Hà Nội bổ sung đồ án quy hoạch phân khu 4 khu công nghiệp
BÀI LIÊN QUAN
Tỷ lệ lấp đầy vượt trội: Bất động sản khu công nghiệp vẫn là “ngôi sao” của toàn thị trườngGS. Đặng Hùng Võ: Bất động sản khu công nghiệp vẫn là phân khúc phát triển theo kiểu "đi bộ" bình thườngChuyên gia dự báo loạt phân khúc “hái ra tiền” năm Quý Mão: Đất nền đô thị, bất động sản “ăn theo” khu công nghiệp hút dòng tiền đầu tưTheo congluan.vn, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-UBND về việc bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Danh mục được bổ sung gồm 4 đồ án quy hoạch phân khu của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Một là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Đông Anh, quy mô 300 ha, thuộc các xã Nguyên Khê, Thụy Lâm, Xuân Nộn, Liên Hà, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.
Hai là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, quy mô 302,8 ha, thuộc các xã Minh Trí, Tân Dân, huyện Sóc Sơn.
Ba là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp, quy mô 174,8 ha, thuộc các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên và Dũng Tiến, huyện Thường Tín.
Bốn là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, quy mô 112 ha thuộc các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở, Văn Phú, huyện Thường Tín.
Quyết định số 769 nêu rõ, yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức lập 4 quy hoạch nói trên. Dự kiến thời gian lập quy hoạch từ năm 2023 đến năm 2025. Trong giai đoạn lập quy hoạch xác định cụ thể ranh giới, quy mô các quy hoạch.
Tại Quyết định số 3339/QĐ-UBND ban hành trước đó, UBND TP Hà Nội ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030. Thời gian ủy quyền bắt đầu từ tháng 9/2022 đến hết tháng 12/2026. UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Hiện nay, có 10 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, các khu công nghiệp đều hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Các khu công nghiệp có vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần vào tiến trình đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thành phố trong thời gian tới.
Các khu công nghiệp góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất các địa phương của thành phố, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo việc phát triển các khu công nghiệp khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng hình thành khu công nghiệp tại những địa điểm, vị trí thuận lợi về giao thông thủy, bộ, có khả năng liên kết phát triển và thu hút đầu tư, có vai trò chủ đạo đối với việc phát triển công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương.
Quy hoạch phát triển công nghiệp của thành phố tập trung thu hút đầu tư từ các ngành nghề như công nghiệp điện, điện từ, công nghiệp cơ khí chế tạo, các ngành công nghiệp khác liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc, công nghiệp in.
Các khu công nghiệp của TP Hà Nội được đánh giá có cơ sở hạ tầng phát triển, trong đó có 4 dự án nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 22.420 chỗ ở, một phần đã được đưa vào khai thác sử dụng.
Trên toàn thành phố đã hoàn thành được 8.383 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ đến từ các dự án nhà ở công nhân như dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa; dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam; dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast (tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai); 1 dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Quang Minh đang được triển khai.