Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung: Doanh thu bằng 20% GDP cả nước, nhiều biến động và khủng hoảng kinh tế lớn cũng không thể đánh bại
BÀI LIÊN QUAN
9 tháng đầu năm, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam thu về gần 4 tỷ USD tiền lãiBà Lee Young-hee trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của “gã khổng lồ” SamsungVì sao Samsung cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam?Không những thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, bị kẹp giữa hai đất nước hùng mạnh hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc còn thường trực nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên. Với những lý do này, đáng lẽ Hàn Quốc phải là một đất nước nghèo. Thế nhưng hiện tại, xứ sở kim chi lại là nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới cùng tốc độ phát triển nhanh chóng mặt. Động lực lớn nhất giúp Hàn Quốc phát triển ngoạn mục như thế chính là gã khổng lồ công nghệ Samsung.
Đóng góp 20% GDP của Hàn Quốc
Theo như tiếng Hàn, cụm từ chaebol sẽ được sử dụng để chỉ những tập đoàn gia đình lớn tại nước này như Samsung, LG hay Hyundai. Sức ảnh hưởng của các chaebol đến các phương diện kinh tế, chính trị và đời sống người dân Hàn Quốc là vô cùng to lớn.Thông tin từ Statista cho thấy, doanh thu của 10 tập đoàn chaebol lớn nhất Hàn Quốc năm 2021 gần tương đương 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tính riêng tập đoàn Samsung, con số này đã chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu của top 10 chaebol.
Chính vì thế, tại Hàn Quốc chỉ có 2 loại chaebol, đó là Samsung và các chaebol còn lại. Nhiều học sinh Hàn Quốc chuẩn bị cả đời để có cơ hội tham gia với khoảng 100.000 người khác trong kỳ thi Đánh giá Năng lực Samsung (SAT). Nếu chẳng may trượt kỳ thi của Samsung, các ứng viên sẽ chuyển sang các chaebol khác như Hyundai hay LG.
Ngày nay, Samsung là một trong những “gã khổng lồ” sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất trên thế giới. Trong đó, mảng kinh doanh chủ lực của tập đoàn là Samsung Electronics chuyên về sản xuất hàng loạt các mặt hàng điện tử tiêu dùng và công nghiệp, gồm thiết bị gia dụng và thiết bị kỹ thuật số, chip nhớ, chip bán dẫn cùng với hệ thống tích hợp.
Không chỉ giữ vị trí top đầu trong lĩnh vực thiết bị điện tử, Samsung thông qua Samsung Heavy Industries còn có chỗ đứng quan trọng trong ngành công nghiệp đóng tàu; ngoài ra còn có cả ngành xây dựng với Samsung Engineering và Samsung C&T cùng với ngành quảng cáo với Chiel Worldwide.
Trong quá khứ, tập đoàn này còn sở hữu Samsung Aerospace Industries cùng với Samsung Techwin (hiện đã bán cho tập đoàn Hanwha). Cả hai công ty này đều tham gia chế tạo máy bay chiến đấu KF-16 cùng với pháo tự hành K9 Thunder và nhiều loại vũ khí khác. Điều đáng nói, đối với tòa tháp cao nhất thế giới, Burj Khalifa, công ty xây dựng Samsung C&T chính là nhà thầu chính của công trình này.
Suốt thời gian qua, Samsung đã trở thành một trong những cái tên nhận biết nhất trong lĩnh vực công nghệ, chiếm đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo Companymarketcap.com, chỉ tính riêng Samsung Electronics mức vốn hóa đã lên đến 299,7 tỷ USD tính đến ngày 7/12. Trong khi đó, vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Hàn Quốc là khoảng 1.500 tỷ USD. Hiểu đơn giản, 20% vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Hàn Quốc thuộc sở hữu của một công ty con của Samsung.
Không chỉ có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc, Samsung còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Được biết, Việt Nam là một trong số những trung tâm sản xuất chính của Samsung. Năm 2021, công ty này đã mang về 74,2 tỷ USD năm 2021. Thông tin từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, GDP năm 2021 của Việt Nam là 362,6 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc, doanh thu của Samsung tại Việt Nam đã chiếm đến 20,5% GDP.
Kiến tạo nên kỳ tích Sông Hán
Theo thông tin từ Britannica, Samsung được thành lập vào ngày 3/1/1938 bởi ông Lee Byung-Chul (Lý Bình Triết). Thời điểm mới thành lập, Samsung chỉ là một cửa hàng sản xuất mì cũng như kinh doanh tạp hóa tại địa phương và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), ông Lee đã tiến hành thâu tóm tài sản giá hời từ thời Đế quốc Nhật, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh sang dệt may, mở thêm nhà máy xẻ gỗ lớn nhất trong nước. Thời điểm đó, ông Lee tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nặng với mục tiêu có thể phục hồi đất nước sau chiến tranh.
Đến những năm tiếp theo, Samsung đã chi một số tiền lớn để mua các ngân hàng, công ty bảo hiểm, nhà máy lọc dầu và cả công ty sản xuất nylon… Đến những năm 1970, Samsung mở rộng sang nhiều lĩnh vực với các công ty con như Samsung Heavy Industries, Samsung Shipbuilding và Samsung Precision Company.
