Kế hoạch tái cấu trúc của FLC ra sao?
BÀI LIÊN QUAN
Ban lãnh đạo FLC nêu 5 vướng mắc khiến tập đoàn chưa thể công bố báo cáo tài chínhÔng Lê Tiến Dũng - tân Tổng giám đốc của FLC là ai?FLC có Tổng giám đốc mớiVnexpress thông tin, cho đến nay đã gần một năm sau khi ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị bắt, ban lãnh đạo công ty mới có những chia sẻ cụ thể hơn đối với kế hoạch tái cấu trúc của FLC trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Mới cuối tuần trước, bà Trần Thị Hương, Phó tổng giám đốc thường trực FLC đã chia sẻ trong phiên họp bất thường với cổ đông. Bà Hương cho biết, FLC trong năm nay sẽ tập trung giữ lại 2 lĩnh vực cốt lõi, bao gồm phát triển bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng, sân golf cùng với thực hiện M&A các dự án nhằm tái cấu trúc các khoản vay và có nguồn vốn duy trì hoạt động.
Dưới thời ông Trịnh Văn Quyết, FLC bên cạnh những mảng trên còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác, cụ thể như: Vận tải hàng không, đầu tư tài chính, nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, vàng và trang sức. Trong giai đoạn 2018-2022, hãng hàng không Bamboo Airways là một trong số những dự án được cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết dồn nhiều tâm huyết và vốn đầu tư nhất.
Tuy nhiên, FLC trong thời gian tới sẽ tiến hành chuyển nhượng cổ phần tại hãng hàng không này.
Tháng 7/2022, ông Lê Bá Nguyên sau khi được bầu giữ vị trí chủ tịch HĐQT cho biết, tập đoàn sẽ hướng đến quá trình sắp xếp và cải tổ một cách toàn diện. Đồng thời, vị doanh nhân này cũng giải thích về kế hoạch thu hẹp quy mô trong thời gian tới như sau: “Thế mạnh và nòng cốt của tập đoàn FLC từ trước đến nay là mảng đầu tư bất động sản, nghỉ dưỡng và sân golf. Trong khi đó, các lĩnh vực khác do những vấn đề về nguồn vốn đầu tư ban đầu và chưa có hiệu quả tài chính”.
Ông Nguyên cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế mong muốn gia nhập vào tập đoàn. Đây cũng là lý do mà FLC sẽ tiến hành chuyển nhượng công ty con và công ty liên kết để có thể dồn lực và đầu tư trọng điểm cho những lĩnh vực cốt lõi. Chia sẻ về Bamboo Airways, ông Nguyên bổ sung, sẽ thông báo với cổ đông về kế hoạch bán cổ phần sau khi nhiều chuyên gia tài chính xây dựng được phương án đánh giá cụ thể.
Tính đến thời điểm hiện tại, FLC đã đầu tư tổng cộng 4.015 tỷ đồng vào hãng hàng không Bamboo Airways, con số này tương đương với 21,7% vốn điều lệ. Trong 2 năm qua, tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 373 tỷ đồng và 3.642 tỷ đồng vì hãng hàng không liên tục thua lỗ.
Theo bà Hương, đối với lĩnh vực bất động sản FLC đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy những hoạt động xúc tiến đầu tư, mục tiêu đạt được chấp thuận để trở thành chủ đầu tư của các dự án mới. Đối với những dự án không hiệu quả, FLC sẽ rà soát, đưa ra phương án chuyển nhượng phù hợp. Với những sản phẩm đã bán, FLC tiếp tục thu hồi công nợ và tập trung bàn giao sản phẩm cho khách cũng như hoàn thiện hạ tầng và pháp lý.
Vẫn sở hữu nguồn lực lớn
Theo Chủ tịch HĐQT FLC, tập đoàn này vẫn còn nguồn rất lớn cùng 200 dự án ở những mức độ pháp lý khác nhau ở các tỉnh và thành phố. Trước khi các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn FLC gặp sự cố vào tháng 3/2022, con số này là hơn 300 dự án.
Đối với lĩnh vực nghỉ dưỡng, FLC có 4 quần thể tại Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Liên quan đến vấn đề này, Vnexpress dẫn lại lời của lãnh đạo FLC cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung tăng tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng trên. FLC cũng có kế hoạch chi tiết và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng quần thể để tối ưu hiệu quả vận hành, tăng doanh thu từ mảng này khi sắp đến mùa du lịch”.
Bà Hương cho biết thêm, tập đoàn sẵn sàng chấp nhận việc chuyển nhượng các dự án, mục tiêu có được nguồn vốn nhất định, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc M&A những dự án của FLC là để tái cấu trúc các khoản vay và giảm dư nợ với các tổ chức tín dụng.
FLC trong năm 2022 đã thanh toán nghĩa vụ hơn 7.000 tỷ đồng ở các tổ chức tín dụng (chưa bao gồm các khoản lãi cùng với phí). Đồng thời, FLc cũng tái sắp xếp các bộ phận phòng ban và đơn vị trực thuộc, đồng thời giảm nhân sự nhằm tối ưu hóa hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Công - Phó tổng giám đốc FLC khẳng định, ban điều hành của tập đoàn đang chú trọng tập trung cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023. Tuy nhiên, các lãnh đạo hiện vẫn chưa thông tin một cụ thể hơn đối với tình hình tài chính hiện nay cũng như kết quả kinh doanh của năm trước.
Báo cáo tài chính mới nhất được công bố của FLC vào tháng 10 năm ngoái cho thấy, trong 9 tháng đầu năm công ty lỗ gần 1.900 tỷ đồng. Tính đến nay, FLC vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 cùng với báo cáo tài chính kiểm toán 2021. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu công ty bị hủy niêm yết trên sàn HoSE, sau đó được chuyển sang UPCoM nhưng cũng ngay lập tức bị hủy giao dịch.
Theo đó, HNX đã yêu cầu FLC phải giải trình nguyên nhân về việc vi phạm quy định công bố thông tin, đồng thời đưa ra phương án khắc phục tình trạng trong 15 ngày tính từ ngày 24/2. Tuy nhiên, công ty hiện tại vẫn chưa có giải trình. HĐQT trong phiên họp bất thường vừa qua vẫn tiếp tục khẳng định, công ty vẫn đang nỗ lực hết sức nhằm xúc tiến các lộ trình công bố thông tin.