Kết thúc chuỗi tăng điểm kéo dài gần 2 tháng, chứng khoán Việt Nam "quay xe" giảm 3 tuần liên tiếp
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán đã và sẽ ra sao nếu Fed tăng lãi suất 1%?Chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ, khép lại tuần tồi tệ nhất kể từ giữa tháng 6"Kịch bản" nào cho ngành chứng khoán cuối năm?VN-Index giảm 3 tuần liên tiếp sau khi tăng 7 tuần từ đáy
Có thể thấy, sau nhịp phục hồi khá mạnh từ đáy, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu chững lại và bắt đầu giảm mạnh kể từ đầu tháng 9. Cụ thể, trong 2 tuần đầu tiên của tháng, chỉ số VN-Index đã giảm gần 50 điểm và rơi về mức 1.234 điểm. Đồng thời, chỉ số này cũng vừa khép lại tuần điều chỉnh thứ 3 liên tiếp bằng một phiên giảm 12 điểm với sắc đỏ chiếm ưu thế.
Trước đó, chỉ số VN-Index đã ghi nhận 7 tuần tăng điểm liên tiếp sau khi chạm đáy trong tuần đầu tháng 7 cũng như có thời điểm rất gần ngưỡng 1,300 điểm. Đáng chú ý, chứng khoán Việt nam còn lọt top những thị trường tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8. Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh trong bối cảnh thị trường thiếu động lực đã làm đảo chiều xu hướng trên.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường chứng khoán cũng có dấu hiệu "hụt hơi" sau khi phục hồi khá tích cực vào tháng 8. Thống kê cho thấy, giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE trong 2 tuần đầu tháng 9 đã giảm 10% so với tháng trước, xuống dưới 12.700 tỷ đồng. Một số phiên trong tuần qua thậm chí ghi nhận giá trị khớp lệnh giảm xuống quanh 10.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ hồi cuối tháng 7.
Nhìn chung, giao dịch ảm đạm trong những phiên thị trường giằng co với biên độ hẹp, ngược lại sôi động hơn khi VN-Index rung lắc mạnh, đặc biệt là theo chiều hướng giảm đã cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Giới phân tích nhận định đây là giai đoạn thị trường khá nhạy cảm trước những biến động từ bên ngoài trong khi thị trường nội tại trong nước thiếu thông tin hỗ trợ. Do đó, nhà đầu tư ưu tiên đứng ngoài quan sát là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán còn chịu thêm áp lực từ động thái "quay xe" của khối ngoại. Thống kê cho thấy, kể từ đầu tháng 9, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1.800 tỷ đồng riêng trên HoSE. Còn tính từ đầu quý 3, khối này đã rút ròng gần 1.100 tỷ đồng trong khi quý 2 trước đó mỗi tháng đều đặn mua ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Trong khi các quỹ ngoại chưa cho thấy tín hiệu trở lại thật sự rõ ràng thì dòng vốn đổ vào thị trường qua kênh ETF gần đây cũng đã có dấu hiệu chững lại. Trước đó, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ cao hơn kỳ vọng khiến giới phân tích lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kéo dài quan điểm "diều hâu" của mình trong điều hành chính sách tiền tệ. Việc Fed tăng tốc hút tiền tác động mạnh đến dòng tiền vào các tài sản tài chính rủi ro cao, đặc biệt ở các thị trường mới nổi hay cận biên và chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi
Trong báo cáo mới nhất của Goldman Sachs dự báo mức lãi suất cuối năm 2022 của Fed sẽ là 4%, đồng nghĩa với việc họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm % trong cuộc họp tháng 9; 0,5 điểm % vào tháng 11 và 0,25 điểm % vào tháng 12. Còn theo dữ liệu của CME Group cho biết, sau khi CPI tháng 8 được công bố, các nhà giao dịch đã hoàn toàn loại bỏ phương án Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, thậm chí còn dự đoán 10% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 1 điểm phần trăm.
Đồng quan điểm, Dragon Capital cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ còn kéo dài và nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2023. Tỷ giá USD mạnh lên thường không có lợi cho các thị trường mới nổi và Việt Nam đang nhận thấy những áp lực khi hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại, đồng nội tệ giảm giá cũng như lãi suất trong nước bắt đầu tăng.
Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam có thể bị tác động bởi sự bất ổn toàn cầu, song nền kinh tế nội địa vẫn đang vận hàng rất tốt và được nhiều các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo đó, sau mức tăng xếp hạng tín nhiệm lên BB+ của S&P, Việt Nam tiếp tục được Moody’s nâng triển vọng lên Ba2 với triển vọng ổn định trong dài hạn. Tương tự, Dragon Capital cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 2 chữ số trong quý 3 và 7,8% năm 2022.
Bên cạnh đó, Dragon Capital cũng cho rằng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến nền kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều so với các thị trường mới nổi và không mang tính hệ thống. Việt Nam không nằm trong nhóm quốc gia bị ảnh hưởng bởi hậu quả của những chính sách không đúng đắn, do đó Dragon Capital tin rằng thị trường vẫn sẽ giữ vững mốc 1.200 điểm.
Hiện tại, thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn, với P/E 10 lần và tăng trưởng EPS đạt mức 17%. Mặc dù tăng trưởng có thể giảm tốc vào năm sau, nhưng sẽ chỉ là chậm lại chứ không phải tăng trưởng âm. Ngoài ra, Dragon Capital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi đó mức độ rủi ro thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.
Thời điểm này, hầu như các nhà đầu tư vẫn đang "gồng lỗ" sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường từ vùng 1.500 điểm hồi đầu tháng 4 đến tháng 6. tuy nhiên, thị trường chứng khoán thời điểm này vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn so với những kênh khác.
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu Dịch vụ thông tin tài chính Fiin Group, nếu so sánh tương quan với các kênh đầu tư khác thời điểm này thì có thể nói chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và triển vọng. Mặc dù nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng trong giai đoạn thị trường sụt giảm mạnh từ tháng 4 đến nay, nhưng một tín hiệu tích cực là lượng tiền lớn vẫn nằm trên tài khoản.