Doanh nghiệp xây dựng quay cuồng với "điệp khúc thua lỗ" giữa “bão giá” vật liệu xây dựng
BÀI LIÊN QUAN
Giá vật liệu tăng “phi mã”, doanh nghiệp địa ốc “than trời” vì nguy cơ thua lỗGiá vật liệu tăng chóng mặt, lo ngại chủ đầu tư "đắp chiếu" dự án?Các dự án giao thông gặp khó trước “bão giá” xăng dầu, vật liệu xây dựng"Cắn răng" chịu thua lỗ
Cầm trên tay hợp đồng thi công căn biệt thự 3 tầng tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty Xây dựng Nhật Nam lắc đầu ngao ngán. “Những công trình hiện tại thì cứ lên đơn giá gia chủ xem xong huỷ luôn, còn những hợp đồng ký từ năm 2021 chắc chắn lỗ”, ông Nhật buồn rầu chia sẻ.
Công ty của ông Nhật chuyên nhận thầu xây dựng các công trình dân dụng, nhà cửa, trường học, trạm xá và những con đường dân sinh quy mô nhỏ... Cuối năm 2021, ông Nhật có nhận 3 công trình gồm 2 căn biệt thự và tuyến đường liên thôn dài khoảng 3 km.
Thời điểm ký hợp đồng trọn gói là vào năm 2021, tuy nhiên, do sát Tết nên hai bên chốt trong quý I năm 2022 sẽ triển khai. Ông Nhật kể: “Thời điểm đó ký hợp đồng giá vật liệu xây dựng có tang so với trước nhưng vẫn nằm trong tầm chấp nhận được. Chúng tôi dự đoán ra Tết vật liệu cũng sẽ nhích lên do nhu cầu xây dựng tang nhưng không ngờ nó lại tang khủng khiếp như vậy. Hôm trước tôi có làm một bảng kê mới về giá vật liệu gửi gia chủ, nhờ họ hỗ trợ vì giá vật liệu leo thang. Tuy nhiên, gia chủ không đồng ý, họ nói là cứ theo hợp đồng mà triển khai”.
Cũng theo ông Nhật, những năm trước đây, do có nguồn vốn dồi dào, khi nhận công trình, vào thời điểm giá vật liệu xây dựng giảm, ông thường đi đặt tiền mua trước. Nghĩa là khi đặt tiền ở giá thời điểm đó thì sau này giá vật liệu xây dựng có tăng, hay giảm thì ông vẫn chỉ phải mức giá lúc đặt tiền. Tuy nhiên, mấy năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công trình chưa được thanh toán nên lượng tiền mặt của ông ít, không đủ để đặt vật liệu nên phải đợi đến khi gia chủ ứng tiền mới có kinh phí đi mua vật liệu xây dựng.
Ông Nhật cho biết, thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất xi măng tăng giá bán khoảng gần 100.000 đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép cũng tăng lên khoảng 3 triệu đồng/tấn so với cuối năm 2021. Các doanh nghiệp sản xuất thép cho biết, họ tăng giá bởi giá nguyên liệu quặng sắt, than coke, thép phế liệu và cả chi phí vận chuyển đều tăng.
Mấy ngày qua, ông Trịnh Duy Luận, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại quận Nam Từ Liêm cũng phải chạy đôn, chạy đáo để tìm kiếm những địa lý, cửa hàng vật liệu xây dựng giá “mềm” nhất để đặt tiền. “Vật liệu xây dựng có giá chung nhưng vẫn có những đại lý giá rẻ hơn chút. Mặc dù không đáng kể nhưng rẻ được tí nào hay tí đó vậy. Theo tôi tính đoán, với mức tăng của vật liệu xây dựng như hiện nay, một công trình xây lên phát sinh khoảng 15% chi phí so với thời điểm giữa năm 2021”, ông Luận nhận định.
