TS. Vũ Tiến Lộc: 4 giải pháp để phát huy vai trò bất động sản trong nền kinh tế
BÀI LIÊN QUAN
Thông tin về thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản“Bắt đáy” bất động sản đất nền: Cẩn trọng bắt phải “dao rơi”Bất công người giàu lên từ đất, người mãi không có nhàThị trường trầm lắng, giá cả “leo thang”
Thị trường bất động sản mặc dù có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn đang ghi nhận mức giá nhà, đất đang không ngừng “leo thang”. Các giao dịch mua bán các loại hình bất động sản đều rất trầm lắng, có chăng chỉ có “nóng” nhẹ tại một số khu vực có thông tin dự án quy hoạch hay gần đường vành đai.
Cụ thể, trong quý III/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so vơi giai đoạn nửa đầu năm, lượng giao dịch cũng giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tiễn thời gian qua, thị trường bất động sản đã và đang gặp phải những khó khăn, hạn chế khác nhau như giá nhà cao hơn so với thu nhập của người dân, thanh khoản kém, tắc dòng vốn chảy vào bất động sản, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường chưa đồng bộ, thiếu minh bạch…
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp “khó” trên thị trường, một số doanh nghiệp lớn như FLC, Tân Hoàng Minh hay mới nhất là Vạn Thịnh Phát gặp phải trục trặc khi vướng phải vòng lao lý. Nhiều rào cản về pháp lý cũng như dòng tiền bị siết chặt làm cho một số dự án bất động sản bị ngưng đọng, không được cấp mới. Chính những điều này dẫn đến tâm lý chung của các doanh nghiệp chuyển hướng sang hoạt động một cách âm thầm hơn, có doanh nghiệp còn bật chế độ “ngủ đông”.
Trong khi đó, thị trường bất động sản được coi là “đầu kéo” có lực mạnh và có sức lan tỏa đến hơn 40 ngành quan trọng khác nhau trong nền kinh tế. Ví dụ như việc xây dựng một căn nhà, cần rất nhiều nhân công lao động tham gia chưa kể các chi phí về gạch xây, cát, thép, nội thất,… Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của bất động sản trong việc có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành khác như lao động, vật liệu xây dựng, tài chính, sản xuất,… từ đó thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, bất kể quốc gia nào thì thị trường bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế. Tại các nước phát triển thì yêu cầu và định hướng khơi thông những nguồn lực tiềm năng và bền vững của thị trường bất động sản luôn được ưu tiên hàng đầu.
“Ở các quốc gia phát triển, tỷ trọng bất động sản chiếm tối thiểu 35% tổng số tài sản của cả nước và các hoạt động trong thị trường này cũng chiếm đến 30% tổng hoạt động của cả nền kinh tế. Nhìn từ bài học ở các nước cho thấy, chỉ khi thị trường bất động sản được quan tâm đúng mức và có những đánh giá chuẩn xác thì mới có thể phát triển bền vững và nhanh chóng. Đóng góp vào cho sự phát triển của đất nước không chỉ phụ thuộc vào GDP hay tài sản quốc gia mà phải tác động lan tỏa đến những ngành kinh tế chủ đạo khác”, ông Lộc cho biết.
Thời gian qua đã chứng minh thực tế là thị trường bất động sản phát triển chưa tương xứng với nhu cầu cũng như quy mô kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức đang đặt ra những quan ngại về tính bền vững, an toàn của thị trường thì nếu không có những chính sách tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời thì sẽ dẫn đến sự “tan vỡ” của thị trường, tác động xấu đến nền kinh tế cả nước.
Giải pháp phát huy vai trò bất động sản trong nền kinh tế hiện nay
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, thế nhưng thời gian qua, thị trường bất động sản chưa thực sự phát huy được hết thế mạnh và tiềm năng của mình. Nhiều phân khúc trên thị trường còn gặp những vướng mắc chưa được tháo gỡ đòi hỏi cần có những giải pháp để phá bỏ rào cản, thúc đẩy quá trình kinh doanh.
Để giữ vững ổn định cho nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế trở lại cũng như khẳng định vai trò của bất động sản trong nền kinh tế thị trường, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, để phát triển thị trường bất động sản trước hết cần giải quyết nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp. Trong đó cần xác định lại những ưu đãi trong kinh doanh bất động sản cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn và có các chính sách ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp ở phân khúc này.
Bên cạnh đó, học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để huy động được nguồn lực xã hội, có những giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai, xây dựng và vận hành nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
Thứ hai, đổi mới tư duy và nhận thức trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế, phương thức trong trao quyền chủ thể sử dụng đất để hoạt động kinh doanh. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hàng lang pháp lý bất động sản phù hợp với thực tiễn của thị trường và tiến trình phát triển kinh tế, trong đó cần phải sửa Luật Đất đai. Thêm vào đó là xây dựng và thực thi chính sách để gia tăng vai trò bất động sản trong nền kinh tế hiện nay.
Thứ ba, để điều tiết thị trường có hiệu quả nên áp dụng các chính sách thuế, phí để gia tăng vai trò thuế, trở thành công cụ hiểu quả giảm thiểu các chính sách hành chính, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Trong đó cần hoàn thiện dần thuế tài sản để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; Nghiên cứu đồng bộ hóa chính sách thuế, phí bất động sản gắn với thuế và phí đất tố tùy vào từng địa phương, vị trí, thị trường và phải được cập nhật thường xuyên.
Thứ tư, minh bạch hóa, lành mạnh hóa thị trường bất động sản bằng cách xây dựng hệ thống thống kê thông tin, dữ liệu bất động sản để giảm thiểu sự méo mó của thị trường, đưa thông tin sai lệch, tránh các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Nếu thị trường bất động sản phát triển đúng mức và đúng hướng thì đồng nghĩa với việc nền kinh tế thị trường sẽ tăng bật hơn nữa. Để làm được điều đó thì trước hết cần khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên và kiên quyết phát triển thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh và bền vững, tránh hình thành các dự án ma hay các vụ lừa đảo khách hàng như trong thời gian qua.