mặt bằng giá bán sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường chỉ ở mức trung bình và chủ yếu tập trung vào những sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý, đã đi vào hoạt động.
BĐS nhà ở phục hồi còn yếu
Theo báo cáo về thị trường bất động sản của Công ty chứng khoán VnDirect mới đây, đơn vị này nhận định, dù lượng tiêu thụ trong quý II/2023 được cải thiện đáng kể so với quý đầu năm, nhưng đà phục hồi của thị trường bất động sản nhà ở vẫn còn yếu.
Tâm lý của những đối tượng tham gia thị trường vẫn rất cẩn trọng do môi trường lãi suất cao và chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà cũng như các doanh nghiệp phát triển BĐS. Bên cạnh đó, các nút thắt còn tồn đọng và gần như nguồn cung mới đều thuộc phân khúc cao cấp.
“Khó khăn lớn nhất của thị trường nhà ở đã qua, nhưng các thách thức vẫn hiện hữu và thị trường kỳ vọng ấm dần lên vào nửa cuối năm 2024. Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao hơn về thực trạng các kênh dẫn vốn, quy trình tháo gỡ pháp lý cũng như sự phát triển của mảng nhà ở xã hội để đánh giá sự hồi phục của thị trường bất động sản một cách tổng quan” - Theo VnDirect.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán VnDirect cũng dự báo thị trường địa ốc vẫn tiếp tục trầm lắng trong một năm tới, thị trường chỉ thực sự hồi phục rõ nét từ nửa cuối năm 2024 khi các nút thắt dần được gỡ bỏ.
Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam - Ông Sử Ngọc Khương cho hay, để nhận định rằng thị trường bất động sản trong năm tới có phục hồi hay không thì phải nhìn vào đà phục hồi của những nền kinh tế lớn. Bởi khi các nền kinh tế lớn phục hồi thì hoạt động xuất khẩu mới được đảm bảo, công ăn việc làm của người dân cũng ổn định, như vậy sẽ tác động lớn đến việc họ có mua nhà hay không. Phải làm sao để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm vừa túi tiền, pháp lý ổn thì một bộ phận lớn người dân có nhu cầu nhà ở sẽ xuống tiền.
Nhìn nhận dưới góc độ tài chính, việc vay vốn của người dân có được mở rộng hay không, lãi suất như thế nào cũng là những yếu tố quan trọng tác động tới đà phục hồi của thị trường bất động sản nhà ở.