Doanh nghiệp bất động sản như “người sắp chết đuối” chưa “vớ được cọc”
BÀI LIÊN QUAN
Hàng trăm dự án khó khăn, doanh nghiệp bất động sản đứng bên bờ phá sản Doanh nghiệp bất động sản và nỗi lo âm dòng tiền kinh doanhNhiều doanh nghiệp bất động sản âm dòng tiền kinh doanh cả ngàn tỉ đồngSố doanh nghiệp thành lập mới giảm 61,4%
Theo Tuổi trẻ, chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” của VARS công bố cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023 có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp địa ốc thành lập mới cũng chỉ đạt 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số liệu công bố của VARS cũng cho thấy, trong quý I/2023 doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một lượng lớn hàng vẫn còn tồn kho trên thị trường, hầu hết đều đến từ những dự án đang xây dựng dở hoặc buộc phải tạm dừng do khó khăn.
Những khó khăn trên đã buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Dữ liệu của 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất tính đến cuối năm 2022 cho thấy đã có 6 doanh nghiệp phải cắt giảm lượng lớn nhân sự trong năm qua như Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cùng công ty con là Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) lần lượt giảm 41%; 45% nhân sự; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (HOSE: AGG) 29%; Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Địa ốc Nova (HOSE: NVL) giảm 20%, Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) 16%.
Trong quý I/2023, tiếp tục ghi nhận việc một số doanh nghiệp địa ốc tiếp tục cắt giảm nhân sự như Đất Xanh (DXG) cắt thêm 1.384 người, Đất Xanh Services (DXS) giảm 1.245 người so đầu năm. Bên cạnh đó, tuy không giảm nhân sự vào năm 2022 nhưng quý 1/2023, Vinhomes (VHM) cũng bớt đi 1.527 người.
Theo thông tin từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp bất động sản thường xuyên phản ánh việc gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Một số tác động khác ảnh hưởng tới thị trường nhà đất có thể kể đến như tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề pháp lý chưa được khai thông cũng gây tác động đáng kể tới các doanh nghiệp địa ốc.
Khó khăn chồng chất khó khăn khiến nhiều người đang so sánh các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản giống “người sắp chết đuối”. Động lực sống khiến các doanh nghiệp địa ốc cố gắng “vùng vẫy” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Nhưng những “chiếc phao” được tạo ra kể từ đầu năm 2022 nhằm cứu thị trường lẫn doanh nghiệp, chưa thực sự đến được doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có thể bám víu, thoát khỏi biển nước mênh mông.
Kỳ vọng nhanh chóng tháo gỡ khó khăn
VARS nhận định đối với những doanh nghiệp còn có khả năng thì nhanh chóng thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình huống xấu nhất. Thông qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa các sản phẩm bất động sản vào thị trường. Trong đó, ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu ở thực và các doanh nghiệp lớn, có nhiều ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.
Đối với doanh nghiệp yếu, không còn khả năng triển khai các dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản thủ tục pháp lý, thì tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối chủ doanh nghiệp dự án với các nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư, hoặc M&A.
Đối với doanh nghiệp có những dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, không đủ năng lực triển khai dự án thì Nhà nước cần áp dụng giải pháp hỗ trợ, thực hiện việc “mua lại” dự án của doanh nghiệp. Sau đó hoàn thiện các thủ tục vướng mắc, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới để tiếp tục thực hiện dự án.
Trước đó, vào cuối tháng 5, tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, trả lời về tình hình doanh nghiệp bất động sản khi lĩnh vực này đang tiếp tục chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chính phủ cùng các Bộ, ngành đang rất quyết liệt thực hiện giải pháp về tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, thị trường, đơn hàng… để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản phục hồi và phát triển sản xuất thông qua việc ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Đồng thời đẩy mạnh thực thi chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, phí, gia hạn chính sách cho vay trả lương, chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm chi phí, có tiền duy trì sản xuất kinh doanh và giữ được người lao động.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện kinh doanh, tổ chức thực thi chính sách của bộ máy hành chính các cấp thuận lợi hơn; giải quyết các quy định pháp luật chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn…
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn thì ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động lên kế hoạch ứng phó với tình huống bất ngờ hoặc các cuộc khủng hoảng chưa được dự báo trước. Doanh nghiệp cần cân đối dòng tiền, thay đổi quy mô sản xuất, hình thức, phương thức kinh doanh phù hợp điều kiện thực tế, mở rộng tìm kiếm thị trường, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh dòng vốn từ ngân hàng thương mại thì cần tiếp tục đa dạng hóa hình thức huy động vốn, hướng tới nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thích ứng tốt hơn trước biến động môi trường đầu tư kinh doanh trong dài hạn.