Nhà đầu tư ngưng cắt lỗ, thị trường condotel "bừng tỉnh" nhờ du lịch phục hồi
BÀI LIÊN QUAN
Đồng Nai: Nhà đầu tư "găm đất" chờ thời cơ trong các khu công nghiệpTrót ôm cổ phiếu nóng, nhà đầu tư cần làm gì khi bị "kẹp hàng"?Nhà đầu tư có nên tin vào "doanh thu và lợi nhuận tăng" trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp để ra quyết định mua cổ phiếu?Du lịch phục hồi, nhà đầu tư ngưng cắt lỗ
Ảnh hưởng của dịch bệnh suốt giai đoạn 2020-2021 khiến ngành du lịch tê liệt. Kéo theo nhiều khách hàng Condotel liên tục rao bán cắt lỗ. Tuy nhiên từ đầu năm nay, tình trạng này đã chấm dứt.
Chị Thảo, chủ một căn condotel trên đường Trần Phú, Nha Trang cho biết, vào tháng 6 năm ngoái, chị có rao bán cắt lỗ căn condotel này với giá thấp hơn 200 triệu đồng so với thời điểm mua vào. Đến tháng 1 vừa qua, khi thấy du lịch đang dần được mở cửa trở lại, chị Thảo đã quyết định không bán căn condotel này nữa.
"Thông tin rao bán cắt lỗ căn condotel được tôi đăng trên nhiều trang mua bán bất động sản điện tử, nhưng rất ít người hỏi mua. Tháng 2 vừa qua, khi quyết định không bán cắt lỗ nữa thì lại có người gọi điện hỏi mua, tôi lại phải đi gỡ các thông tin rao bán", chị Thảo nói.
Anh Lê Quốc Cường, một nhà môi giới bất động sản ở Đà Nẵng cho biết, năm 2021, nhóm của anh nhận bán gần 50 căn condotel trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Trong đó, nhiều nhà đầu tư vì quá mệt mỏi nên chấp nhận bán lỗ 100 - 250 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, từ tháng 1/2022, lượng giao dịch nhờ bán đã giảm gần 70%, đa phần những căn đăng bán nhưng bị "ế" trước đó nay cũng đã yêu cầu gỡ thông tin để chờ thời.
"Hiện nay cả nhà đầu tư mới và cũ đang thận trọng trước khi mua bán condotel. Tình trạng cắt lỗ chắc chắn sẽ không xảy ra trong thời gian này khi thị trường đang có tín hiệu tích cực", nhà môi giới này cho biết.
DKRA Vietnam cho biết, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, giá condotel trên thị trường sơ cấp vẫn ghi nhận tăng trưởng. Dó đó, không ngạc nhiên khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế, du lịch nội địa tăng trưởng mạnh, niềm tin của nhà đầu tư với phân khúc này tiếp tục tăng trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, chỉ trong 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán 2022 đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa, ước tính lượng doanh thu đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Chính những con số này là lí do khiến khách hàng kỳ vọng khả năng khai thác lưu trú và gia tăng giá trị bất động sản nên đã ngừng động thái cắt lỗ.
Tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, nếu so về giá thì bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với đất vườn hay đất vùng ven trong 2 năm qua. Do đó, dư địa để bất động sản du lịch phát triển mạnh mẽ về cả cung cầu cũng như giá cả từ nay đến năm 2025 là rất lớn.
Đánh giá về triển vọng của phân khúc này, vị đại diện DRKA cho biết, đây là phân khúc thực sự tiềm năng và có khả năng bứt phá trong ngắn hạn với nhiều lý do.
Thứ nhất, từ ngày 15/3 bắt đầu mở lại đường bay quốc tế đã tạo ra tiền đề tăng trưởng ổn định trong dài hạn cho ngành du lịch và thị trường nghỉ dưỡng.
Thứ hai, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện khung pháp lý về một số loại hình như condotel, shophouse, officetel… Khi khung pháp lý này được ban hành sẽ tác động đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Thứ ba, kinh tế vĩ mô đang có chiều hướng lạm phát với tỷ lệ khoảng 4%, GDP dự kiến tăng trưởng 7,8%. Gói kích cầu của Chính phủ đã tạo tăng giá lên thị trường chung trong đó không ngoại trừ condotel.
Bên cạnh đó, thị trường condotel tăng tốc ngay khi đại dịch dần được kiểm soát bởi phân khúc này linh hoạt được cả ba mục đích nghỉ dưỡng tái tạo sức khỏe - xu hướng sống đang được yêu thích hậu Covid-19, khai thác lưu trú cho thuê mang lại lợi nhuận ròng ổn định và gia tăng giá trị theo thời gian. Đặc biệt, các chủ đầu tư hỗ trợ tài chính tối đa cho nhà đầu tư như thanh toán 20-30% cho đến khi nhận nhà, không cần bỏ vốn nếu có tài sản đảm bảo thứ 2,... Điều này đã giúp khách hàng có thêm thời gian để chuẩn bị tài chính cũng như tối ưu hóa lợi nhuận trên tổng số vốn bỏ ra ban đầu.
Những thị trường có thế mạnh du lịch vẫn "sống khỏe"
Giới chuyên gia cho rằng, giữa thời điểm sóng condotel bắt đầu tăng trở lại, để đảm bảo sự an toàn, nhà đầu tư nên hướng vào những địa phương có thế mạnh về du lịch cùng lượng khách dồi dào như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi đây là những thị trường có thể đón du khách quay trở lại sôi động nhanh chóng, qua đó bài toán lưu trú cho thuê sẽ phục hồi tốt. Trong khi với những địa phương mới phát triển hoặc đang trong vùng "tiềm năng" thì cần chờ trong dài hạn mới có thể áp dụng tốt bài toán cho thuê.
Đơn cử như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vào dịp Tết Nhâm Dần 2022 (từ 1/2 - 6/2), tỉnh đã đón hơn 42.000 lượt khách, tăng hơn 81% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 trên cả nước. Chỉ trong 4 ngày Tết, các khách sạn, resort có 90% lượng phòng bán hết. Trong đó, tỷ lệ kín phòng tại huyện Xuyên Mộc đạt công suất trên 95%. Phân khúc cao cấp (từ 3 sao trở lên) đạt 97%. Những resort, khách sạn gần biển thậm chí sớm kín khách và duy trì công suất cao trong suốt kỳ nghỉ.
Theo số liệu từ Savills Hotels, Hồ Tràm đứng đầu về tỷ trọng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng hoạt động trở lại sau dịch. Công suất cho thuê và tỷ trọng lấp đầy phòng tại các khách sạn, resort trong khu vực đạt trên 80%, riêng với loại hình lưu trú cao cấp đạt 100% công suất cho thuê cuối tuần. Với thực trạng trên, có thể dễ hình dung đầu tư các condotel tại đây hướng trực diện tới bài toán cho thuê vẫn "sống khỏe".
Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên chọn những chủ đầu tư có dự án lớn, hệ sinh thái đa dạng tiện ích cùng vận hành quốc tế tên tuổi sẽ đảm bảo dòng tiền khai thác và lợi nhuận đạt kỳ vọng.