Giới kinh doanh cho thuê văn phòng, căn hộ “ngấm đòn đau” vì Covid-19
Ngấm đòn đại dịch
Vừa cầm chiếc khăn ướt lau lại bàn lễ tân, anh Dương Minh Hùng, một người chuyên cho thuê văn phòng, căn hộ vừa lắc đầu về tình hình kinh doanh của mình. “Cứ thế này chắc phá sản mất”, anh Hùng nói với phóng viên.
Anh Hùng kể, năm 2015, anh bắt đầu đặt chân vào nghề cho thuê văn phòng, căn hộ. Ban đầu, anh chú trọng vào việc tìm kiếm những căn nhà có vị trí đẹp, gần khu công sở để thuê dài hạn. Khách hàng anh nhắm đến là những chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
“Mỗi khi có dự án mới, tôi lại tìm cách bắt mối với ban quản trị để xác định được người nào mua để ở, người nào mua đầu cơ. Sau đó, tôi lấy số điện thoại của người mua đầu cơ để hỏi thuê lại. Khi thuê, được, tôi sang sửa cho đẹp rồi bắt đầu cho thuê lại. Tôi thường đăng ở các hội nhóm người nước ngoài sang Việt Nam làm việc”, anh Hùng chia sẻ.
Khi thuê những căn nhà này, anh Hùng thường làm hợp đồng rất kỹ với chủ nhà. Điều tiên quyết là chủ nhà phải cho thuê thời gian ít nhất 2 năm. Bởi chừng ấy thời gian anh mới lấy lại được số tiền sang sửa nhà và bắt đầu có lãi. Hợp đồng làm việc với chủ nhà, anh Hùng thuê theo căn hộ, tuy nhiên, khi đã sang sửa và nâng cấp căn nhà, anh cho khách nước ngoài thuê theo m2. Số tiền chênh lệch hàng tháng cũng khá lớn.
Anh Hùng nói: “Khách nước ngoài như Anh, Mỹ, Nhật… họ rất thích thuê tại những khu vực gần phố cổ. Tuy nhiên, khách Hàn Quốc thì thích ở khu Cầu Giấy (gần tòa nhà Keangnam) hoặc khu Đào Tấn, Kim Mã. Có người thuê 6 tháng, 1 năm hoặc ký hợp đồng luôn 2 năm, tùy theo thời gian công tác của họ. Hiện nay, tại mỗi quận, tôi đều có ít nhất 5 -10 căn hộ cho thuê. Thời điểm trước dịch, có tháng trừ đi chi phí, khấu hao, tiền đầu tư chia trùng bình tôi kiếm được 200-300 triệu đồng”.
Tuy nhiên, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, anh mất đi khoảng ¾ doanh thu. Nhiều căn hộ luôn trong tình trạng trống, chẳng ai thuê. “Không những không thu được tiền mà còn phải đóng tiền thuê nhà, phí dịch vụ, phí đỗ xe hàng tháng. Lỗ chồng lỗ”, anh Hùng ngán ngẩm.
Chung cảnh ngộ, anh Đỗ Quang Hội, Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh bằng việc cho thuê văn phòng cũng đang phân vân về việc có nên “gồng lỗ” ½ số lượng văn phòng mình đã đầu tư nhưng “ế khách” suốt hơn 1 năm qua.
Anh Hội cho biết, vì đặc thù là văn phòng nên anh phải thuê được vị trí đẹp, rộng rãi. Kinh phí đầu tư cũng khá lớn vì phải phối cảnh đẹp, nội thất sang trọng, bởi các đơn vị thuê lại chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. “Tôi kinh doanh cho thuê 2 loại hình văn phòng. Thứ nhất là loại hình văn phòng thuê dài hạn. Thứ hai là loại hình văn phòng thuê theo giờ. Trước dịch, hai loại hình này đều kinh doanh khá ổn, thường xuyên full lịch. Tuy nhiên, từ khi làn song Covid-19 thứ 2 tràn đến, chúng tôi bắt đầu bị ảnh hưởng. Và giờ đây thì ngấm đòn thực sự. Hiện tại, loại hình văn phòng dài hạn bị sụt giảm 60% trong khi đó văn phòng thuê theo giờ thì coi như mất trắng khách”, anh Hội thông tin.
