Kiến nghị tiêu chuẩn phòng trọ từ 10 m2: Người lao động chỉ cần giá rẻ
BÀI LIÊN QUAN
Người dân vẫn tìm cách mua nhà trong bối cảnh thị trường bất động sản đầy biến độngTrước đây nhà trong phố là số một nhưng tại sao bây giờ ngày càng nhiều người bỏ trung tâm ra ngoại ô?Chung cư 50-70 năm sẽ giảm giá, giúp việc mua nhà trở nên dễ dàng hơn“Siết” tiêu chuẩn xây dựng phòng trọ
Câu chuyện chất lượng phòng trọ tại các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp đã được bàn cách đây khá lâu. Tuy nhiên, tình trạng những khu trọ xập xệ không đảm bảo an toàn vẫn có nhiều người thuê bởi giá rẻ. Lương công nhân ba cọc ba đồng, việc có chỗ chui ra chui vào sau những giờ lao động vất vả tại công xưởng đối với nhiều người là quá đủ. Nhưng, họ không biết rằng, ở những khu nhà ở xập xệ như vậy nguy cơ cháy nổ, mất an toàn là rất lớn.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tại TP.HCM hiện nay có đến 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 1.060 doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 650 doanh nghiệp trong nước gần 410 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số lao động khoảng gần 290.000 người, lao động ngoại tỉnh hơn 185.000 người.
Cũng theo thống kê của hiệp hội này, các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có 15% công nhân được ở trong ký túc xá. Còn lại họ đều phải thuê phòng trọ để làm chỗ sinh hoạt sau giờ tan ca.
Dẫn số liệu này để thấy rằng, hiện nay nhu cầu thuê trọ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp là rất lớn. Trong khi đó, các khu công nghiệp, chế xuất chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của lao động. Tại các ngôi làng cạnh khu công nghiệp mọc lên rất nhiều khu nhà trọ với đầy đủ các loại giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/tháng. Có những khu nhà trọ xập xệ, ẩm mốc đến mức ai đi vào cũng phải lắc đầu ngao ngán.
Có lẽ vì thế mà mới đây, HoREA đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung thêm tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ. Hiệp hội này cho rằng, Bộ Xây dựng đang thiếu tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, nhất là đối với phòng trọ cho thuê.
Cụ thể, HoREA kiến nghị bổ sung thêm quy định về diện tích sử dụng tối thiểu của phòng trọ trong nhà ở riêng lẻ dùng để cho thuê là không được dưới 10m2. Trong đó, chiều rộng thông thủy lớn hơn 2,4m, chiều cao phải trên 2,7m. Diện tích sử dụng bình quân không được nhỏ hơn 5m2/người. Tức là một căn phòng trọ khoảng 10m2 chỉ được phép ở 2 người.
Chưa dừng lại ở đó, để nâng cao chất lượng sống cho người thuê trọ, HoREA còn kiến nghị Bộ Xây dựng có thêm quy định về nước, ánh sáng, vật liệu, cửa đi và các tiện ích khác… Trong đó, khu nhà trọ có trên 10 phòng phải có phòng sinh hoạt chung, có một phương tiện nghe nhìn và kết nối internet.
Cách đây không lâu, nhận thấy tình trạng nhà trọ tại nhiều nơi ở TP.HCM không đảm bảo an toàn, HoREA đã đề xuất Bộ Xây dựng cho các doanh nghiệp vào xây dựng nhà ở xã hội theo dạng phòng trọ số lượng lớn để phục vụ nhu cầu của người lao động.
Theo Chủ tịch HoREA, việc chỉ cho phép cá nhân, hộ gia đình được xây dựng phòng trọ cho thuê dẫn đến việc mất an toàn, không đảm bảo chất lượng. Bởi nhiều hộ gia đình vì tài chính mỏng nên xây theo dạng chắp vá, xây cho có rồi cho thuê thu tiền.
Lãnh đạo HoREA nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp được xây dựng nhà xã hội riêng lẻ gồm nhà trọ, phòng trọ cho thuê thì người lao động chắc chắn sẽ có các căn chung cư mini đầy đủ tiện ích, dịch vụ, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy…để ở. Các chủ đầu tư cũng có năng lực vận hành các tòa nhà, chung cư nên sẽ rất có lợi cho người thuê nhà. Tuy nhiên, thành phố cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi triển khai các căn hộ nhỏ như vậy.
