Giá xăng ngày mai có thể tăng từ 5.000 - 8.000 đồng/lít?
BÀI LIÊN QUAN
Mặt hàng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liệu có cơ hội đánh chiếm thị trường khi giá xăng ngày càng đắt?Giá xăng trong nước có thể lên tới 30.000 đồng/lít?Giá xăng leo thang, tài xế công nghệ chán nản tắt app vì tiền chạy xe không đủ đổ xăngĐến hẹn lại lên, ngày mai (11/3) Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân tại thị trường Singapore tính đến ngày 8/3 đã tăng mạnh so với kỳ tính giá trước.
Cụ thể, giá xăng RON 92 bình quân là 133,83 USD/thùng; giá xăng RON 95 là 135,49 USD/thùng và dầu diesel là 143,55 USD/thùng. Trong khi đó, ở kỳ điều hành trước giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thế giới lần lượt là: Xăng RON 92 là 111,345 USD/thùng, xăng RON 95 là 114,207 USD/thùng còn dầu diesel là 112,658 USD/thùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP.HCM chia sẻ với Zing.vn cho biết, giá dầu thô sau ngày 1/3 biến động rất mạnh. Có thời điểm, giá dầu thô tăng vọt và sát ngưỡng 140 USD/thùng. Vì thế, đến kỳ điều hành ngày 11/3 tới, giá xăng dầu có thể tăng ở mức 3.000-3.300 đồng/lít; dầu diesel có thể tăng gần 4.000 đồng/lít.
Đáng nói, thời điểm hiện tại số dư Quỹ bình ổn giá chỉ còn khoảng 620 tỷ đồng. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng ngày mai vẫn tăng cao.
Tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, số dư quỹ này còn đang ở mức âm. Tiêu biểu như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 827,19 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 158 tỷ đồng.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước ngày mai sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp, đồng thời là đợt tăng thứ 6 chỉ tính riêng trong năm 2022 và chạm mốc 30.000 đồng/lít.
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, ảnh hưởng của giá dầu thô trên thế giới sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước. Do đó, giá xăng dầu trong nước ngày 11/3 có thể tăng từ 5.000-8.000 đồng/lít/kg so với giá xăng dầu đầu năm 2022.
Theo VOV, trước đó Bộ Công Thương tại Dự thảo Nghị quyết đã kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn. Cụ thể, Bộ kiến nghị giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; dầu diesel là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 500 đồng/lít; dầu mazut là 1.000 đồng/kg; dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.
Bộ Công Thương cũng nêu ra quan điểm rằng, kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trong nước, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp cũng như mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trước đó tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/3, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 545 đồng/lít lên 26.077 đồng/lít, giá xăng RON 95 đã tăng 547 đồng/lít lên 26.834 đồng/lít. Thời điểm hiện tại, giá của hai mặt hàng xăng RON 95 và E5 RON 92 đều ở mức cao nhất từ trước đến nay.