9 tháng đầu năm, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam thu về gần 4 tỷ USD tiền lãi
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao Samsung cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam?Vị thế của Samsung được nâng lên như thế nào sau quyết định táo bạo của cố Chủ tịch Lee Kun Hee?Quá trình hình thành và những thành tựu của tập đoàn SamsungTính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Samsung Electronics - gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Hàn Quốc đang có tổng cộng 4 nhà máy đang được đặt tại Việt Nam, bao gồm: Samsung Electronics Vietnam (Samsung Bắc Ninh), Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (Samsung Thái Nguyên), Samsung Display Vietnam và cuối cùng là Samsung Electronics HCMC CE Complex.
Mới đây, Samsung đã công bố báo cáo tài chính của quý 3 năm nay. Trong báo cáo này bao gồm cả kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm của 4 nhà máy của Samsung Electronics tại Việt Nam. Theo báo cáo tài chính của Samsung, trong quý 3/2022 vừa qua, doanh thu của 4 nhà máy ở trên lần lượt được ghi nhận là 5,3 tỷ USD; 6,7 tỷ USD; 5,8 tỷ USD và cuối cùng là hơn 1 tỷ USD. Tổng cộng, 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam ghi nhận mức doanh thu hơn 18,8 tỷ USD trong quý 3 năm nay, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 8%.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của 4 nhà máy trong quý 3/2022 lần lượt là 391 triệu USD, 458 triệu USD, 383 triệu USD và cuối cùng là 47 triệu USD. Tổng cộng, lợi nhuận của cả 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam trong quý 3 vừa qua là 1,2 tỷ USD, tăng hơn 9% khi so với cùng kỳ năm 2021.
Sau khi lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của 4 nhà máy của Samsung Electronics tại Việt Nam là 54,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 23%. Trong khi đó, lợi nhuận của 4 nhà máy này cũng tăng hơn 24% so với cùng kỳ và đạt gần 4 tỷ USD. Nếu như xét về tỷ trọng, Samsung Thái Nguyên (SEVT) vẫn là nhà máy đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam trong quý 3 nói riêng và 9 tháng đầu năm nói chung.
Cụ thể, nếu xét riêng trong quý 3 năm nay, doanh thu của SEVT là 6,7 tỷ USD trong khi lợi nhuận đạt 458 triệu USD. Sau khi lũy kế 9 tháng đầu năm, SEVT đạt doanh thu là 22,4 tỷ USD cùng với 1,9 tỷ USD lợi nhuận.
Tuy nhiên, doanh thu của doanh thu của Samsung Display Việt Nam đã tăng mạnh và lên cao hơn so với doanh thu của Samsung Bắc Ninh, lần lượt đạt mức 5,8 tỷ USD và 5,3 tỷ USD. Có thể thấy, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) là đơn vị chiếm tỷ trọng thấp khi xét cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong số 4 nhà máy thuộc Samsung Electronics tại Việt Nam cả trong quý 3 nói riêng và 9 tháng đầu năm nói chung.
Nếu như xét riêng trong quý 3 năm nay, doanh thu và lợi nhuận của SEHC lần lượt là hơn 1 tỷ USD cùng với 47 triệu USD. Còn nếu tính trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của nhà máy SEHC là 3,7 tỷ USD cùng với lợi nhuận ở mức 297 triệu USD.
Nhu cầu chip suy yếu kéo lợi nhuận sụt giảm
Trước đó không lâu, gã khổng lồ công nghệ Hàn quốc đã công bố mức giảm lợi nhuận lần đầu tiên của tập đoàn kể từ năm 2019. Điều này cho thấy, thị trường chip nói riêng và máy tính toàn cầu nói chung đang trên đà suy thoái, nhận định từ Bloomberg cho biết.
Cụ thể, theo tuyên bố mới được “ông lớn” công nghệ này đưa ra vào ngày 7/10 vừa qua, lợi nhuận từ hoạt động của Samsung Electronics trong giai đoạn từ tháng 7 cho đến tháng 9 năm nay đã giảm 32% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 10.800 tỷ won (tương đương 7,7 tỷ USD). Trước đó, các nhà phân tích cũng đưa ra dự đoán rằng, lợi nhuận từ hoạt động của Samsung Electronics trong quý 3 năm nay có thể sẽ đạt mức 12.100 tỷ won. Bên cạnh đó, doanh số bán hàng của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng không đạt được mức kỳ vọng như của các nhà phân tích, tức là khoảng 76.000 tỷ won.
Trong những tuần gần đây, các nhà sản xuất chip nhớ trên phạm vi toàn cầu cũng liên tục đưa ra cảnh báo rằng, họ đang phải đối mặt với thị trường ngày càng khó khăn trong bối cảnh hàng tồn kho đang tăng lên trong khi các đơn hàng lại bị cắt giảm bởi các trung tâm dữ liệu cũng như các khách hàng công nghệ tiêu dùng.
Đáng chú ý, những điều này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu về PC nói riêng và điện thoại thông minh nói chung đã ngày càng suy yếu trên phạm vi toàn cầu. Để có thể cân bằng lại nguồn cung cũng như ngăn chặn đà giảm giá, Micron Technology Inc. và Kioxia Holdings Corp. hiện đang cắt giảm sản lượng trên toàn cầu.
