Hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt khó, dám làm, dám sáng tạo
BÀI LIÊN QUAN
Bản tin BĐS 23/11/2022: Thanh tra kinh doanh bất động sản tại 10 tỉnh thànhCần có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trước nguy cơ đánh mất thị trườngDoanh nghiệp BĐS chậm lương, chia nhỏ lương để trả... nhiều người nơm nớp lo sợ mất việc cận TếtQuá nhiều rủi ro trong hoạt động doanh nghiệp
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nhân có tiếng tăm bị khởi tố, bắt giam, xét xử liên quan đến các sai phạm khiến thị trường bất động sản ảnh hưởng nghiêm trọng. Điển hình là vụ bắt giữ ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh), ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC), bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Đây đều là những công ty sở hữu nhiều bất động sản, dự án lớn khiến dư luận xôn xao.
Theo giới chuyên gia, những sai phạm của doanh nghiệp, doanh nhân nêu trên đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Dễ thấy nhất là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn sẽ gặp khó khăn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản bế tắc nguồn vốn khi triển khai dự án.
Trong khi đó, trên mạng xã hội và một số kênh thông tin không chính thống liên tiếp đồn thổi việc Bộ Công an sẽ tiếp tục xử lý các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn khiến thị trường các thêm bất ổn. Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an đã phải lên tiếng khẳng định đây là thông tin giả, thất thiệt, sai sự thật.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Cường, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Gia đang triển khai một số dự án bất động sản cho biết, việc bắt giam, khởi tố, xét xử nhiều doanh nhân thành đạt khiến các doanh nghiệp khác hoang mang. Doanh nghiệp lớn còn gặp rủi ro thì huống gì các doanh nghiệp nhỏ dễ làm sai do chưa có kinh nghiệm.
Ông Cường cho rằng việc doanh nhân sai phạm thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của thị trường, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, một số sai phạm đáng ra chỉ phải xử lý theo quan hệ kinh tế lại bị hình sự hóa, bắt chủ doanh nghiệp dẫn đến hoạt động của cả công ty bị ảnh hưởng. Điều này khiến doanh nghiệp sợ mình sẽ làm sai nên không dám sáng tạo, không dám mở rộng quy mô, “làm lớn” để phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng thừa nhận, đang có xu hướng doanh nghiệp chững lại, không dám làm dẫn đến nhiều dự án giậm chân tại chỗ, bất động sản thiếu nguồn cung.
Theo ông Lộc, doanh nghiệp kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công và cũng có những khi thất bại nên cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành, đoàn thể. Bởi cái suy giảm đáng sợ nhất là suy giảm ý chí kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp chứ không đơn thuần của những con số thể hiện tốc độ tăng trưởng.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng chia sẻ, với một số vi phạm có thể sửa sai nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục. Bởi khi một cá nhân gặp vấn đề kéo theo cả doanh nghiệp với hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động ảnh hưởng. Nhiều hoạt động kinh doanh với các đối tác cũng bị gián đoạn, chưa kể có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh bày tỏ, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản biến động thì việc đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và toàn xã hội là cần thiết. Đối với doanh nghiệp nếu có sai sót phải căn cứ vào quy định của pháp luật để hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng chứ không phải lúc nào cũng hình sự hóa gây tâm lý bất an cho các doanh nghiệp khác.
“Một một doanh nghiệp, công ty có quá trình xây dựng khá dài để tạo công ăn việc làm cho người lao động, mang lại quyền lợi cho cổ đông. Do vậy thay vì xử lý sai phạm của người đứng đầu phải tìm cách giúp doanh nghiệp ấy vượt qua khủng hoảng và khắc phục”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tiếp nối câu chuyện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều chồng chéo, xung đột, gây khó cho doanh nghiệp. Có những cái theo luật này thì đúng, áp dụng luật khác thì sai. Có những chủ trương đề ra thì rất đúng, rất trúng nhưng thì cụ thể hóa thành thông tư, quy định thì gây trở ngại. Để đáp ứng được yêu cầu theo quy định của tất cả các ban ngành, chính quyền đôi khi doanh nghiệp phải “cắn răng chịu đựng”.
Chính vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng phải có sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, tạo an toàn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần biết họ được làm gì, làm như thế nào để được pháp luật bảo vệ và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Việc xóa bỏ những quy định chồng chéo, khơi thông dòng chảy cải cách, tạo môi trường kinh doanh công bằng sẽ giúp nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng phát triển bền vững.
Một số chuyên gia khác cũng cho biết, qua khó khăn lần này chắc chắn doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản sẽ rút ra nhiều bài học, thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh, ít phiêu lưu và bớt tham vọng để có định hướng phù hợp.
Cùng với đó, các doanh nhân sẽ hướng đến “nghĩ thật”, “nói thật”, “làm thật”, lấy đó là trung tâm để giữ niềm tin với xã hội. Bởi nếu không có đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh thì dù doanh nghiệp, doanh nhân có lẫy lừng đến đâu cũng có lúc tan vỡ.