meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Còn thiếu trách nhiệm trong di dời các trụ sở ra ngoại thành

Thứ năm, 22/12/2022-15:12
Nhiều năm qua, việc di dời các địa điểm của Nhà nước vẫn còn chậm triển khai, nhiều cơ sở còn đủng đỉnh giữa việc đi và ở khiến cho Hà Nội còn gặp khó khăn trong việc quy hoạch, bổ sung các cơ sở hạ tầng mới.

Chứng kiến sự phát triển chóng mặt của Hà Nội trong nhiều năm đã kéo theo sự quá tải trong nội đô về nhiều mặt. Các cơ sở hạ tầng, đường xá, bệnh viện, trường học… không đáp ứng kịp với dân số không ngừng tăng lên. Điều này gây nên những tắc nghẽn giao thông, ùn tắc, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn,… Đây là một trong những gánh nặng với thành phố và gây bức xúc cho xã hội nhiều năm qua.

Thế nhưng dù đã có những phương án di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở nông nghiệp, trường đại học,… nhưng tiến độ di dời triển khai vẫn còn chậm trễ. Mặt khác, nhiều cơ sở còn đủng đỉnh giữa việc đi và ở, chưa triển khai đúng tiến độ. Thậm chí, xuất hiện tình trạng một số cơ sở dù đã di dời nhưng vẫn “bám trụ” đất vàng tại trụ sở cũ hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại mà không bàn giao quỹ đất cho TP. Hà Nội.

Chính những điều trên khiến cho việc quy hoạch cũng như bổ sung các cơ sở hạ tầng của thành phố gặp khó khăn, nhiều năm qua vấn chưa thực hiện xong. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã cuộc phỏng vấn GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.





GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Vừa qua, trong phiên Quốc Hội chất vấn Bộ xây dựng có ý kiến vấn đáp về công tác di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở nông nghiệp, trường đại học vẫn còn chậm triển khai. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Câu hỏi ngắn gọn như vậy cũng chỉ như xem xét một nhiệm vụ theo kiểu một chiều. Ở đây, chúng ta muốn tìm nguyên nhân, cần phải đi tới gốc rễ vấn đề.

Trong thời kỳ bao cấp, ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa cũ đều xây dựng kinh tế theo mô hình nhà nước chỉ huy tập trung, tức là nhà nước làm tất cả mọi việc. Trong mô hình kinh tế này, hầu hết các bất động sản đều là tài sản của Nhà nước, chỉ còn một lượng rất nhỏ nhà ở, các cơ sở tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ hàng quán gắn với nhà ở là của dân.

Khi thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế từ bao cấp sang thị trường thì việc chuyển một lượng bất động sản rất lớn từ khu vực công sang khu vực tư đương nhiên sẽ xảy ra. Nói cách khác, có một lượng lớn tài sản công được chuyển sang cho tư nhân sử dụng. Tài sản công có giá trị rất lớn nên sức cám dỗ rất cao. Gốc vấn đề nằm ở chỗ bán tài sản công cho tư nhân theo kiểu gì để công bằng về giá trị, khi đó ngân sách nhà nước có được nguồn thu cực lớn.

Nhà nước ta quyết định áp dụng cơ chế thị trường từ 1991. Thế nhưng, chính sách giải quyết tài sản công trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế lại được đưa ra quá chậm. Thủ tướng CP đã ban hành Quyết định 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 về việc sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, được sửa đổi, bổ sung sau 1 năm thực hiện (Quyết định 111/2002/QĐ-TTg ngày 21/8/2002). Sau 6 năm thí điểm, Thủ tướng CP mới ban hành Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 để áp dụng trên phạm vi cả nước (cũng được sửa đổi, bổ sung sau 1 năm triển khai theo Quyết định 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008).

Về xử lý tài chính, mãi tới 2005 Thủ tướng CP mới ban hành Quyết định 74/2005/QĐ-TTg ngày 6/4/2005 quy định về sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch.

Thế rồi mãi tới 2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về việc quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công áp dụng cho các loại tài sản thuộc phạm vi công sản. Rồi 4 năm sau Nghị định này được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021.


Hiện nay, còn nhiều trường đại học, trụ sở dù triển khai di dời đã lâu nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”. 
Hiện nay, còn nhiều trường đại học, trụ sở dù triển khai di dời đã lâu nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”. 

Như vậy, kể từ khi phải chuyển đổi cơ chế kinh tế (1991), chúng ta phải mất 30 năm mới có được một Nghị định về chuyển dịch cần thiết đối với nhiều tài sản từ khu vực công sang khu vực tư. Việc di dời nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính, sự nghiệp từ các địa điểm có lợi thế kinh doanh sang những địa điểm phù hợp chỉ là một trường hợp của quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra, trong đó hệ thống pháp luật không kịp điều chỉnh làm cho nguồn lực tài chính của Nhà nước bị thất thoát lớn.

Như vậy, sự chậm chạp chỉ ra trong câu hỏi chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng có nguyên nhân sâu xa là lợi ích từ tài sản công sẽ thuộc về ai. Ngoài ra, cũng có nhiều nguyên nhân trực tiếp nữa như pháp luật đặt ra việc phải làm nhưng không có chế tài mạnh để giải quyết khi không thực hiện. Mỗi trường hợp chậm triển khai đều có “hàng tá” lý do để giải trình. Ở Việt Nam, rất nhiều trường hợp người sử dụng đất và chủ nhà trên đất thuộc khu vực công là thực thể trên trung ương, nhưng người quản lý đất đai lại thuộc thẩm quyền địa phương, vậy địa phương làm sao dám “ép mạnh” trung ương thực hiện.

PV: Cụ thể, là sau hơn 20 năm, Đại học Quốc Gia Hà Nội mới chính thức học tập ở cơ sở mới tại Hòa Lạc, trong khi vẫn còn nhiều trường đại học dù triển khai lâu nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” đã nói lên điều gì?

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Tôi cũng là thầy giáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội từ 1996, tại Khoa Địa Lý, Đại học Khoa học tự nhiên. Tôi cũng được nhiều đời lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội hỏi ý kiến về câu chuyện chuyển về địa điểm mới.

Địa điểm mới của Đại học Quốc gia Hà Nội tại khu vực Hòa Lạc vốn là đất xưa của Nông trường 1A, vị trí khá đẹp, rộng rãi, đủ điều kiện để xây dựng một làng đại học hợp chuẩn mực quốc tế. Đất thì được Nhà nước giao rồi, nhưng kinh phí xây dựng không được giao. Thế là mọi việc rối như tơ vò, mà người dân lấn chiếm đất đai hàng ngày.

Tôi có hiến kế rằng lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội hãy cắt cử nhau đi các trường đại học danh tiếng nước ngoài tìm kiếm một vài nguồn hợp tác đào tạo. Mình có đất, họ có kinh phí xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, để từ đó giá đất tăng dần mà tạo được vốn cho Đại học của ta phát triển. Sự thực, cách làm này cũng kỳ công và vất vả, cần một quyết tâm cao.

Vừa rồi, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định phải chuyển từng bước. Đây cũng là một phương án tốt. Cứ làm đã, khi bán được cơ sở cũ nào ở Hà Nội là có tiền để di chuyển tiếp. Như vậy, để di chuyển địa điểm cần có quyết tâm và một kế hoạch khả thi.  

PV: Mặt khác, dù nhiều cơ sở đã xây dựng cơ sở 2, trụ sở 2 như bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức nhưng lại để hoang, nhiều người dân sốt ruột khi hàng nghìn tỷ lãng phí?

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Chúng ta đã nói ở trên về câu chuyện ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Đúng là trong một số trường hợp như ở các bệnh viện lớn, đã có kinh phí xây dựng cơ sở 2 nhưng cơ sở đó lại chưa được vận hành, có biểu hiện lãng phí. Ở đây đang lộ rõ sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện chủ trương di dời địa điểm của Nhà nước. Vấn đề nằm ở chỗ dù được cơ sở mới rồi nhưng vẫn không muốn “buông” cơ sở cũ. Ở đây, có bản chất liên quan đến giá trị của các bất động sản tại các khu đất vàng, thậm chí kim cương. “Buông” ra thì tiếc nên cố níu kéo ngày nào hay ngày đó, thậm chí vẫn thuyết minh bệnh viện vẫn cần cả 2 cơ sở.


Việc bố trí lại dân cư đô thị sẽ tạo hiệu quả trong giảm tắc đường, thiếu hụt cấp nước sạch, ùn tắc nước mưa...
Việc bố trí lại dân cư đô thị sẽ tạo hiệu quả trong giảm tắc đường, thiếu hụt cấp nước sạch, ùn tắc nước mưa...

Do không có chế tài nên khó có thể giải quyết dứt điểm. Tài sản công lại lãng phí khi chủ trương sắp xếp lại việc sử dụng đất trong khu vực công vẫn bế tắc trong nhiều trường hợp. Như trên đã nói, các bệnh viện lớn đều thuộc trung ương, ai cũng nghĩ cũng có lúc mình phải cậy nhờ nên cũng khó mạnh tay.    

PV: Việc chậm di dời trên có phải là nguyên nhân khiến đô thị Hà Nội ngày càng trở nên méo mó vì ùn tắc, quá tải, ngập lụt, thưa ông?

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Đúng như vậy, chủ trương chung của ta là phải chuyển các tổ chức sự nghiệp đông người, trong đó các các trường đại học, trường nghiệp vụ, viện nghiên cứu, bệnh viện, v.v… từ những khu phố đông người tới các thành phố vệ tinh để tạo nên sức sống đô thị cho các thành phố vệ tinh, đồng thời làm giảm dân số đang cư ngụ tại các khu phố sầm uất có khả năng thương mại cao. Đây là một giải pháp tổ chức lại đô thị, bố trí lại dân cư đô thị để tránh đi khả năng hạ tầng đô thị không đáp ứng cho số cư dân quá cao.

Tất nhiên, bố trí lại dân cư đô thị cũng tạo hiệu quả ngay trong giảm tắc đường, thiếu hụt cấp nước sạch, ùn tắc nước mưa... Thêm nữa, thực hiện chủ trương này thật triệt để mới có thể đủ điều kiện phát triển xanh và phát triển thông minh cho các đô thị lớn ở nước ta. Những bước di dời như vậy cũng chỉ là giải pháp đầu tiên, còn nhiều việc nữa phải làm trong cải tạo đô thị nước ta có liên quan đến nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng môi trường.

PV: Không ít ý kiến cho rằng còn chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ sử dụng trước đó, theo ông nên xử lý như thế nào để phù hợp?

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Sự thật, những ý kiến cho rằng cơ chế xử lý đối với trụ sở cũ chưa rõ cũng chỉ đúng khi chưa có quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Khi quy hoạch đô thị được duyệt rồi thì cứ theo quy hoạch đô thị mà thực hiện. Khi quy hoạch nói rằng tại đó có thể thực hiện dự án nhà ở để bán thì cho phép lựa chọn một dự án nhà ở phù hợp. Khi quy hoạch đô thị nói rằng tại đó phải phát triển hạ tầng cho đô thị thì phải xét duyệt các dự án phát triển hạ tầng. Thậm chí, khi quy hoạch đô thị nói rằng đây phải là khoảng xanh vì môi trường thì cũng phải quyết định làm hạ tầng môi trường ở đó.


Cần những giải pháp để thực hiện chính sách di dời trụ sở các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước một cách hiệu quả.
Cần những giải pháp để thực hiện chính sách di dời trụ sở các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước một cách hiệu quả.

Tóm lại, việc sử dụng khu đất của trụ sở cũ làm gì hoàn toàn do quy hoạch đô thị quyết định. Trong trường hợp việc di dời liên quan nhiều tới cơ chế tài chính thì cũng có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp với khả năng thực hiện.

PV: Theo ông, thì cần giải bài toán này như thế nào để phát triển đô thị hiệu quả?

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Rất cần những giải pháp để thực hiện chính sách di dời trụ sở các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước. Đặc biệt là cần có những chế tài để giải quyết dứt điểm vấn để này.

Cần có những phương tiện giao thông thuận lợi để việc di chuyển từ các trụ sở ban ngành, bệnh viện, trường học sau khi chuyển ra ngoài ngoại đô có thể di chuyển dễ dàng vào nội đô.

Việc quy hoạch dựa trên phân tích hiện trạng và tiềm năng tại đô thị đang xem xét để có phương án phát triển đô thị hiệu quả. Mặt khác quy hoạch cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp để thực hiện được chính sách di dời trụ sở của các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính, sự nghiệp của Nhà nước.

Châu Sa
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Đất DHT là gì? Người dân có nên đầu tư vào đất DHT hay không?

Chung cư tiếp tục dẫn đầu giao dịch trên thị trường bất động sản

Ồ ạt bỏ cọc sau khi trúng giá cao: Chuyên gia đề xuất "thuốc đặc trị"

Đưa tình trạng ngập úng vào tiêu chí định giá đất: Một số “khu nhà giàu” có trở nên bớt "nóng"?

“Tắc” hồ sơ đất đai: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đất TSC là gì? Đất TSC có được cấp sổ đỏ hay không?

Đất RSX là gì? Điểm đặc biệt trong quy định sử dụng đất RSX

Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục chạm đáy trong tháng 8

Tin mới cập nhật

Thanh Hóa ra "tối hậu thư", yêu cầu khởi công TTTM Aeon Mall trước ngày 10/10

10 giờ trước

Tòa nhà chọc trời cao tầng nhất TP. HCM "soán ngôi" Landmark 81: Tựa cây tre vươn dài và sở hữu một khu rừng lơ lửng trên không

10 giờ trước

Tập đoàn của ông Donald Trump muốn "rót vốn" đầu tư khách sạn, sân golf tại Hưng Yên

10 giờ trước

16 năm mới hoàn thành một nửa, lần gia hạn thứ 7 liệu có xong trục đường phía Nam Hà Nội

10 giờ trước

Ngôi nhà 3,5 tầng ở Hà Nội không có giếng trời vẫn ngập tràn ánh sáng

10 giờ trước