Gen Z đầu tư vàng: Người hứng thú, kẻ thờ ơ
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư ngưng cắt lỗ, thị trường condotel "bừng tỉnh" nhờ du lịch phục hồiKết thúc quý 1, chứng khoán chưa "về bờ" trong khi nhà đầu tư vàng nhẹ nhàng cũng có lãi hơn 10%Chuyên gia dự báo hai phân khúc BĐS hứa hẹn giúp nhà đầu tư "hốt bạc" trong năm nayGen Y - thế hệ Millennials (sinh từ 1986-1991) từng trải qua giai đoạn rối ren, đặc biệt là cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2008 đã định hình tư duy bi quan và hình thành tâm lý trở ngại khiến thế hệ này ít tiếp cận với đầu tư. Ở nhóm người này, họ sẽ chọn những phương án an toàn để tích sản, vì vậy, vàng vẫn được coi là "báu vật" cho đầu tư dài hạn.
Trong khi đó, Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) lớn lên ở thời đại số với tình hình kinh tế - xã hội năng động đã có ý thức về đầu tư hơn và thường lựa chọn những kênh đầu tư được cho là "bắt trend" hơn.
Người hứng thú, kẻ thờ ơ
Bùi Trung Sỹ (sinh năm 1997, Hà Nội) đã ra trường hơn 2 năm. Sỹ cho biết mình đang vừa học vừa thực hành cách đầu tư sinh lời trong gần 1 năm trở lại đây thông qua hình thức mua chứng khoán. Khi được hỏi liệu có hứng thú với việc đầu tư vàng, cậu bạn này chỉ lắc đầu.
Với Sỹ, vàng là một kênh đầu tư "chậm chạp". Đa phần người lớn xung quanh đều khuyên Sỹ hãy nên mua vàng khi biết cậu bạn đang đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, điều này không là Sỹ cảm thấy khó chịu bởi: "Miễn sao tài khoản của tôi lại sinh lời thêm mỗi tháng", Sỹ nói.
Sỹ cũng thừa nhận chứng khoán là kênh đầu tư rủi ro, thậm chí nhiều thời điểm phải gồng lỗ, rơi vào trạng thái "mua đỉnh, bán đáy". Song, chỉ cần chờ đợi thị trường tăng trở lại hoặc giải ngân thêm tiền mỗi khi lương về vào các cổ phiếu khác, tài khoản sẽ sớm quay về lại số dương. Khi đầu tư chứng khoán, Sỹ không coi các phiên giảm điểm là mình đang lỗ mà việc lãi lỗ được Sỹ nhìn nhận và đánh giá sau mỗi 1-3 tháng.
Thử nhẩm tính, Sỹ nhận ra rằng, cũng với số tiền đó, nếu mua vàng và so với giá vàng bán ra hiện nay thì tỷ suất sinh lời của chứng khoán với nhỉnh hơn nhiều. Đặc biệt là Sỹ có một "hệ sinh thái" những người chơi chứng khoán ở cùng công ty.
Sau mỗi ngày làm việc, buổi tối họ sẽ cùng nhau bàn luận về chứng khoán dù không thường xuyên. Ngoài ra, cậu bạn cũng tham gia vào một số nhóm phân tích trên Zalo, họ cùng nhau cập nhật những thông tin sống động trên thị trường và lựa chọn các mã. Điều này khiến Sỹ cảm thấy thú vị.
Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại, như Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh năm 1998, Bắc Ninh) lại yêu thích việc tích mỗi tháng một chỉ vàng từ cả năm nay sau khi chính thức đi làm. Việc mua vàng của Quỳnh Anh được bố mẹ ủng hộ bởi đây là cách họ từng làm từ hàng chục năm nay để tích lũy tài sản.
"Mình sống với bố mẹ nên không áp lực nhiều về tiền bạc, mỗi tháng tiền lương đều đủ để mua một chỉ vàng nhẫn. Có những tháng như Tết được thưởng hoặc nhiều tháng sau khi tích mua vàng rồi chi tiêu mà tiền vẫn dư, mình gom lại và cũng sẽ mua thêm được", Quỳnh Anh nói. Số vàng nhẫn mà Quỳnh Anh sở hữu hiện có giá hàng chục triệu đồng và theo như lời Quỳnh Anh, chúng nhất định sẽ tăng dần theo thời gian.
Theo Quỳnh Anh, hai kênh đầu tư được cho là hợp thời gần đây là chứng khoán và tiền điện tử "quá rủi ro". Cô bạn thừa nhận có thời điểm cảm thấy tụt hậu khi không bắt kịp được thị trường. Tuy nhiên, Quỳnh Anh thực sự không hiểu gì nên không dám mạo hiểm. Mức sinh lời hiện tại của vàng, đặc biệt trong những phiên thị giá vàng tăng phi mã đã khiến Quỳnh Anh càng tin tưởng vào lựa chọn đầu tư của mình.
Đầu tư vàng ở Việt Nam khá đơn điệu vì không có nhiều lựa chọn
Xét về khía cạnh đầu tư, tại những giai đoạn thị trường biến động, các kênh trú ẩn an toàn như đầu tư vào vàng và trái phiếu thường được nhà đầu tư nghĩ đến. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia vàng không phải một kênh đầu tư phù hợp cho dài hạn.
Cứ mỗi chu kỳ 10 năm, thị trường thường có 1-2 năm biến động, tạo cơ hội cho vàng. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư xem vàng như một kênh trú ẩn dài hạn thì đồng nghĩa với việc họ đã bỏ qua cơ hội trong 8 năm còn lại.
Dù không phải kênh đầu tư "bắt trend" với giới trẻ, nhưng thực tế vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn với số đông mọi người. Chỉ 3 tháng đầu năm, doanh thu của các cửa hàng vàng trong những ngày vía Thần tài hay khi xảy ra căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đạt mức cao kỷ lục. Tại các cửa hàng vàng ghi nhận lượng người mua đông, thậm chí nhiều người xếp hàng từ sáng sớm.
Vậy tại sao nhiều người trẻ lại không thích mua vàng? Dưới góc nhìn cá nhân, các bạn trẻ cho rằng bên cạnh việc sinh lời thấp, vàng còn không hấp dẫn bởi giá thành. Nhiều người có thể dùng vàng làm nữ trang, nhưng giá đắt so với thu nhập trung bình của người trẻ khiến họ có thể thay đổi thường xuyên.
Trong khi giới trẻ ngày nay thường kết hợp quần áo với từng loại phụ kiện, từng sự kiện chứ không cố định nữ trang như trước đây. "Do vậy, nếu chỉ mua cất đi và không tối ưu lợi nhuận, hầu hết mọi người sẽ không chọn đầu tư vàng", Sỹ nói.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Trường Kinh doanh IPAG tại Paris và thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) cho rằng, việc đầu tư vàng với cá nhân, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam hiện khá đơn điệu vì không có nhiều sự lựa chọn.
Vị chuyên gia này chỉ ra rằng, đầu tư vào vàng không đơn giản là mua vài chỉ, vài miếng rồi cất đi. Việc đầu tư vàng trên thế giới vẫn thu hút một bộ phận giới trẻ thông qua nhiều hình thức khác nhau. Ngoài dạng vật chất truyền thống, họ có thể đầu tư qua hai loại quỹ đầu tư vàng phổ biến là tương hỗ (mutual fund) và ETF.
Các quỹ ETF ngày càng được các nhà đầu tư nhỏ lẻ lựa chọn hơn. "Các quỹ đầu tư vàng có thể đầu tư toàn bộ vào vàng vật chất, vào các công ty khai khoáng vàng, các công ty kinh doanh vàng, hay là hỗn hợp giữa các hình thức" - TS Võ Đình Trí cho biết.
So với vàng vật chất, sự khác biệt lớn nhất là nhà đầu tư chỉ có xác nhận quyền sở hữu trên giấy tờ. Do vậy, giá trị khoản đầu tư này có thể khác biệt so với sự tăng giảm của giá cổ phiếu liên quan đến vàng hay ETF vàng.
Bên cạnh đầu tư theo hướng mua và nắm giữ vàng, cả vật chất và trên giấy, thì còn có những người tìm kiếm cơ hội sinh lời từ việc mua bán vàng. Đối với vàng vật chất, mục tiêu của những người này là mua lúc giá thấp và bán lúc giá cao, và có kỳ vọng việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần.