Vì sao Samsung cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam?
BÀI LIÊN QUAN
Cuối năm 2022, Trung tâm R&D mới của Samsung sẽ hoàn thành, hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược tại Việt NamSCG Group - đơn vị được mệnh danh là ''Samsung ngành hóa dầu": Rót hàng tỷ USD thâu tóm loạt doanh nghiệp đầu ngành Việt NamQuá trình hình thành và những thành tựu của tập đoàn SamsungDữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) cho thấy, trong tháng 11, sản lượng điện thoại thông minh đã giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 20,6 triệu chiếc. Sau khi lũy kế 11 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện thoại thông minh đã giảm xuống còn 6,1%, điều này khiến cho giá trị xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam trong tháng 11 đã giảm 1% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ.
Cũng theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, hạng mục sản xuất điện tử tiêu dùng rộng hơn trong tháng 11 đã giảm gần 20% trong năm, trong đó sản lượng hàng tháng cũng ghi nhận lần giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Được biết, nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu là do Samsung - nhà sản xuất lớn tại Việt Nam đã cắt giảm việc sản xuất cũng như xuất khẩu điện thoại thông minh. Điều này xảy ra ngay trong tháng 11, ngay trước thời điểm Giáng sinh. Điều này cho thấy, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang dần thích nghi với sự suy giảm về nhu cầu trên phạm vi toàn cầu.
Suốt nhiều năm qua, Samsung đã sản xuất đến hơn một nửa số điện thoại thông minh của mình tại Việt Nam, đồng thời chiếm đến ⅕ tổng kim ngạch xuất khẩu trên cả nước. Tuy nhiên cho đến gần đây, điều kiện kinh tế không mấy thuận lợi cộng với tình trạng lạm phát, lãi suất tăng cao cùng với cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, ban lãnh đạo của Samsung đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2022 từ 334 triệu sản phẩm xuống chỉ còn 270 triệu sản phẩm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, công ty sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh ở Việt Nam lần thứ hai trong năm nay.
Theo thông tin từ Reuters, hầu hết những sản phẩm điện thoại thông minh được sản xuất tại Việt Nam đều để xuất khẩu sang các nước phương Tây. Theo như thông lệ, sản lượng của chúng sẽ tăng lên mạnh mẽ trong những tuần trước thời điểm Giáng sinh. Tuy nhiên năm nay đã khác, kỳ vọng về nhu cầu của người tiêu dùng thấp hơn đã buộc cho các công ty phải cắt giảm sản lượng sản xuất.
Sự sụt giảm sản xuất chung của Samsung
Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã xuất xưởng tổng cộng 64 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu nhờ doanh số điện thoại gập tăng mạnh, so với quý liền trước đã tăng 5%. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước con số này đã giảm đến 8%, nguyên nhân bởi Samsung cũng như nhiều nhà sản xuất thiết bị tiêu dùng khác đang phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” từ khó khăn kinh tế trên thế giới. Điều này khiến cho những người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, có ít tiền và cũng dành ít hơn cho những hàng hóa không thiết yếu.
So với cùng kỳ năm trước, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý 3 năm nay đã giảm 12% do thu nhập khả dụng của người tiêu dùng đã bị cắt giảm đáng kể do tình trạng lạm phát trên thế giới ngày càng gia tăng.
Dù như thế, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vẫn đặt mục tiêu nâng sản lượng điện thoại có thể gập lại lên một nửa tổng doanh số bán điện thoại thông minh vào năm 2025. Đồng thời, ý định của Samsung là biến sản phẩm vốn được giới thiệu lần đầu tiên ra công chúng vào năm 2019 sẽ trở thành một trụ cột khác của công ty, bên cạnh dòng sản phẩm chủ lực Galaxy S cùng với một danh mục chính trong phân khúc cao cấp.
Theo dự kiến của Samsung, các lô hàng điện thoại thông minh có thể gập lại vào năm 2023 sẽ đạt 26 triệu chiếc trên phạm vi toàn cầu, trong khi mức ước tính của năm nay là 16 triệu chiếc. Cũng theo công ty này, họ đang làm việc dựa trên các yếu tố hình thức khác, điển hình như sản phẩm điện thoại thông minh sở hữu màn hình có thể cuộn lại.
Rõ ràng có thể thấy được, Việt Nam thực tế đang là “đại bản doanh” lớn nhất trên thế giới của Samsung khi chiếm đến 60% tổng sản lượng hàng năm cùng với tổng đầu tư lên đến hơn 18 tỷ USD. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc hiện tại đang có 8 nhà máy sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu tại Việt Nam, tập trung vào 3 địa phương chính là Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM. Bên cạnh đó, Samsung mới đây còn rót thêm 920 triệu USD vào Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam.
Với những động thái trên, các nhà phân tích khẳng định rằng, việc cắt giảm sản lượng tại Việt Nam chỉ phản ánh sự sụt giảm sản xuất chung của “ông lớn” Samsung. Thực tế, việc cắt giảm sản lượng này không phải là dấu hiệu cho thấy gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang chuyển hướng sản xuất sang các nước khác bên cạnh Việt Nam.