Vào năm 1969, Samsung chính thức bước chân vào lĩnh vực điện tử thông qua sản phẩm đầu tay là TV đen trắng. Một năm sau đó, ông lớn này bắt đầu hành trình xuất khẩu đồ gia dụng sang nước ngoài. Trong giai đoạn những năm 1970-1980, Samsung ngày càng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm mảng điện tử, bán dẫn, dữ liệu, hàng không và công nghệ thông tin … Samsung Electronics trở thành con cưng của Samsung, chuyên về mảng kinh doanh thiết bị điện tử đã giúp tập đoàn này trở thành gã khổng lồ công nghệ như thời điểm hiện tại.
Cùng với những chaebol khác như LG, Hyundai, SK Group, Samsung đã góp một phần lớn tạo nên “Kỳ tích sông Hán”. Trong giai đoạn từ 1950 đến 1990, GDP của Hàn Quốc đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, thậm chí tăng gấp 100 lần. Chỉ trong vòng 4 thập kỷ, Hàn Quốc đã chuyển mình ngoạn mục từ một nước kém phát triển thành một quốc gia phát triển. GDP tính trên đầu người tại Hàn Quốc hiện nay đã sắp đuổi kịp Nhật Bản và Samsung chính là “công thần” góp phần tạo nên thành tích này.
Mạnh mẽ vượt qua hàng loạt khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng nợ năm 1997
Năm 1997, cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu tại Thái Lan đã nhanh chóng lan rộng khắp khu vực Đông Á và Nam Á, bao gồm cả Hàn Quốc. Đồng tiền bị mất giá trầm trọng, thị trường chứng khoán tụt dốc trong khi dòng vốn đua nhau tháo chạy. Nhiều chaebol khác tại Hàn Quốc, trong đó có cả Samsung, cũng chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng này. KIA Motors - nhà sản xuất xe hơi lớn thứ ba Hàn Quốc đã lên tiếng yêu cầu khoản vay khẩn cấp. Hiệu ứng dây chuyền lan rộng, điều này khiến cho khoản đầu tư 5 tỷ của Samsung trong lĩnh vực ô tô là Samsung Motors buộc phải giải thể, sau đó bán cho Renault của Pháp.
Theo Wall Street Journal, lĩnh vực mũi nhọn của tập đoàn là Samsung Electronics cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Thời điểm đó, Samsung tập trung vào sản xuất nhiều nhất có thể, cố gắng chiếm lĩnh thị trường thay vì lợi nhuận. Chưa kể, cuộc khủng hoảng này còn khiến cho lãi suất tăng vọt, các ngân hàng cũng cho vay thận trọng hơn. Nợ nần chồng chất, Daewoo Group - một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc vào thời điểm đó đã sụp đổ.
Ngay lập tức, Samsung đã có những động thái để cải thiện hoạt động và tình hình tài chính. Ông lớn này đã giảm số lượng nhân viên và thay đổi hệ thống thăng tiến, giảm sự liên kết giữa các công ty con, nỗ lực thu hút nhà đầu tư, chú trọng tính linh hoạt, cắt giảm thời gian sản xuất và phát triển… Dù trong giai đoạn khó khăn, Samsung vẫn mạnh dạn đầu tư vào những công nghệ tiên tiến và hiện đại bậc nhất. Nhờ đó, tập đoàn này đã có thể dẫn đầu về công nghệ TV (cụ thể là màn hình LCD), chip nhớ và điện thoại.
Quan trọng nhất, Samsung đã đặt cược vào thị trường Trung Quốc - nơi có chi phí sản xuất rẻ cùng với thị trường rộng lớn để tiếp tục tăng trưởng và duy trì được sức cạnh tranh. Nhờ đó, Samsung đã từng bước vượt qua được cuộc khủng hoảng này.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tiếp tục khiến nhiều doanh nghiệp toàn cầu chao đảo. Giống như cuộc khủng hoảng năm 1997, ông lớn này một lần nữa áp dụng những chiến lược tương tự, kết hợp thêm một số sách lược mới và tập trung vào chất lượng.
Đầu năm sau, tập đoàn đã tiến hành tái cấu trúc, tập trung vào một số mảng quan trọng như LCD, bán dẫn và điện thoại, mong muốn người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng những sản phẩm chất lượng cao cùng với marketing; thuê những giám đốc điều hành tốt nhất. Nhờ đó, Samsung thời điểm hiện tại đã trở thành người đi đầu trong cả ba lĩnh vực, bao gồm: bán dẫn, màn hình và điện thoại.
Bên cạnh đó, mối quan hệ của người dân Hàn Quốc với tập đoàn Samsung rất khăng khít. Doanh thu của tập đoàn Samsung trong nhiều năm qua luôn ở mức tương đương 20% GDP của Hàn Quốc. Trong khi đó, dù là công ty có doanh thu lớn nhất Nhật Bản nhưng Toyota chỉ tương đương với 5% GDP của nước này mà thôi. Chưa kể, Walmart - công ty có doanh thu lớn nhất thế giới- cũng chỉ tương đương với 2,5% GDP của nước Mỹ.
Sức ảnh hưởng của Samsung còn dễ dàng thấy được trong cuộc sống hàng ngày. Người dân nước này chủ yếu sử dụng sản phẩm điện thoại từ Samsung Electronics; mua bảo hiểm từ Samsung Life Insurance; đi phà được đóng bởi Samsung Heavy Industries; đi chơi tại công viên giải trí Samsung Everland. Có thể nói, Samsung đã trở thành một biểu tượng không thể tách rời của đất nước Hàn Quốc.