meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Điểm danh loạt dự án giao thông “khủng” vừa được khởi công trong tháng 6

Thứ năm, 29/06/2023-14:06
Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khởi công trong tháng này, nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất là 3.000 km đường cao tốc.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được áp dụng cơ chế đặc thù

Theo VTC News, sáng ngày 25/6/2023, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công đồng loạt tại 3 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài hơn 112 km. Trong đó, 58,2 km thuộc địa bàn TP Hà Nội; 19,3 km thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên; 35,3 km thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh; 9,7 km tuyến nối. 

Tại buổi lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Lễ khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô diễn ra tại 4 điểm của TP Hà Nội. Một là vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Hai là vị trí giao cắt với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ba là vị trí giao trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Bốn là vị trí nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Tại Bắc Ninh khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh. Tại Hưng Yên khởi công tại huyện Văn Giang. 


Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có 7 dự án thành phần. Cụ thể, 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công; 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công – tư (PPP). Theo kế hoạch, dự án đường vành đai này sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm của Vùng Thủ đô Hà Nội, giúp kết nối TP Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Đồng thời, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư tại khu vực. 

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, lần đầu tiên Đồng Tháp được giao làm chủ đầu tư dự án lớn

Trong cùng ngày 25/6, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài hơn 27 km được khởi công. Đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp là hơn 16 km, còn lại thuộc Tiền Giang. Điểm đầu của cao tốc này giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), điểm cuối kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Tổng mức đầu tư cho tuyến cao tốc là hơn 5.880 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công. 


Các phương tiện tham gia lễ khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được tổ chức vào ngày 25/6/2023.
Các phương tiện tham gia lễ khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được tổ chức vào ngày 25/6/2023.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4 km thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, tổng vốn đầu tư là hơn 2.200 tỷ đồng. 

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sau khi hoàn thành sẽ góp phần hình thành trục ngang tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc tại vùng. Ngoài ra, còn giúp kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng. 

Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và 2 tuyến cao tốc 

Sáng 18/6, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khởi công 3 dự án giao thông quan trọng gồm đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.


Lễ khởi công 3 dự án giao thông quan trọng vào ngày 18/6/2023 tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lễ khởi công 3 dự án giao thông quan trọng vào ngày 18/6/2023 tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,3km, đi qua 4 địa phương. Trong đó, đoạn tuyến đi qua TP Hồ Chí Minh dài 47,35km, đoạn tuyến đi qua tỉnh Đồng Nai dài 11,26km, đoạn tuyến đi qua tỉnh Bình Dương dài 10,76km, đoạn tuyến đi qua tỉnh Long An dài 6,81km.

Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Tổng mức đầu tư cho toàn dự án là 75.378 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và các địa phương. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng. 

Quy mô 6 làn xe cao tốc, rộng 32,25 m; ở giai đoạn phân kỳ có 4 làn xe, rộng 17 m và đường song hành hai bên. 

Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ mang tới cơ hội phát triển kinh tế cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời tạo điều kiện kết nối, giao lưu hàng hóa với cảng Cát Lái - Phú Hữu (là cảng container lớn nhất) với các tỉnh Đông Nam Bộ thuận lợi hơn. Tại TP Thủ Đức sẽ phát triển hệ thống khu đô thị đồng bộ với tuyến đường vành đai 3. 


Phối cảnh dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Phối cảnh dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km, qua Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,7km.

Lễ khởi công được tổ chức tại 2 điểm là Km34 + 200, thuộc địa phận phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và tại km7 + 250, thuộc địa phận xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. 

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án giai đoạn  là 17.837 tỷ đồng với 3 dự án thành phần. Tỉnh Đồng Nai thực hiện đoạn dài 16km, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đoạn dài 18,2km, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đoạn dài 19,5km.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kết nối với sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng. Đồng thời, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.


Sơ đồ tuyến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Sơ đồ tuyến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài 117,5km. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa dài 32,7km, đoạn đi qua tỉnh Đắk Lắk dài 84,8km.
Lễ khởi công dự án được tổ chức tại Km54+750 (km559+800 đường Trường Sơn Đông) thuộc thôn Cư Dhắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, đầu tư từ vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đoạn dài 37,5km, tỉnh Khánh Hòa  thực hiện đoạn dài 32km, tỉnh Đắk Lắk thực hiện đoạn 48km.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được đầu tư theo quy mô đường ô tô cao tốc với tốc độ thiết kế 80-100km/giờ. Trước mắt trong giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn, năm 2026 hoàn thành toàn tuyến và năm 2027 đưa vào khai thác toàn bộ cao tốc.

Dự án có cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa, Đắk Lắk nói riêng và cả khu vực nói chung. Đồng thời, đây còn là tuyến đường chiến lược có ý nghĩa “kết nối rừng với biển”, nối đại ngàn Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối hành lang vận tải Đông - Tây…


Các phương tiện tham gia lễ khởi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Các phương tiện tham gia lễ khởi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Dự án cao tốc trục ngang đầu tiên tại miền Tây

Ngày 17/6, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Dự án này tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng. 

Điểm đầu cao tốc này kết nối với quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối cao tốc này giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).


Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tổ chức ngày 17/6/2023 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại điểm cầu TP Châu Đốc (An Giang).
Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tổ chức ngày 17/6/2023 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại điểm cầu TP Châu Đốc (An Giang).

Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương. Tại giai đoạn 1, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, với vận tốc thiết kế 100km/h. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có tuyến đường đi qua làm cơ quan chủ quản. Cụ thể, dự án thành phần 1 do tỉnh An Giang thực hiện có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 do TP Cần Thơ thực hiện dài 37,2km, dự án thành phần 3 do tỉnh Hậu Giang thực hiện dài gần 37km và dự án thành phần 4 do tỉnh Sóc Trăng thực hiện 56,9km.

Dự án được kỳ vọng là 1 trong 6 dự án cao tốc thay đổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng qua TP Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, kết nối các trục dọc giao thông. Đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Dự án đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn, năm 2026 cơ bản hoàn thành toàn tuyến, năm 2027 hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà Đông

Khu vực sẽ được đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng xây dựng dự án công viên lớn thứ 2 Hà Nội: Gấp đôi công viên Thống Nhất, gấp 5 công viên Hòa Bình

Hà Nội quy định chung cư thương mại 70-100 m2 chỉ 3 người ở

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực từ 1/8

Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo

7 trường hợp sắp không được cấp sổ đỏ, người dân cần nắm chắc trong tay

Quy định mới về tách thửa đất người dân cần biết

Tin mới cập nhật

Meey Group nhận “cú đúp” giải thưởng tại Top công nghiệp 4.0 Việt Nam

21 giờ trước

Người dân lại gặp khó với vàng

1 ngày trước

Tiên phong chuyển đổi số bất động sản, Meey Group ghi danh ấn tượng tại Dot Property Vietnam Awards 2024

1 ngày trước

Chuyển tiền nhầm vào tài khoản bị trích nợ tự động: Người nhận phải có trách nhiệm hoàn trả lại

2 ngày trước

Tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Góc nhìn của chuyên gia

2 ngày trước