Hàng tồn kho của công ty mẹ Minh Phú tăng mạnh vì thị trường tôm còn nhiều khó khăn
BÀI LIÊN QUAN
Thuỷ sản Minh Phú dự kiến phát hành 200 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100%Quý 2/2022: "Vua tôm" Minh Phú báo lãi sau thuế gấp 2,5 lần cùng kỳ, triển vọng thị trường cuối năm liệu còn thuận lợi?Vì sao Minh Phú, Sao Ta có lớn đến mấy cũng không thể tự chủ 100% về tôm nguyên liệu?Hàng tồn kho của công ty mẹ Minh Phú tăng mạnh
Mới đây, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã chứng khoán: MPC) đã công bố báo cáo tài chính của công ty mẹ trong quý 3 năm nay với nhiều nội dung đáng chú ý. Theo như báo cáo này, doanh thu của công ty mẹ Minh Phú đạt 2.422 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 10%. Trong khi đó, lợi nhuận gộp cũng giảm 17% và đạt 373 tỷ đồng. Trong kỳ này, biên lợi nhuận gộp của công ty mẹ Minh Phú ở mức 15,4%; so với cùng kỳ đã giảm 1,2 điểm %.
Sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm còn 197 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 đã giảm 15% do doanh thu trong quý 3 đã giảm sút đáng kể. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ và đạt 7.258 tỷ đồng. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện 1,5 điểm % và lên 14%. Theo phía công ty, biên lợi nhuận tăng lên đáng kể nhờ tập đoàn đã đẩy mạnh việc sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của công ty mẹ trong kỳ này cũng đã gia tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhờ nhận cổ tức từ những công ty thành viên. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Minh Phú cũng tăng lên 489 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 19% so với cùng kỳ.
Tính tại thời điểm ngày 30/9, tài sản ngắn hạn của công ty mẹ Minh Phú đã tăng 20% so với đầu năm và đạt 5.426 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng lên gấp đôi, lên mức 2.031 tỷ đồng, trong đó có đến 1.928 tỷ đồng là thành phẩm hàng hóa, còn lại 103 tỷ đồng là nguyên vật liệu và dụng cụ. Tất cả lượng hàng tồn kho này dùng để thế chấp tại các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo cho các khoản vay của tập đoàn.
Giá trị xuất khẩu tôm giảm mạnh ở nhiều thị trường
Trong những tháng đầu năm, ngành tôm đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là tại quý 2/2022. Thế nhưng càng về những tháng cuối năm, xuất khẩu tôm lại càng giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 9 đạt 349 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng thêm 13%. Sau khi lũy kế 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và đạt 3,4 tỷ đồng.
Theo nhận định của VASEP, so với cùng kỳ năm 2021, dù xuất khẩu tôm vẫn ghi nhận mức tăng 13% nhưng đây lại không phải là tín hiệu đáng lạc quan do mức nền năm ngoái rất thấp. Nguyên nhân bởi, vào đúng thời điểm này năm ngoái, nhiều doanh nghiệp chế biến cũng như xuất khẩu đã phải dừng hoạt động hoặc giảm công suất hoạt động vì giãn cách xã hội và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Nếu so sánh với tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của tháng 9 năm nay đã thụt lùi 12%.
Đáng chú ý, tình hình lạm phát tại Mỹ cùng với các quốc gia EU ngày một tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá đồng EUR, đồng Bảng và cả đồng Yên đều lao dốc khiến cho sức mua giảm sút. Đồng bạc xanh tuy có giá nhưng ở thị trường Mỹ, doanh nghiệp lại phải cạnh tranh với nguồn tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ. Chính vì thế, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong thời gian qua đã giảm mạnh; sang EU dù không giảm bằng nhưng cũng khá yên ắng. Cụ thể, trong tháng 9 năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 57 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã giảm mạnh 42%. Sau khi lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ cũng đã giảm 13% so với cùng kỳ và đạt 675 triệu USD.
Điều đáng nói, trong số các thị trường chính thì Mỹ chính là thị trường ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm mạnh mẽ nhất. Đồng thời, đây cũng chính là thị trường tiêu thụ lớn nhất của “ông lớn” Minh Phú. Trước đó, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, công ty sẽ dần dần giảm tỷ trọng xuất khẩu tại thị trường Mỹ do sức ép cạnh tranh từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. Chưa kể, cước tàu tăng cao đã ăn mòn lợi nhuận của công ty.
Theo VASEP bổ sung, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được khoảng cách địa lý gần từ những thị trường châu Á, thế nên việc xuất khẩu sang những thị trường này cũng có phần sôi động hơn. Trong bối cảnh này tình hình nuôi tôm trong nước cũng không được khả quan cho lắm đã đẩy giá tôm thương phẩm tăng lên cao, khiến cho doanh nghiệp chế biến càng thêm bất lợi và khó khăn. Cụ thể, phía VASEP nhận định: “Dự kiến, xuất khẩu tôm từ tháng 9 năm nay cho đến hết năm sẽ còn tiếp tục giảm khi so với những tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu tôm của cả năm nay dự kiến chỉ xấp xỉ hoặc tăng nhẹ so với năm ngoái”.
Trong một diễn biến khác, cách đây không lâu Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng đã thông qua nghị quyết triển khai phương án phát hành lên đến gần 200 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới. Sau khi phát hành hoàn tất, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên gấp đôi, từ mức 1.999 tỷ lên gần 3.999 tỷ đồng.
Được biết, nguồn thực hiện phát hành cổ phiếu là từ thặng dư vốn cổ phần dựa theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán của công ty năm 2021 của công ty là 2.297 tỷ đồng. Dự kiến, việc phát hành cổ phiếu sẽ thực hiện luôn ngay trong năm nay, sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Bên cạnh đó, theo như Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, bên cạnh việc thưởng cổ phiếu cho các cổ đông với tỷ lệ 1:1, doanh nghiệp thủy sản này còn có phương án chi trả cổ tức tiền mặt cho năm 2021 với tỷ lệ 23%. Đồng thời, Minh Phú cũng sẽ chi trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ dao động từ 50% cho đến 70%.