Hai kịch bản tăng trưởng của ngành dệt may năm 2023
BÀI LIÊN QUAN
Đơn hàng thiếu hụt, lao động dệt may và da giày bị cắt giảm giờ làmNgành dệt may tự tin với mục tiêu 42 tỷ USD cho cả năm 2022Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Thiếu hụt đơn hàng trong ngành có thể kéo dài đến quý đầu năm sauTrong năm nay, ngành dệt may đã đối mặt với rất nhiều thách thức, điển hình như việc dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, sức mua giảm, xung đột giữa nga và Ukraine vẫn vô cùng căng thẳng.
Mới đây, Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect đã công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023. Theo báo cáo này, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, ở mức 17,3%; thế nhưng đến quý 3/2022 đã bắt đầu chững lại.
Trong quý 3, tổng doanh thu của các công ty dệt may đang niêm yết so với cùng kỳ năm trước đã tăng 23,3% nhờ mức nền thấp. Trong khi đó, lợi nhuận ròng dù tăng 61,3% so với cùng kỳ nhưng lại giảm 32,2% so với quý liền trước vì ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát và rủi ro suy thoái đến từ những thị trường xuất khẩu chính. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may cũng tăng nhẹ 0,3 điểm % chủ yếu do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Chi phí tài chính lại tăng mạnh lên gần 127% so với cùng kỳ đến từ khoản lỗ tỷ giá do nhập khẩu nguyên vật liệu cùng với nợ vay bằng USD.
Dễ dàng thấy được rằng, doanh thu và lợi nhuận ròng của ngành dệt may trong 9 tháng đầu năm đã lần lượt ghi nhận mức tăng 23,6% và 41% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, việc đồng Euro suy yếu đã khiến cho một số doanh nghiệp dệt may chịu lỗ lớn vì chênh lệch tỷ giá.
Hai giai đoạn của thị trường dệt may
Ngày 16/12, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tham gia Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2022. Tại đây, ông Trường cho biết, tổng cầu thị trường năm 2022 thay đổi lớn khi được chia thành 2 giai đoạn.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm dù vẫn có sự lo lắng về tình trạng chậm trễ của logistics, thế nhưng xu thế đặt hàng số lượng lớn tăng lên cùng với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu dệt may toàn cầu đã lên đến 40%. “Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được hiện tượng cầu co rút một cách đột ngột. Điều này khác với năm 2020 khi cầu đứng lại vì không có vận chuyển, còn 6 tháng cuối năm 2022 cầu lại co rút đột ngột do tâm lý bất an trên thế giới, không ai mua gì khiến cầu đứng lại. Điều này đã ảnh hưởng đến tất cả quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam”, ông Trường chia sẻ.
Chủ tịch Vinatex cũng lấy dẫn chứng cho biết, vào tháng 10 năm nay, dệt may Trung Quốc lần đầu tiên đã ghi nhận xuất khẩu giảm 13,6% trong hai năm qua. Đến tháng 11, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc tiếp tục giảm 5% so với tháng liền trước. Trong khi đó, Ấn Độ từ tháng 7 cho đến nay cũng giảm liên tục, riêng trong tháng 10 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng, ngành dệt may cũng giống như nhiều ngành công nghiệp khác đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm: dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, sức mua giảm, xung đột giữa nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Bên cạnh đó, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ cộng với thời gian giao hàng nhanh. Thậm chí, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất cũng như giao hàng trong vòng 5 đến 7 ngày, thế nhưng chất lượng lại đòi cao hơn, sử dụng vải có thành phần tái chế… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nhiều chính sách khác như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải.
Thế nhưng, bất chấp bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, ngành dệt may năm 2022 dự kiến đạt 44 tỷ USD, so với năm 2021 tăng 8,8%.
Hai kịch bản tăng trưởng của ngành dệt may năm 2023
Theo Chủ tịch Vitas, ngành dệt may trong năm 2023 được đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47- 48 tỷ USD còn kịch bản kém tích cực hơn một chút là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD.
Ông Giang cũng dự báo, tổng cầu dệt may thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý 3 và quý 4/2023. Ngoài ra, việc tận dụng các FTA và sự đa dạng của thị trường, các doanh nghiệp đã xuất khẩu đến 66 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây chính là lực đẩy cho các doanh nghiệp gia tăng sản xuất cũng như xuất khẩu trong thời gian tới. Dệt may Việt Nam cũng đang cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng ngày càng tăng cao; đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu và tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước, tiến tới chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.
Để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may, đại diện Vitas cho biết sẽ tiến hành đề xuất duy trì chính sách thuế VAT 8%; tung ra giải pháp hỗ trợ người lao động và ưu đãi về điện, xăng dầu, đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…
Trong khi đó, theo VNDirect nhận định, nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc vào năm 2023 sẽ giảm hơn nữa. Cụ thể, các chuyên gia tại đây cho biết: “Theo nghiên cứu thị trường của VNDirect, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm kể từ tháng 7/2022 vì lượng hàng tồn kho cao tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike… Theo báo cáo hàng quý mới nhất, Adidas và Nike có mức tăng mạnh lần lượt 44% và 35% so với cùng kỳ về lượng hàng tồn kho bởi sức tiêu thụ yếu”.
Đáng chú ý, báo cáo cũng dự báo giá của các nguyên liệu đầu vào như sợi cotton, sợi polyester trong năm 2023 sẽ giảm 1- 3% so với cùng kỳ bởi nhu cầu giảm kèm theo giá dầu và giá bông chững lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thách thức của nền kinh tế, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh lạm phát tăng cao nên chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có giá trị thấp hơn. Năm 2023, biên lợi nhuận của các công ty dệt may cũng sẽ giảm 0,8 -1 điểm % so với cùng kỳ.
VNDirect kỳ vọng, Trung Quốc sẽ sớm mở cửa nền kinh tế vào năm 2023 cũng như triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ tươi sáng hơn từ quý 3 năm tới do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU trong năm 2023 nhờ EVFTA. Bên cạnh đó, còn có một tín hiệu tích cực khác đến từ việc Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm tới sẽ giảm xuống 4,3%.