Giảm giá để kích cầu, thị trường bia Tết vẫn trầm lắng
BÀI LIÊN QUAN
Các doanh nghiệp bất động sản đang cố giữ nhiệt cho thị trường cận Tết?Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn bung hàng cận Tết bất chấp khó khăn của thị trườngDoanh nghiệp phải “đau đầu” vì sức mua hàng Tết vẫn chưa phục hồiCận Tết năm nay, dù các hãng bia và nhà phân phối bia đã chuẩn bị từ sớm, thế nhưng đến nay nhu cầu thị trường của mặt hàng này vẫn còn khá thấp. Đặc biệt trong dịp Noel vừa qua, tình hình tiêu thụ bia ở các siêu thị đã chậm hơn đáng kể khi so sánh với các năm trước.
Mức tiêu thụ “nhỏ giọt”
Liên quan đến tình trạng này, đại diện Công ty TNHH Sapporo Việt Nam (bia Sapporo) giải tích, tâm lý lo ngại trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái cùng với việc doanh nghiệp xuất khẩu bị cắt giảm đơn hàng đã khiến cho một bộ phận người lao động bị mất việc hoặc giảm thu nhập, dẫn đến xu hướng cắt giảm chi tiêu. Vị đại diện này tiết lộ: “Không chỉ tiêu thụ bia ở các cửa hàng và đại lý, siêu thị… giảm xuống, các kênh nhà hàng, khách sạn cũng ghi nhận doanh số giảm sút so với cùng kỳ năm trước”.
Năm nay, tình hình tiêu thụ bia chưa được tích cực còn do một nguyên nhân khác. Từ đầu năm cho đến nay, các hãng sản xuất đã điều chỉnh giá từ 2 - 3 lần, lần thứ nhất vào tháng 4, lần hai vào tháng 9 và lần gần nhất là vào tháng 11. Sau khi điều chỉnh, giá của mặt hàng này đã tăng thêm khoảng 10% khi so với năm trước. Điều này cũng khiến đà tiêu thụ mặt hàng chủ lực trong mỗi dịp Tết này giảm xuống.
Đáng chú ý, theo phân tích của một nhân viên kinh doanh thuộc một hãng bia lớn tại TP.HCM, thông thường sau một đợt điều chỉnh giá bia từ nhà máy, thị trường này sẽ mất khoảng 3 tuần cho đến 1 tháng để tiêu thụ hết lượng bia tồn trước khi tăng giá. Sau đó, mức giá này sẽ được tiến hành tăng theo lộ trình, với mục đích để người tiêu dùng không bị bất ngờ. Cho đến nay, những loại bia phổ biến cũng đã được bán với mặt bằng giá mới. Tùy theo tín hiệu của thị trường mà các đại lý sẽ linh động điều chỉnh tăng hay giảm sao cho phù hợp.
Theo quản lý ngành hàng bia của một hệ thống siêu thị khá lớn tại TP.HCM, nếu như vào cùng kỳ những năm trước, các mẫu bia xuân đã “cháy hàng”, doanh nghiệp hay khách lẻ nếu muốn tìm mẫu bia xuân làm quà biếu tặng là rất khó. Thế nhưng năm nay đã khác, trong kho của siêu thị hiện vẫn còn hơn 1.000 thùng bia mẫu xuân các loại.
Vị quản lý này cũng cho biết, khách chủ yếu chỉ mua ít trong khoảng 1-2 thùng để uống, 5-10 thùng là đã nhiều lắm rồi. Trong khi đó, khách doanh nghiệp mua 100-200 thùng để làm quà Tết rất ít ỏi. Khi được hỏi lý do, đa số khách hàng đều trả lời là do kinh tế khó khăn. “Doanh nghiệp cắt giảm chi phí quà tặng cuối năm nên mặt hàng bia đã không còn được ưu tiên như trước. Ngoài ra, khách lẻ trong giai đoạn này cũng chưa vội mua sắm nhiều bởi còn chờ lương và thưởng Tết để cân đối chi tiêu”, người này cho biết thêm; đồng thời dự đoán sức mua đối với bia có thể tăng vào 10 đến 15 ngày trước Tết.
