Giá xăng khiến người dân châu Âu khổ sở
BÀI LIÊN QUAN
Giá xăng ngày mai có thể tăng từ 5.000 - 8.000 đồng/lít?Mặt hàng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liệu có cơ hội đánh chiếm thị trường khi giá xăng ngày càng đắt?Xăng tăng giá kéo theo giá dịch vụ xe công nghệ ồ ạt leo thangGiá xăng không chỉ làm người dân Việt Nam khổ sở, người châu Âu cũng không nằm ngoài lệ khi mỗi lít xăng hiện có xu hướng tăng quá 2,2 USD (tương đương 50.000 VNĐ).
Nỗi lo lắng và sợ hãi của người dân hiện đã vượt quá tầm kiểm soát là vấn đề mà ECB - Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải giải quyết trong cuộc họp tới.
Giám Đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu chia sẻ hy vọng có thể kìm hãm được vấn nạn lạm phát đang ngày một gia tăng tại khu vực Eurozone - nơi mà tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức 5,1% trong tháng đầu của năm nay, đây là lần đầu tiên kể từ khi số liệu của Cơ quan thống kê Eurostat được công bố lần đầu năm 1997.
Giáo sư kinh tế học Đại học Leipzig cho biết rằng các ngân hàng trung ương hiện phải đối mặt với nhiều áp lực lớn trước truyền thông khi phải duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, lo ngại ECB trước tương lai bị mất uy tín với người dân.
Nhóm nghiên cứu của quỹ Resolution ở Anh đã dự đoán rằng tác hại của cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khiến vấn nạn lạm phát lan rộng lần đầu trong 50 năm trở lại đây. Bộ trưởng bộ Kinh tế Italia thừa nhận vấn nạn lạm phát và giá năng lượng tăng cao sẽ tác động lớn tới sức khoẻ của nền kinh tế nước này.
Áp lực từ giá xăng
Cuộc sống của người dân ở nhiều nước châu Âu hiện đang rất khó khăn với việc giá nhiên liệu, lương thực và thực phẩm đồng loạt tăng cao chóng mặt. Vài tuần nay, nhiều người Bỉ phàn nàn về phí sinh hoạt khi họ phải 'cân đo đong đếm' trước khi chi tiêu.
Cùng với giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng tại một số trạm trên toàn châu Âu đã chứng kiến mức tăng kỷ lục nhất khi lần đầu tiên, giá mỗi lít dầu diesel cao lên mức xấp xỉ 2,1 euro, hơn 40% so với năm ngoái.
Đối với những người châu Âu có thu nhập thấp, tình hình này càng làm hoàn cảnh của họ thêm khó khăn khi không đủ điều kiện và tiền bạc để trang trải cuộc sống. Oterino - một người đàn ông đã về hưu tại Madrid chia sẻ rằng điều đáng lo ngại không phải giá xăng ngày mai, đó là giá xăng của 15 ngày tiếp theo với nỗi lo sợ giá sẽ tăng cao hơn vào những ngày tới.
Antonio Dias - Tài xế Uber 56 tuổi tại Lisbon cho biết nếu giá xăng vẫn tiếp tục đà tăng như hiện nay, ông có lẽ sẽ phải nhờ tới những khoản trợ cấp để có thể sống qua ngày, đối với nghề làm lái xe công nghệ, xăng tăng giá khiến công việc này không còn nhiều nghĩa lý nữa.
Tại Bồ Đào Nha, nhân viên cung cấp thực phẩm cho nhiều nhà hàng tại thủ đô - Soares cho biết cô không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng xe để đi giao hàng mặc cho việc sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí hơn nữa.
Tổ chức ô tô ADAC tại Đức cho biết giá dầu diesel đã có xu hướng tăng mạnh lên mức 28% từ đầu tháng 3. Lượng dầu để sử dụng cho các thiết bị sưởi ấm cũng có đà tăng nhanh chóng vì nhiều hộ gia đình đã đi mua dự trữ. Đại diện của ADAC chia sẻ nhiều người dân có tâm lý hoang mang lo sợ rằng nguồn cung sẽ tắc nghẽn do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, họ vội vàng tích trữ đầy các bình chứa dầu sưởi ấm.
Người dân tại một số nước Tây Âu hiện đã đổ xô đi mua nhiên liệu vì lo sợ giá cả có thể biến động thêm vào tương lai. Một người Bồ Đào Nha chia sẻ rằng số tiền mà họ kiếm được không bù lại được bao nhiêu so với giá nhiên liệu tăng cao chóng mặt như hiện nay. Bà vẫn sử dụng máy giặt, tủ lạnh và máy rửa bát nhưng bà sẽ tắt trước khi ra khỏi nhà, hoặc dùng cách bật ít đèn hơn khi ở nhà.
Thực phẩm, lương thực tăng giá theo
Theo Bộ Kinh tế Ý và các tổ chức nghiên cứu độc lập Anh Quốc cho biết đà tăng giá nhiên liệu bắt nguồn từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến phương Tây ban hành nhiều lệnh cấm vận lên Nga, đã đẩy người dân các nước châu Âu vào trạng thái lo sợ và bất an, sự lo ngại của họ càng tăng lên trước tình hình giá xăng tăng sẽ kéo theo giá lương thực và thực phẩm tăng theo.
Giá lương thực và thực phẩm hiện đang phải chịu áp lực gấp đôi khi giá năng lượng và khủng hoảng từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã khiến nguồn cung ngũ cốc từ hai nước này giảm mạnh. Mặc dù có tâm trạng bất an nhưng người dân châu Âu có vẻ vẫn chưa thực sự lo ngại về khả năng mất an ninh lương thực trong tương lai.
Christine - một giáo viên đã về hưu tại Bỉ tâm sự rằng sự gián đoạn nguồn cung của khí đốt đã khiến nhiều kế hoạch của bà bị thay đổi, khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu bị kéo theo cao hơn trong 1 năm qua. Bà cho biết mỗi tháng có hỗ trợ khoảng 100 Euro nhưng vẫn không đủ. Ngoài tiết kiệm tối đa, bà không thể làm gì khác.
Bà chia sẻ bà vẫn mua bánh mỳ, thịt tại những tiệm quen, nhưng thực phẩm như sữa, sữa chua và pho mát bà thường chọn mua gói lớn tại siêu thị để có giá rẻ hơn.
Tại một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha và Đức, chính quyền đã có động thái kêu gọi người dân tránh tích trữ những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn. Tại Bỉ, hiện chưa ghi nhận thấy những trường hợp người dân tích trữ đồ.
Cuộc chiến tranh nổ ra giữa hai nước Nga và Ukraine đang khiến người dân các nước phương Tây lâm vào tình trạng lo sợ và bất an trước tình hình chính phủ không đảm bảo được nguồn cung năng lượng và thực phẩm.
Những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng đã được Uỷ ban châu Âu đề xuất trong ngày 8/3 vừa qua, việc đảm bảo nguồn cung lượng thực sẽ được nhóm các nước G7 và các nước châu Âu thảo luận vào 2 ngày sắp tới.