Trước khi “ông lớn” Samsung công bố thông tin không lâu, Advanced Micro Devices Inc (AMD) - nhà sản xuất bộ xử lý và chip đồ họa của Mỹ cũng đã chia sẻ về doanh số trong quý 3 năm nay của công ty đã không thể đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, liên quan đến vấn đề này, Lisa Su - Giám đốc điều hành của AMD cho biết: “Các điều kiện kinh tế vĩ mô thời điểm hiện tại đã khiến cho nhu cầu trên thị trường PC trở nên thấp hơn nhiều so với dự kiến. Do đó, chúng tôi đã phải cố gắng để có thể điều chỉnh được lượng hàng tồn kho của mình”. Đáng chú ý, sau khi báo cáo tài chính quý 3 được công bố, giá cổ phiếu của Samsung đã giảm khoảng 2%.
Hồi tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc - vốn là quê hương của 2 nhà sản xuất chip lớn nhất trên thế giới lần đầu tiên trong 4 năm đã báo cáo về sự sụt giảm của sản lượng chip, theo thông tin và số liệu từ Statistics Korea. Trong khi đó, SK Hynix Inc. - Công ty đồng hương của Samsung cũng thừa nhận, việc điều chỉnh để có thể thắt chặt chi tiêu trong năm tới là sự thật không thể nào tránh khỏi. Trong khi đó, nhu cầu về điện tử trong năm nay cũng đã giảm xuống. Đồng thời, ngân hàng Morgan Stanley cũng đã nâng triển vọng về lĩnh vực bán dẫn, điều này trở thành yếu tố đẩy giá cổ phiếu của Samsung cùng với Hynix lên cao bởi các nhà đầu tư đều kỳ vọng vào việc thị trường sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Tuy nhiên, Kyung Kyehyun - Giám đốc kinh doanh mảng chip của Samsung Electronics lại không có cùng suy nghĩ với Morgan Stanley. Cụ thể, nhà lãnh đạo này cho biết, thị trường chip nhớ sẽ khó có thể tìm thấy được động lực trong việc phục hồi vào năm tới. Trong một sự kiện nội bộ, vị giám đốc kinh doanh mảng chip của Samsung cũng nói với các nhân viên rằng, Samsung đã cắt giảm 32% kỳ vọng về doanh số bán chip trong nửa cuối năm nay khi so sánh với dự báo được đưa ra vào tháng 4 vừa qua, theo thông tin từ Korea Economic Daily.
Cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh
Mới đây, thông tin từ truyền thông Hàn Quốc cũng cho biết, Samsung Electronics trong năm 2023 sẽ cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh xuống khoảng 13%, con số này tương đương với khoảng 30 triệu đơn đặt hàng. Những sản phẩm này chủ yếu là những mẫu tầm trung và cả cấp thấp trong bối cảnh doanh số bán điện thoại thông minh đã sụt giảm mạnh mẽ trên toàn cầu.
Đáng chú ý, thời điểm hiện tại, tỷ lệ sản xuất điện thoại thông minh tại các nhà máy ở Việt Nam đang chiếm khoảng 50% sản lượng của toàn tập đoàn trong năm nay; đến năm 2023 sẽ giảm xuống còn 40% bất chấp việc Samsung Electronics vẫn tuyên bố Việt Nam chính là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình.
Dữ liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam cho thấy, sản lượng điện thoại thông minh của cả nước trong năm nay đã giảm 9,3% so với năm ngoái, xuống chỉ còn 20,6 triệu chiếc trong tháng 11 vừa qua. Trong 11 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện thoại thông minh đã giảm xuống còn 6,1%, điều này đã khiến giá trị xuất khẩu của loại mặt hàng này tại Việt Nam trong tháng 11 giảm 1% so với tháng liền trước; đồng thời giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Được biết, nguyên nhân của sự sụt giảm này là bởi Samsung Electronics - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất trên cả nước đã cắt giảm việc sản xuất cũng như xuất khẩu điện thoại thông minh tại Việt Nam trong tháng 11 vừa qua. Đây là dấu hiệu cho thấy “gã khổng lồ” Hàn Quốc đang dần buộc phải thích nghi với sự suy giảm nhu cầu trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh đó, công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết, thị trường điện thoại thông minh trong quý 3 năm nay đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước là do thu nhập khả dụng của người tiêu dùng đã bị cắt giảm đáng kể do tình trạng lạm phát tăng lên.
Thời điểm hiện tại, thị trường điện thoại thông minh trên toàn thế giới đã trải qua một quý 3 tồi tệ nhất kể từ năm 2014 cho đến nay. Điều này xảy ra bởi nhiều khó khăn kinh tế đã thúc đẩy người tiêu dùng trì hoãn việc mua các mặt hàng ví dụ như đồ điện tử cá nhân. Chính vì thế, theo các nhà phân tích cho biết, việc cắt giảm đơn hàng của Samsung tại Việt Nam chỉ phản ánh được sự sụt giảm sản xuất chung của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, chứ không phải là sự chuyển hướng sản xuất sang các quốc gia khác ngoài Việt Nam.