HoREA đề xuất nhóm ngân hàng Big4 được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Kỳ vọng chủ trương xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấpSau VinGroup, Novaland cũng muốn xây dựng 200.000 căn nhà ở xã hội tại khu vực phía NamHà Nội: Đề xuất dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hộiDoanh nghiệp "lực bất tòng tâm"
Theo thanhnien.vn, HoREA nhận định kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của cả nước giai đoạn 2011 - 2020 đạt 41% kế hoạch. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch. Tuy nhiên trên thực tế con số này vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân rất lớn của xã hội.
Một số vướng mắc khiến các chủ doanh nghiệp muốn đầu tư các dự án nhà ở xã hội e ngại là chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4.8%.
Các dự án nhà ở xã hội cho thuê cũng chưa được giảm 70% thuế suất Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014 và tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, nhưng Tổng cục Thuế đã có Văn bản số 4216/TCT-TTHT ngày 17/10/2019 trả lời chỉ cho giảm 50% thuế suất Thuế GTGT, Thuế TNDN.
Thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn, nhiêu khê hơn cả những dự án nhà ở thương mại. Có thể kể tới như quy định cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại không phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án nhà ở xã hội do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Trong trường hợp thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thì cũng mất rất nhiều thời gian.
Lãnh đạo một công ty chuyên làm các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết nguyên nhân lớn nhất khiến dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lưu trí bị “tắc” là do thủ tục, chính sách còn nhiều nhiêu khê, chứ không phải do doanh nghiệp không “mặn mà” làm nhà ở xã hội.
Vị này nói: “Doanh tôi cũng dành 6 ha đất ở TP Thủ Đức để xây hàng ngàn căn nhà ở xã hội, nhưng đã hơn 5 năm qua dự án không thể “nhúc nhích” dù đã xong phần chấp nhận đầu tư, có quy hoạch 1/500. Nguyên nhân chưa được giao đất vì có một ít đất công là đất nhà xưởng cổ phần hóa đã từ lâu, đất nông nghiệp, đất kênh rạch... Chỉ vì vướng một ít đất xen kẹt như vậy mà nhiều năm nay dự án không thể tiếp tục xây dựng dù quỹ đất đã sẵn sàng”.
Lãnh đạo công ty bất động sản này khẳng định, nếu thời gian làm thủ tục rút ngắn xuống còn 1-2 năm thì chắc chắn sẽ thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. “Doanh nghiệp thậm chí không cần vay vốn ưu đãi, chấp nhận vay ngân hàng thương mại để làm NOXH, với mức giá từ 22 - 25 triệu đồng/m2. Nếu căn hộ 30 m2 thì tổng giá khoảng hơn 600 triệu đồng/căn. Như vậy rất nhiều người sẽ có cơ hội mua được nhà”, người này cho hay.
Gỡ “nút thắt” tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Từ những khó khăn nêu trên, doanh nghiệp bất động sản đề xuất: “Để chương trình này “chạy” nhanh và hiệu quả, tốt nhất nhà nước nên chuẩn bị sẵn các quỹ đất sạch đem đấu thầu, kêu gọi đầu tư. Khi đó thủ tục hành chính sẽ rút ngắn, nhanh hơn. Ngoài ra còn các khu đất trong nội thành là đất công, đất kho xưởng do nhà nước quản lý có thể chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội với chính sách linh hoạt một chút, khi đó DN sẵn sàng vào làm và sẽ làm rất nhanh, rất rẻ”.
Về phía HoREA, đơn vị này cho rằng cần có những thay đổi về mặt chính sách để gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Trong đó, đề nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị với đầy đủ tiện ích và dịch vụ, có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện.
Chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Đồng thời có chính sách ưu đãi thực chất để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.
HoREA đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 1 Nghị định 49 quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án; hoặc được hoán đổi quỹ đất 20% nhà ở xã hội của dự án nhà ở thương mại bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc đảm bảo giá trị tương đương.
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN để cho phép Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
HoREA nêu, theo quy định tại Thông tư 20 thì cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng lại phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội trong 12 tháng mới đủ điều kiện vay ưu đãi nhà ở xã hội. Trong khi đó, các ngân hàng thuộc nhóm Big4 này chỉ được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/tháng để xây nhà, sửa chữa nhà. Thông tư 20 chỉ phù hợp với khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 nhưng không phù hợp và trái với quy định của Nghị định 100 và Nghị định 49.
Đề nghị Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ để tăng cường chức năng quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công trình nhà trọ, phòng trọ tạo điều kiện cho công nhân lao động có chỗ ở tốt hơn, an toàn và nhiều tiện ích hơn.
Đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 1 Nghị định 49 quy định tất cả dự án nhà ở thương mại đều phải dành một phần quỹ đất của dự án để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo đúng quy định của Điều 16 và Điều 26 Luật Nhà ở 2014.
Đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 2 Nghị định 49 về “xử lý chuyển tiếp” bổ sung quy định cho phép dự án nhà ở thương mại dưới 10ha đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền theo quyết định của UBND cấp tỉnh trước thời điểm Nghị định 49/2021/NĐ-CP có hiệu lực, để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở thương mại dưới 10 ha.
Đề nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân bởi thủ tục như hiện nay đang rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Về phía Bộ Xây dựng trình, Hiệp hội đề nghị Bộ trình Chính phủ xem xét cho phép doanh nghiệp được đầu tư dự án khu nhà trọ cho thuê để có nhiều hơn các khu nhà trọ, phòng trọ có chất lượng tốt, nhiều tiện ích, dịch vụ, an toàn phục vụ cho công nhân lao động và thúc đẩy sự cạnh tranh để các chủ nhà trọ cũng phải nâng cấp nhà trọ của mình tốt hơn.