Giao đất qua đấu thầu, đấu giá sẽ loại bỏ việc “ôm đất” rồi bỏ hoang
BÀI LIÊN QUAN
Bản tin BĐS 11/8/2022: Đề xuất giao đất qua đấu thầu, đấu giáHòa Bình phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất của hơn 30 dự án trên địa bàn tỉnhBà Rịa - Vũng Tàu giao trách nhiệm cho từng sở ngành chấn chỉnh hoạt động đấu giá đấtĐất giao phải được thông qua đấu thầu, đấu giá
Trong nhiều năm qua, tình trạng "ôm" đất dự án rồi bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực xã hội có thể bắt gặp ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo Bộ TN&MT cho biết, hiện trên cả nước tới trên 3.200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích lên tới 85.200 ha. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, dựa vào kết quả giám sát của HĐND TP cho thấy, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn có gần 400 dự án trong tình trạng chậm triển khai rải rác ở khắp các quận, huyện, ngay cả những dự án tọa lạc khu vực trung tâm TP được xem là “đất vàng” nhưng cũng nằm đắp chiếu hàng chục năm gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước và tạo ra làn sóng bức xúc trong dư luận.
Còn tại TP.HCM, tính đến năm 2021, TP.HCM đã có 2.900 dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, số dự án đã thực hiện là hơn 1.500; số dự án đang thực hiện là hơn 870; dự án chưa thực hiện là gần 620. Trong tổng số các dự án chưa thực hiện, UBND TP.HCM đã xử lý gần 170 dự án gồm 108 dự án huỷ bỏ theo văn bản số 4289 ngày 6/12/2020 của UBND TP.HCM, không thuộc trường hợp HĐND TP thông qua; có hơn 60 dự án thuộc trường hợp HĐND TP huỷ bỏ và được chấp thuận tại Nghị quyết 64 năm 2020. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tiếp tục rà soát các dự án còn lại. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang có đề án nghiên cứu và đang xin ý kiến với các khu đất treo lâu, sẽ thống kê thu hồi, bán đấu giá theo quy định pháp luật.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhiều dự án chậm triển khai là do giao đất không qua đấu thầu đấu giá, không thẩm định được năng lực của chủ đầu tư khiến các dự án vẫn ì ạch.
Trước tình hình đó, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đầu thầu đất đai. Đây cũng là nội dụng mà nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi quy định mới này sẽ trực tiếp tác động đến việc tìm kiếm quý đất để xây dựng dự án.
Giới chuyên gia cũng đánh giá, dự thảo này đã phân định rõ ràng các trường hợp giao đất. Cụ thể, qua đấu thầu, đấu giá hoặc không qua đấy thầu, đấu giá, tránh trường hợp bỏ sót. Dự thảo cũng quy định rõ, 10 trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất còn lại sẽ phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Chuyên gia nói gì?
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định trường hợp đấu giá đất, trường hợp không phải đấu giá đất và không có quy định đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ dự kiến đưa vào có trường hợp không phải đấu giá đất và trường hợp phải đấu thầu dự án có sử dụng đất.
“Dự án đấu giá đất sẽ áp dụng với các dự án đã giải phóng mặt bằng có sử dụng đất đối đất ở, đất thương mại dịch vụ. Còn đối với các dự án khác, có thể đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đặc biệt là những dự dự án có quy mô lớn và là điểm nhấn công trình ", PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tuy quy định mới bắt buộc hầu hết các dự án nhà ở thương mại đều phải thông qua đấu thầu, đấu giá. Quy định sẽ khắt khe hơn, chặt chẽ hơn, nhưng đây là sự cần thiết cho thị trường chung.
"Là một cuộc đua công bằng thì các doanh nghiệp phải cùng nhau thi đấu, qua đó thể hiện năng lực của bản thân mình, một cách công khai, minh bạch. Đây cũng là biện pháp công bằng, bền vững hơn so với cơ chế xin, cho gây nhiều tranh cãi còn tạo nhiều kẽ hở cho tham nhũng, tham ô" - đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.
Trao đổi với phóng viên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, mỗi dự án đều được sự quản lý theo nhiều quy định của pháp luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch… Khi mỗi dự án bỏ hoang đều bị xử lý theo đúng quy định.
Cụ thể, theo Luật Đầu tư quy định, nếu dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư hay chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư làm chậm, dự án đã được gia hạn hoặc điều chỉnh nhưng vẫn không thực hiện thì buộc dự án phải ngừng, hoặc chấm dứt. Sau một thời gian để khắc phục nếu không thực hiện thì sẽ bị thu hồi.
Trong khi đó, theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, tại Khoản 1 Điểm i quy định chậm tiến độ sử dụng đất, cũng tương tự được gia hạn và nộp thêm tiền sử dụng đất trong 24 tháng đó. Nếu 24 tháng tiếp tục chậm thì sẽ thu hồi đất và không bồi thường về đất. Ví dụ, giao đất 50 năm nhưng sau 5 năm không triển khai, không đưa đất vào sử dụng và đã cho gia hạn nhưng không thực hiện thì sẽ thu hồi.
“Hậu quả của việc chậm triển khai đưa đất sẽ khiến việc sử dụng đất không hiệu quả, gây bức xúc dư luận khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời sẽ tạo nên sự không công bằng đối với các dự án, các tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ” – Luật sư Cường nói.
Việc áp dụng cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá sẽ hạn chế được việc lợi dụng chỉ định gây thất thoát ngân sách Nhà nước tránh tạo tra tham nhũng lãng phí. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư không thuộc đối tượng đấu thầu được tham gia.
"Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu thầu đấu giá… sẽ đánh thẳng vào tình trạng ôm đất dự án rồi bỏ hoang của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên để đi vào cuộc sống, cần phải khẩn trương cụ thể bằng luật, bằng chính sách và triển khai nhanh chóng tại các cấp địa phương" - Luật sư Cường đánh giá.