Khai thác tạm thời cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây từ ngày 30/4
BÀI LIÊN QUAN
Chuẩn bị thông tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, giá đất nền khu vực tăng cục bộBa dự án cao tốc huyết mạch mở đường cho Khánh Hòa phát triển Đề xuất tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao LãnhTheo Vneconomy, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án 7, Thăng Long và các đơn vị trực thuộc tập trung tổ chức thi công, hoàn thành các thủ tục để đưa các dự án thành phần đầu tư xây dựng của hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác.
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng chiều dài 100,8 km (đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận). Tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Dự án này đã được khởi công từ cuối tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Do nhiều nguyên nhân, dự án đã kéo dài thời gian hoàn thành đến 30/4/2023. Tỷ lệ hoàn thành các gói thầu hiện nay đã đạt hơn 83% giá trị hợp đồng, trong đó phần tuyến chính đã đạt hơn 94%.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km (đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án này được khởi công từ ngày 30/9/2020 và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã gia hạn thời gian hoàn thành dự án trước ngày 30/4/2023. Hiện tại, sản lượng thi công lũy kế của dự án đạt 91% giá trị đồng.
Cụ thể, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực cho công tác hoàn thiện hệ thống nút giao, đường ngang, các hạng mục an toàn giao thông, hàng rào của các dự án cao tốc và dự kiến tổ chức lễ khánh thành, bàn giao đưa vào khai thác tạm thời vào ngày 30/4/2023.
Mặc dù vậy, theo kết quả kiểm tra tại hiện trường các dự án, khối lượng công việc cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đảm bảo điều kiện đưa công trình vào khai thác tạm thời còn khá lớn.
Do đó, để đáp ứng tiến độ yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị rà soát khối lượng các hạng mục còn lại cần thi công để đảm bảo việc bàn giao đưa các tuyến cao tốc vào khai thác tạm. Đồng thời, xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện theo từng ngày, tập trung thi công 3 ca 4 kíp, nhằm đảm bảo hoàn thành các hạng mục.
"Công tác thảm bê tông nhựa phải hoàn thành trước ngày 22/4; lắp đặt khe co giãn các cầu trên tuyến chính, hệ thống biển báo trước ngày 25/4; sơn kẻ đường, dải phân cách, chống chói, rào tôn sóng, rãnh thoát nước và tổ chức vệ sinh, dọn dẹp công trường trước ngày 28/4", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các ban quản lý dự án, đơn vị cũng phải tăng cường nhân sự để kịp thời giải quyết các thủ tục, hồ sơ nghiệm thu thanh toán, đảm bảo dòng tiền cho công tác triển khai các gói thầu. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xử lý dứt điểm những vướng mắc trong công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát sinh giải phóng mặt bằng để thi công hoàn thành các hạng mục, đảm bảo điều kiện khai thác các dự án cao tốc này.
Đối với các đường dẫn nút giao, đầu cầu vượt ngang chưa thể hoàn thành do có khó khăn về nguồn vật liệu, Ban quản lý dự án cần thống nhất với các địa phương về phương án tổ chức giao thông (tổ chức đi gom về các cầu vượt, lưu thông tạm trên lớp móng cấp phối, hầm chui lân cận…) đảm bảo an toàn và không cản trở việc đi lại của người dân.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các ban quản lý dự án cao tốc trên phối hợp với Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng lập kế hoạch kiểm tra; tổ chức khắc phục các tồn tại (nếu có). Đồng thời hoàn thiện các thủ tục tại hiện trường với hồ sơ pháp lý về quy trình bảo trì công trình đường bộ, báo cáo thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa các công trình giao thông trên vào khai thác, phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc.