Giữa tháng 5, lãi suất tiết kiệm nhóm Big4 không quá 7,5%/năm
BÀI LIÊN QUAN
Hết thời tăng, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy độngLãi suất liên ngân hàng các kỳ ngắn hạn biến động mạnh Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao hơn lãi suất kỳ hạn trên 12 thángLãi suất huy động tiếp đà giảm
Theo Dân Trí, trong vòng ba tháng gần đây, lãi suất huy động đã trượt đỉnh. Đầu tháng 4, sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, một loạt các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Đến cuộc họp với Thủ tướng hồi cuối tháng 4, các ngân hàng có vốn nhà nước đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Giữa tháng 5, các ngân hàng Big 4 mà các ngân hàng tư nhân cũng liên tục công bố biểu lãi suất mới giảm so với mức lãi suất cũ.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh Big 4 gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay không quá 7,5%/năm. Cụ thể, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) mới đây đã giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Các kỳ hạn từ 1 - 2 tháng mức lãi suất hiện tại là 4,6%/năm; các kỳ hạn 3 - 5 tháng mức lãi suất là 5,1%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn. Ở kỳ hạn từ 1 - 2 tháng, mức lãi suất tiền gửi của nhà băng này giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống còn 5,1%/năm. Ở hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 7,4%/năm xuống 7,2%/năm.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm còn 7%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn hơn như 1 - 2 tháng mức lãi suất tiền gửi của nhà băng này hiện là 4,6%/năm; kỳ hạn từ 3 - 5 tháng là 5,1%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn 1 - 5 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; kỳ hạn từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không có sự thay đổi.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, hàng loạt nhà băng tham gia cuộc đua giảm lãi suất huy động. Mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được ghi nhận tại ABBank. Mức lãi suất trên 8,5% cũng chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng là Viet A Bank (8,7%/năm) và VietBank (8,6%/năm).
Tại Ngân hàng VPBank, các kỳ hạn gửi trên 12 tháng có mức lãi suất tiền gửi đồng loạt giảm 0,2 điểm %. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 15 - 36 tháng giảm về 7,2%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất cao nhất rơi vào các kỳ hạn 8 tháng, 9 tháng, với mức 8%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên giảm từ 0,1-0,2%/năm. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này hiện là 7,8%/năm, dành cho kênh tiền gửi tiết kiệm điện tử với kỳ hạn 12 tháng.
Không nằm ngoài xu hướng chung, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tiến hành giảm 0,2%/năm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay của ngân hàng này đang là 7,6%/năm, áp dụng cho khách hàng VIP1 với số tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), từ ngày 10/5 giảm lãi suất tiền gửi từ 0,4 - 1,2%/năm với các kỳ hạn trên 6 tháng. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này hiện là 8,2%/năm dành cho khách hàng của kênh tiết kiệm online, với các kỳ hạn 9, 12, 13, 15 tháng.
Tại ngân hàng MSB, từ ngày 12/5 giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất của ngân hàng này hiện là 8,3%/năm, dành cho khách hàng tham gia tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến sản phẩm “Lãi suất đặc biệt”, với các kỳ hạn 12, 15 và 24 tháng.
Tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất từ đầu tháng 5 đã giảm 1 - 2%/năm. Chốt ngày 12/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,91% (-0,07 % so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 4,96% (-0,14 %); 2 tuần 5,04% (-0,14 %); 1 tháng 5,23% (-0,10 %). Mức lãi suất liên ngân hàng duy trì ở ngưỡng cao phản ánh tính thanh khoản của hệ thống ở trạng thái khá hạn chế. Tuy nhiên, mức lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt cho thấy sự dồi dào thanh khoản. Việc các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động cho thấy thị trường đang dư thừa thanh khoản. Ngân hàng huy động vốn vào nhiều nhưng không thể cho vay ra tương ứng.
Tính đến 20/4, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 2,57%, tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%). Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng trong quý I tăng thấp do doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tạo đà giảm lãi suất cho vay
Trong giai đoạn cao điểm hồi giữa tháng 1, hầu hết ngân hàng tư nhân đều niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng, thậm chí một số ngân hàng tư nhân nhỏ còn tăng lãi suất tiết kiệm lên 10-12%/năm. Từ chỗ neo lãi suất huy động ở mức cao, động thái giảm lãi suất chỉ thật sự diễn ra mạnh mẽ sau 2 lần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. Xu hướng giảm lãi suất huy động đã được các chuyên gia, công ty chứng khoán dự báo giảm và đây sẽ là xu hướng chung của năm nay. Tại một hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng hé lộ việc có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành, nhằm hạ lãi vay. Trên cơ sở này, lãi suất huy động có thể sẽ còn giảm tiếp.
Theo báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán mới đây đều cùng chung nhận định, trong thời gian tới, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay.
Con số trên được đưa ra dựa trên nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6-6,1%/năm (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn lãi suất cho vay từ 9-9,2%/năm. Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này vẫn còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian tới, điều này cũng kéo lãi suất cho vay giảm theo.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với đà giảm lãi suất thì trong tháng này lãi suất cho vay có thể giảm ngay. Ông Thịnh kỳ vọng lãi suất trên thị trường trong nước sẽ giảm 1,5-2% cả ở huy động và cho vay vào thời điểm đầu tháng 5.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng có cùng quan điểm, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ giảm về mức 7% trong năm nay vì nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm.
Trong khi đó, một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng, dư địa giảm lãi suất trong thời gian tới vẫn còn nhưng cũng cần tính toán hợp lý để vừa tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, tránh dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư rủi ro.