Fed chính thức tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau 3 năm bùng phát đại dịch Covid-19
BÀI LIÊN QUAN
Kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào khi Fed tăng lãi suất giữa bối cảnh xung đột Ukraine? Điều chỉnh lãi suất của Fed ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như thế nào?Kết thúc hai ngày nhóm họp (15 - 16/3), cơ quan hoạch định chính sách của Fed là Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) cho biết cơ quan này quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản. Từ đó nâng biên độ lãi suất của Fed lên mức từ 0,25% đến 0,5%.
Động thái này của Fed đã ngay lập tức khiến chi phí đi vay tiêu dùng và tín dụng cao hơn. Các quan chức Fed cho biết việc tăng lãi suất sẽ đi kèm với việc tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong năm 2022.
Fed cho biết sẽ tiếp tục quan sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt tăng lãi suất khác trong năm 2022. Dự kiến sẽ có thêm 6 lần tăng cho đến cuối năm nay, sẽ tăng mức lãi suất lên khoảng 1,9%, cao hơn 1% so với dự đoán trước đó. Theo FOMC trong năm 2023 sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất, tuy nhiên đến năm 2024 sẽ không có đợt tăng nào.
Tháng 12/2018 là lần cuối Fed tăng lãi suất, sau đó phải tạm dừng và bắt đầu cắt giảm lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Việc tăng lãi suất lần này đã khép lại giai đoạn ngân hàng này ghìm lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế số một thế giới đương đầu với đại dịch.
Từ những diễn biến khó lường của thị trường xăng dầu quốc tế và ảnh hưởng từ xung đột Ukraine. Nên sau hai ngày nhóm họp Fed đã điều chỉnh lại một số dự báo về nền kinh tế Mỹ.
Cụ thể, trong năm 2022, Fed dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ đạt 2,8%, giảm nhiều so với mức dự báo vào tháng 12/2021 là 4%. Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở mức 4,3%, cao hơn nhiều tỷ lệ mục tiêu lạm phát 2% được Fed đưa ra trước đây.
Các quan chức của Fed cho rằng: "Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu do đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực giá rộng hơn".
Tại buổi họp báo sau cuộc nhóm họp, FOMC cho biết việc tăng lãi suất cơ bản liên tục trong phạm vi mục tiêu là phù hợp. Đề cập đến bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD của Fed, chủ yếu từ kho bạc, chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp mà họ đã mua trong những năm qua, Fed cho biết sẽ bắt đầu giảm nắm giữ trong cuộc họp tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng việc giảm bảng cân đối kế toán có thể bắt đầu vào tháng 5/2022. Quá trình này có thể có ý nghĩa tương đương với một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay.
Ông Jerome Powell cũng cho biết Fed rất chú ý đến rủi ro của áp lực gia tăng lạm phát và quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định giá cả. Chủ tịch Fed nói: "Nền kinh tế Mỹ rất mạnh và có vị thế tốt để thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt".
Trong phiên giao dịch 15/3, giá vàng thế giới đã đi xuống, giữa lúc giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 15-16/3 của Fed. Cụ thể, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 1,59% xuống 1.929,7 USD/ounce.
Trước thềm cuộc họp quan trọng vào ngày 15 - 16/3 của Fed, hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên vào ngày 14/3 cũng đều giảm điểm, trong đó giảm mạnh nhất là chỉ số Nasdaq Composite (hơn 2%), khi các nhà đầu tư bán ra cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu đang tăng mạnh.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của quốc gia này trong tháng 1/2022 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/1982. Từ tháng 12/2021 - 1/2022 lạm phát ở mức 0,6%, tương đương mức lạm phát một tháng trước đó và cao hơn con số dự báo của các nhà kinh tế Mỹ. Giá cả hàng hóa đã tăng 0,7% từ tháng 10 - 11/2021 và 0,9% từ tháng 9 - 10/2021.
Lạm phát tại Mỹ hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và các doanh nghiệp ở Mỹ. Điều này đã khiến Fed càng quyết tâm thực hiện việc nâng lãi suất để kiềm chế giá cả leo thang do tỷ lệ lạm phát đang tăng “phi mã” tại nền kinh tế số một thế giới này.