Với việc cho các doanh nghiệp xây nhà xã hội dạng phòng trọ, HoREA kỳ vọng TP.HCM sẽ xóa được các khu nhà trọ lụp xụp, khu ổ chuột và những công nhân sẽ có nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt thực thụ, đảm bảo an toàn cả về an ninh và phòng cháy chữa cháy.
“Không cần thiết”
Trao đổi với phóng viên, chị Nông Thị Thanh (quê Tuyên Quang đang làm công nhân tại TP.HCM) nói rằng, với công nhân, nhiều khi diện tích phòng trọ không phải vấn đề quá lớn, quan trọng là giá cho thuê. “Chúng tôi làm bình quân 8 tiếng/ngày, có hôm tăng ca thì làm đến hơn 10 tiếng. Cả ngày ở nhà máy, thời gian sinh hoạt nhà rất ít, chủ yếu là tắm rửa và đi ngủ. Chính vì vậy, nhiều khi chúng tôi cũng không cần những nhà trọ to, đẹp làm gì. Bởi những phòng trọ như thế rất đắt trong khi lương công nhân thì thấp”, chị Thanh chia sẻ.
Theo chị Thanh, hơn 3 năm nay chị với một người cùng quê cũng làm công nhân sống trong căn phòng trọ khoảng 9m2. Căn phòng chỉ đủ kê 1 chiếc giường, 2 chiếc tủ vải và một cái gương. Buổi sáng họ thường mua đồ ăn áng hoặc úp gói mì tôm. Buổi trưa ăn tại công ty. Sau dịch Covid-19, vì thường xuyên phải tăng ca, lao động mệt nên họ thường ăn cơm bụi xong mới về nhà tắm rửa nghỉ ngơi. Hôm nào không tăng ca họ mới về nhà nấu cơm và thường đặt một chiếc bàn ngoài cửa nhà trọ để nấu ăn.
Giống như chị Thanh, anh Trần Huy Tưởng (quê Nghệ An, đang làm công nhân nhà máy dệt tại TP.HCM) cũng nói rằng nhà trọ to đẹp cũng không cần thiết với họ. Những căn nhà trọ diện tích lớn phù hợp với các gia đình có con cái. “Phần lớn thời gian chúng tôi ở nhà xưởng thì cần gì phải nhà trọ to, đẹp. Cứ có chỗ ngủ mưa nắng không đến đầu là tốt rồi. Tiền còn tiết kiệm gửi về cho vợ nuôi con”, anh Tưởng tâm sự.
Anh Tưởng cho biết, nhiều khu nhà trọ ở sâu trong các con ngõ hiện nay mặc dù không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng không hề có ai kiểm tra. Thậm chí, nhiều người ở mấy năm tại đây nhưng không có đăng ký trạm trú nhưng cơ quan chức năng không kiểm tra nên cũng chẳng phát hiện được. Vì thế, anh Tưởng cho rằng, giờ Nhà nước có quy định nhà trọ phải trên 10m2 mới được ở thì cơ quan chức năng cũng sẽ không kiểm tra được hết. Thậm chí, khi đến kiểm tra, chủ nhà và người thuê sẽ lách bằng cách nói rằng cho ở nhờ.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Luật nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015 chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân xây dựng và cho thuê nhà trọ. Doanh nghiệp không được phép đầu tư loại hình này.
“Bên cạnh đó, Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng cũng không còn quy định diện tích phòng trọ không được dưới 10m2, diện tích sử dụng bình quân không dưới 5m2/người. Bộ Xây dựng cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế nhà trọ. Tôi cho rằng, việc quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà trọ là điều nên làm. Bởi hiện nay nhiều người đang sống trong các khu trọ xập xệ, khu ổ chuột rất nhếch nhác và không đảm bảo an toàn”, Luật sư Hùng nói.
Tuy nhiên, Luật sư Hùng cho rằng, khi có quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà trọ thì cũng cần phải kiểm soát được giá cho thuê theo khu vực. Tránh tình trạng nhiều người xây nhà trọ khang trang, rộng rãi xong tăng tiền cho thuê một cách vô tội vạ khiến người lao động gặp khó khăn. Trong vấn đề này cũng cần phải nâng cao khả năng quản lý của các cơ quan chức năng tránh tình trạng chủ nhà “bắt chẹt” người thuê.