Dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 3,37 - 3,87%
BÀI LIÊN QUAN
Lạm phát khiến nhiều người không dám “lên đời” smartphoneNhiều quốc gia khó có thể áp dụng biện pháp chống suy thoái "tiêu chuẩn" vì lạm phátLạm phát tăng cao, gạo bỗng trở thành "cứu tinh" cho cả châu Á trước cơn bão giáTheo vneconomy.vn, tại cuộc họp chiều 24/8 của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đinh Thị Nương cho biết, trong 8 năm 2022, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong nước tăng lên do tác động của giá hàng hóa thế giới. Tuy nhiên nhìn chung mặt bằng giá trong nước cơ bản vẫn được kiểm soát tốt.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 8 tăng khoảng 0,0006% so với tháng 7. Bình quân 8 tháng của năm 2022, CPI ước tính tăng khoảng 2,58% - 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược trong nước vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, đặc biệt là một số nền kinh tế lớn và là đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng…
Mặt bằng giá cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đồng đô la Mỹ tăng giá, cùng với đó vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ tết cuối năm giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường sẽ tăng theo quy luật. Giá thịt lợn cũng đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng của thị trường một số nước lân cận và chi phí sản xuất.
Đại dịch Covid-19 được kiểm soát đã giúp nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự hồi phục trở lại. Tiến độ giải ngân đầu tư công vào cuối năm được triển khai đẩy mạnh cũng có thể làm giá cả biến động trong trường hợp nguồn cung không đáp ứng kịp thời.
Bên cạnh đó trong những tháng còn lại của năm 2022, giá điện bình quan được giữ ổn định và giá dịch vụ y tế chưa điều chỉnh là một trong những yếu tố làm giảm áp lực mặt bằng giá. Đồng thời, các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, với ước tính CPI tháng 8 tăng 0,006%, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 4 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,27%
Như vậy, trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2022, dự báo của Ngân hàng Nhà nước về lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 trong khoảng 2,3 + 0,2%, Bộ Tài chính đã cập nhật 2 kịch bản điều hành giá.
Kịch bản 1, giá xăng dầu bình quân trong năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trong khoảng từ 5-10%, cộng với ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,2%, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,37%.
Kịch bản 2, giả định như kịch bản 1 và thêm các yếu tố từ giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng cao hơn từ 3-5%, ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,4%, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,87%.
Với 2 kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.
Ở kịch bản của Tổng cục Thống kê, dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,4% - 3,7%. Còn Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,7 ± 0,3%.