Hà Nội đề nghị tạm dừng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến chia tách thửa đất
BÀI LIÊN QUAN
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu thành lập, mở rộng 15 - 20 cụm công nghiệp mới Hà Nội bố trí trên 400 điểm xe đạp công cộng phục vụ người dânHà Nội sắp có thêm phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn số 1685 gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội liên quan tới việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất.
Trong thời gian qua, tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội xuất hiện tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ mua gom đất từ người dân ở trong các thôn, xóm, làng, xã ở các, phường ven đô rồi phân lô, bán nền. Tuy nhiên, số lượng người mua đất để ở lại rất ít, dẫn đến tình trạng “sốt đất ảo”, “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường bất động sản tại Thủ đô.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có những hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn các hành vi phân lô, bán nền “tùy tiện” vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đồng thời tạo tính minh bạch cho thị trường bất động sản Hà Nội.
Theo đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2.
UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, báo cáo, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất, đồng thời đề xuất kiến nghị về các nội dung: điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại đại phương… Các trường hợp không được phép tách thửa. Việc quản lý đối với thửa đất có dịch tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu và đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung trên diện tích đất không phải là đất ở.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ được phép tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thực hiện rà soát, báo cáo về các nội dung cụ thể: tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian từ 1/2017 – 1/2022 đối với thủ tục chia, tách thửa đất cho các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2. Đơn vị này cũng cần đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý đối với khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Trong thời gian qua tại các địa phương thực hiện “siết” việc phân lô, tách thửa như Khánh Hòa, Bình Phước,...
Liên quan đến thực trạng tách thửa, phân lô diễn ra tràn lan tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết nguyên nhân chính là do lệch pha cung cầu, nguồn cung không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các dự án chậm thực hiện do vướng mắc về thủ tục, có những chủ đầu tư dự án cố tình “om” dự án để đẩy giá lên cao mới triển khai, ra hàng. Từ đó dẫn tới tình trạng khan hàng nên người dân tách thửa, phân lô để bán nhất là ở các khu vực hạ tầng phát triển tốt. Hiện nay luật pháp chưa có chế tài đủ mạnh để điều chỉnh vấn đề này. Việc tách thửa, phân lô ở một số địa phương đã tạo ra những cơn sốt đất, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.
Do đó, các chuyên gia bất động sản kiến nghị cần sớm thúc đẩy điều chỉnh Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cho phù hợp với thực tiễn nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô, tách thửa “tùy tiện”.