Giá xăng chính thức lên mức xấp xỉ 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước đến nay
BÀI LIÊN QUAN
Giá xăng trong nước có thể vượt 30.000 đồng/lít vào ngày mai?Giá xăng trong nước bật tăng trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếpGiá xăng dầu leo thang khiến lạm phát ở Mỹ tăng cao nhất trong 4 thập kỷTheo Dân Trí, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa mới tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 11/5. Theo đó, thời gian áp dụng là từ 15h cùng ngày.
Trong kỳ điều chỉnh này, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.490 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng thêm 1.550 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 ghi nhận giá bán tối đa là 28.950 đồng/lít; còn giá xăng RON 95 là 29.980 đồng/lít.
Như vậy, đây là đợt tăng thứ 9 của giá xăng này kể từ đầu năm đến nay. Đến thời điểm hiện tại, giá bán lẻ xăng RON 95 đã tiến sát mốc 30.000 đồng/lít và xác lập kỷ lục mới, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng dầu cũng tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít lên 26.650 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng thêm 1.340 đồng/kg lên 25.160 đồng/kg. Giá dầu mazut được giữ nguyên giá.
Ở kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lần này, cơ quan điều hành đã trích quỹ bình ổn với các loại xăng là 100 đồng/lít, dầu diesel là 100 đồng/lít và chi quỹ bình ổn với dầu hỏa là 300 đồng/lít còn dầu mazut là 33 đồng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong các kỳ điều hành giá, liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn, với mục đích bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới, tuy nhiên mức tăng thấp hơn. Như vậy, giá xăng trong nước hiện tại đang được giảm 2.000 đồng/lít nhờ Nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/4.
Như vậy, giá xăng dầu đã có 3 phiên liên tiếp tăng giá. Tại phiên điều chỉnh giá gần đây nhất từ ngày 4/5, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 330 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng thêm 440 đồng/lít và dầu diesel tăng 180 đồng/lít.
Giá thế giới đang có nhiều biến động khiến giá xăng dầu trong nước cũng tăng theo. Trên thị trường thế giới, giá dầu chốt phiên 6/5 tăng, thậm chí tăng mạnh trong cả tuần khi Liên minh châu Âu (EU) đã tiến tới lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Như vậy tính từ đầu năm đến nay, chỉ qua hơn 4 tháng nhưng đã trải qua 12 kỳ điều hành giá thì có đến 9 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm từ 35 đến 40% tổng cung) giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết. Trong tháng 1 và tháng 2 đầu năm nay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%.
Bên cạnh đó, nguồn xăng dầu nhập khẩu cũng gặp khó do giá cả tăng mạnh và cạnh tranh cao do nguồn cung cấp gián đoạn vì ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Trước diễn biến này, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.