Câu chuyện của anh Hùng và anh Hội chỉ là hai trong số rất nhiều người lâu nay kinh doanh bằng nghề cho thuê văn phòng, căn hộ hiện nay. Chính vì thế, trên mạng có rất nhiều người rao nhượng cho thuê lại căn hộ hoặc văn phòng mà chưa hết hạn trả cho chủ nhà. Đó là những người không có khách muốn nhượng lại để thu hồi tiền.
Không đủ lực để tiếp tục “gồng lỗ”
Quay trở lại câu chuyện của anh Hùng, người này nói rằng, dịch bệnh đã khiến cho các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc. Chính vì vậy, nhiều người chấp nhận chịu phạt để thanh lý hợp đồng thuê. Còn không ít chuyên gia được công ty bố trí luôn chỗ ăn ở tại công ty để tránh tiếp xúc nhiều với người ngoài.
Trong khi “ế khách” thì chủ nhà chỉ miễn tiền thuê nhà cho 1 tháng hoặc giảm cho 20% trong tháng thứ hai. Thậm chí có chủ còn không giảm vì tiền nhà anh Hùng đã chuyển trước 1 năm một lần.
“Tôi đang tính nếu hết quý 1, tình hình này vẫn diễn ra thì tôi sẽ trả lại bớt nhà, chấp nhận lỗ. Chứ không đủ lực để “gồng lỗ” mãi được. Mỗi tháng giờ tôi bù lỗ khoảng 150 triệu đồng. Đó là còn đã cắt hết nhân sự làm thuê. Tôi làm ăn nhỏ đã lỗ thế thì những doanh nghiệp làm ăn lớn, có vài tram đến vài nghìn căn hộ cho thuê chắc cũng phải trên bờ vực phá sản. Tôi đang tính đợi đến khi dịch dã ổn mới bắt đầu mở rộng như trước đây. Tiền sửa sang nhà coi như mất 2/3, bởi đồ đã sử dụng thì rất khó bán hoặc phải bán với giá rẻ ngang bán đồng nát”, anh Hùng tâm sự.
Trong khi đó anh Hội nói rằng khách đặt thuê văn phòng tại công ty anh nhiều đơn vị đã thanh lý hợp đồng. Dịch bệnh làm ăn khó khăn, họ thu hẹp lại văn phòng hoặc chuyển đến vị trí xa trung tâm hơn để thuê cho rẻ. “Tôi có mấy văn phòng tại đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội) trước đây cho thuê 10 USD/m2 nhưng bây giờ giảm xuống 6 USD mới có người thuê. Trong khi đó, hầu hết các văn phòng khác đều phải treo biển tìm khách. Vì đầu tư quá nhiều nên phải cầm cự bằng tiền tích lũy của công ty trước đó. Nhưng có lẽ cũng không trụ được lâu nữa”, anh Hội than vãn.
Anh Hội nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh văn phòng cho thuê phải kéo dài ít nhất đến quý 3 hoặc đầu quý 4. Mặc dù Việt Nam đã tiêm phủ vắc xin, các hoạt động kinh tế đã phần nào trở lại guồng quay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, chưa thể phục hồi.
Trước đó, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Công ty Winhousin cho biết năm 2022 và những năm tới, tiềm năng bất động sản văn phòng tại Việt Nam rất lớn và có tín hiệu tích cực.
Ông Thắng nói rằng, điều đầu tiên để đưa ra nhận định này chính là Việt Nam đã tiêm phủ vắc xin 2 mũi, một số người tiêm mũi 3 và chuẩn bị tiêm mũi 4. Bên cạnh đó, trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi cũng đang trong giai đoạn sắp được tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, nhiều chính sách tích cực từ Chính phủ thu hút vốn đầu tư ngoại cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam đầu tư. Các công xưởng, nhà máy, công ty sẽ đến Việt Nam xây dựng, lập ra các văn phòng, chi nhánh. Đây là điều kiện cho bất động sản văn phòng phát triển.