Theo vị này, các doanh nghiệp xây dựng trung bình và nhỏ thời điểm này rất khó khăn. Thứ nhất là không có việc làm, bởi nhiều người có ý định xây dựng sẽ đợi đến khi vật liệu xây dựng giảm nhiệt mới xây. Thứ hai, người Việt khi xây nhà thường tính toán sơ sài, cảm tính, ít quan tâm đến thị trường giá cả. Thấy giá tăng “bất thường” là họ sẵn sàng dừng việc xây dựng lại. Thứ ba, đối với những công trình ký vào thời điểm năm 2021 mà bây giờ mới triển khai thì chắc chắn đơn vị xây dựng phải bù lỗ. Bởi khi đã ký hợp đồng với chủ nhà, không triển khai sẽ phải đền bù.
Chưa thể hạ nhiệt
Đó là nhận định của chuyên gia bất động sản Mai Chí Liêm (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam). Ông Liêm cho rằng, việc giá vật liệu xây dựng tăng chủ yếu do giá nguyên liệu thế giới đi lên. Bên cạnh đó là chi phí vận chuyển cũng tăng do giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh. Ngoài ra, chiến tranh tại Ukraine đã khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngắt quãng ở nhiều mặt hàng.
“Thực tế cho thấy, nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành xây dựng của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được quá 50% nhu cầu. Đơn cử như ngành thép, chúng ta vẫn phụ thuộc vào giá thép thế giới. Trong khi đó, chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến gián đoạn chuỗi cung ứng thép trên toàn cầu. Nga là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Khi bị trừng phạt về kinh tế khiến việc xuất khẩu của Nga gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, thép trở nên khan hiếm hơn, giá tăng cao”, ông Liêm phân tích.
Ông Liêm nói thêm, bên cạnh đó, các loại phí như bến bãi, container đều tăng cũng khiến cho vật liệu xây dựng được nhập từ nước ngoài về phải tăng lên để đơn vị kinh doanh không lỗ. Và tất cả lại đổ lên đầu người có nhu cầu xây dựng.
Vị này nói rằng, do chiến tranh chưa biết khi nào kết thúc, giá xăng dầu phải còn lâu mới về được mức 15.000 đồng/lít như giữa năm 2021 nên giá vật liệu xây dựng chắc chắn vẫn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc thì thế giới vẫn cần một khoảng thời gian đủ lớn để hồi phục trở lại bình thường. Bên cạnh đó, đầu năm 2022, đầu tư công cũng đang được Chính phủ giải ngân với số tiền lớn, cao tốc Bắc – Nam cũng đang triển khai, các doanh nghiệp bất động sản cũng khởi công, triển khai dự án sau thời điểm “ngủ đông” vì giãn cách do Covid-19. Từng ấy yếu tố tác động chắc chắn sẽ khiến các mặt hàng vật liệu xây dựng khan hiếm và tăng giá.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty Xây dựng Nhật Nam nói rằng trước việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, các doanh nghiệp tầm trung và nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, công ty sẽ phải dừng hoạt động, “ngồi chơi xơi nước” cho đến khi giá vật liệu xây dựng bình ổn trở lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn họ đã có biện pháp để ứng phó và cũng có nguồn tiền lớn để duy trì. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài trên 2 năm thì các doanh nghiệp lớn chắc chắn cũng sẽ khó trụ nổi.
“Đối với các doanh nghiệp lớn mức ảnh hưởng của họ không nhiều như doanh nghiệp nhỏ. Bởi khi xây dựng khu đô thị, các doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng dài hạn với bên cung cấp vật liệu xây dựng từ trước đó nên không sợ ảnh hưởng về giá. Còn đối với những mặt hàng mua thời điểm hiện tại, phát sinh giá, họ sẽ yêu cầu chủ đầu tư cơ cấu lại giá bán đầu ra để chia sẻ với nhà thầu”, chuyên gia Mai Chí Liêm nói.