Điều đáng nói, theo các nhà kinh doanh phân khúc bia ngoại cao cấp lại xảy ra tình trạng hút hàng đối với một số dòng sản phẩm nhất định. Nguyên nhân bởi, logistics toàn cầu vẫn chưa trở lại bình thường và ảnh hưởng đến việc nhập khẩu. Vì thế, bia nhập khẩu hiện vẫn chưa về kịp hoặc về khá ít, dẫn đến tình trạng khan hiếm và tăng giá. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, đây là phân khúc hẹp và chỉ phục vụ cho nhóm khách có thu nhập cao mua về để dùng hay biếu tặng, thế nên mức ảnh hưởng không quá lớn.
Đại lý không dám “ôm” hàng
Theo chủ đại lý bia nước ngọt tại quận 1, năm nay không đại lý nào dám trữ hàng quá nhiều. Các đại lý đều đã rút kinh nghiệm từ năm trước, đồng thời nhận ra tiêu thụ bia mùa Tết đã không còn thuận lợi nên đã tính toán kỹ càng khi nhập hàng. Nếu không, họ sẽ rơi vào tình trạng hàng hóa bị ứ đọng, không thể tiêu thụ hết.
Một chủ đại lý bia nước ngọt ở trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 cho biết, vào khoảng chục năm trước việc buôn bán bia Tết vừa lời lãi nhiều vừa bán được số lượng lớn. Cho đến vài năm nay, mặt hàng này đã được bày bán ở khắp nơi, từ cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích cho đến siêu thị, mức giá ổn định và thậm chí còn được giảm giá và tặng thêm quà. Vì thế, các đại lý không dám tự ý đẩy giá cao và cũng không trữ hàng với số lượng lớn. Thay vào đó, họ sẽ phải cân đối sao cho vừa đủ bán là được.
Trong bối cảnh sức mua chậm như năm nay, những siêu thị cho đến cửa hàng đều đã chủ động giảm giá để kích cầu. Theo như ghi nhận tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP.HCM, sản phẩm bia Tiger loại thùng 12 lon (mỗi lon 500ml) đã giảm từ 275.000 đồng xuống còn 255.000 đồng/thùng, bia Việt loại thùng 12 lon từ 135.000 đồng đã giảm còn 123.000 đồng trong khi Strongbow mua 4 tặng 1.
Ngoài ra, ở nhiều siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.opFood, sản phẩm bia Tiger (loại 24 lon) cũng đã từ 374.500 đồng xuống còn 366.000 đồng/thùng, bia Larue giảm từ 262.600 đồng/thùng xuống còn 199.000 đồng/thùng, sản phẩm bia Tiger Crystal cũng được hạ giá 3.000 đồng xuống còn 394.000 đồng, bia Heineken giảm 1.400 đồng xuống còn 432.000 đồng/thùng, Heineken bạc cũng điều chỉnh giảm 9.000 đồng xuống còn 443.000 đồng/thùng.
Tại một số siêu thị khác như MM Mega Market, Emart... cũng đang áp dụng giảm giá cho rất nhiều loại bia nhưng mức giảm đang thấp hơn. Tuy nhiên, riêng ở MM Mega Market, bia Heineken đang được giảm giá từ 445.000 đồng xuống còn 426.000 đồng/thùng. Tuy nhiên, mỗi khách chỉ được mua giới hạn 3 thùng là tối đa. Còn với những đại lý ở bên ngoài, giá bán bia dù không giảm nhưng chỉ cao hơn một chút so với mức giá đã giảm trong các siêu thị. Ví dụ như, giá mỗi thùng bia Heineken là 434.000 đồng trong khi Heineken bạc có giá 455.000 đồng/thùng, bia Tiger được bán dao động từ 366.000-410.000 đồng/thùng... Mặt khác, cũng có một số đại lý đã đẩy giá bia Heineken và Tiger cao hơn 20.000 cho đến 30.000 đồng/thùng vì “phải mua lại từ các đại lý khác”.
Theo các siêu thị, từ nay cho đến Tết Nguyên đán giá bia khó có thể giảm sâu, bởi đây là mặt hàng mua đứt bán đoạn, các siêu thị đã phải trả tiền từ trước mới có thể kéo hàng về bán. Đồng thời, đây là mặt hàng thu hút khách và tính doanh số, hầu hết các siêu thị đều đã tính toán giá bán sao cho hấp dẫn. Thông thường, giá cả sẽ thấp hơn so với các cửa hàng tạp hóa từ 5% cho đến 10%, nếu tiếp tục giảm giá sẽ bị thua lỗ bởi đây là mặt hàng có tỷ lệ lợi nhuận vô cùng thấp.