Đề xuất đánh thuế đất nếu sau 6 tháng chuyển nhượng mà không xây dựng
BÀI LIÊN QUAN
"Siết thuế” chuyển nhượng bất động sản: Hết thời căn nhà giao dịch với giá 2 tỷ đồng nhưng kê khai chỉ gần 200 triệu đồngTháo gỡ nút thắt chính sách thuế trong lĩnh vực bất động sảnTổng cục Thuế đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuếTăng thuế với các hoạt động chuyển nhượng nhà đất
Mới đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến về chính sách thu thuế bất động sản, trong đó tập trung việc đánh thuế đất nền để ngăn chặn tình trạng “ôm hàng”, thổi giá gây bất ổn thị trường.
Là người có nhiều thời gian tìm hiểu lĩnh vực bất động sản, chuyên gia kinh tế La Văn Thái đề xuất 3 ý kiến: Thứ nhất là việc đánh thuế cao đối với hoạt động chuyển nhượng nhà đất để ngăn chặn việc đầu cơ, nhất là với các dự án, khu đất mua đi bán lại rất nhiều lần nhưng không có hoạt động khai thác, xây dựng.
Với các trường hợp khi phát hiện bên mua và bên bán thoả thuận kê khai giá trị chuyển nhượng trong hồ sơ thấp hơn giá trị thị trường để trốn thuế thì cần phạt gấp đôi.
Ở nhiều nơi, hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành ban hành khung giá đất áp dụng 5 năm trong khi giá thị trường luôn thay đổi. Thậm chí ở nhiều nơi tháng sau đã tăng gấp đôi so với tháng trước. Do vậy các địa phương cần có sự điều chính để giám sát các hoạt động kê khai giá trị đất trong hợp đồng mua bán sát với giá trị thực tế.
Ngành thuế cần có riêng một bộ phận ở từng địa phương chuyên thanh tra các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất để chống thất thu thuế cũng như tạo sự minh bạch trong hoạt động này. Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân nhiều lần có hành vi khai gian để trốn thuế cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý Tội trốn thuế được quy định tại điều 200 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Cụ thể, khi phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng sẽ bị phạt tù từ 1 đến 3 năm; Hình phạt sẽ tăng dần nếu tái phạm nhiều lần và số tiền khai gian, trốn thuế nhiều hơn.
Áp thuế với người người sở hữu bất động sản thứ 2 trở đi
“Hiện nay rất nhiều người nắm giữ lượng lớn bất động sản nhưng chỉ có nhu cầu đầu tư, bán lại. Do vậy cần phải có quy định chịu thuế bất động sản thứ 2 trở đi để lợi nhuận giảm và người ta sẽ cân nhắc, dùng số vốn đầu tư vào bất động sản chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh, sản xuất khác phục vụ xã hội”, TS La Văn Thái nêu đề xuất thứ hai.
Theo ông Thái, quy định đánh thuế đối với bất động sản thứ 2 sẽ giúp cơ cấu lại nền kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực tài chính. Khi giới đầu cơ bị ảnh hưởng từ việc này ắt họ sẽ bán ra các sản phẩm bất động sản đang “ôm” lâu nay thì giá nhà đất sẽ giảm, người thu nhập trung bình và thấp sẽ có cơ hội mua nhiều hơn.
“Như tôi đã nêu ở trên, tài nguyên đất đai cần được sử dụng hiệu quả thay vì gom hàng, thổi giá, lướt sóng kiếm lời rồi bỏ hoang. Vừa qua tôi đi khảo sát ở một số khu vực của tỉnh Bình Dương, Bình Phước có những dự án phân lô, bán nền suốt 2 thập kỷ qua có rất nhiều giao dịch, mua đi bán lại nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống chứ không có ai xây nhà. Bản thân người mua để đầu cơ và người bán cũng nhằm mục đích đầu tư kiếm lời. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng để tạo ra các hoạt động sản xuất, mang lại những giá trị hiệu quả cho xã hội thì khó khăn đủ bề”, vị chuyên gia chia sẻ.
Về câu hỏi đánh thuế với bất động sản thứ 2 ở mức nào là phù hợp, TS La Văn Thái cho rằng cần có lộ trình cũng như quy định cụ thể, mang tính hợp lý bởi có những người sở hữu mảnh đất thứ 2 rộng 40m2 nhưng có người đang “ôm” khu đất rộng 4.000 m2. Mấu chốt hướng đến khi nhà đầu tư bỏ tiền mua bất động sản mà không thu lại khoản lời cao như các lĩnh vực khác đang được nhà nước khuyến khích, không bị áp thuế ắt bản thân họ sẽ có sự điều chỉnh dòng vốn sao cho phù hợp với cơ chế hiện tại.
“Anh sở hữu nhiều tài sản nhưng không sử dụng, không mang lại nguồn lợi cho quốc gia thì phải có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách tài chính, đó là nguyên tắc của xã hội. Tôi tin rằng nếu đánh thuế người sở hữu bất động sản thứ 2 trở lên được đưa vào quy định sẽ đạt được các mục tiêu như tái phân bổ nguồn vốn xã hội, giảm bớt chênh lệnh giàu nghèo, ngăn chặt đầu cơ đất đai”, ông Thái chia sẻ.
Đánh thuế đất nếu sau 6 tháng chuyển nhượng mà không xây dựng
Đề xuất thứ ba của ông La Văn Thái đó là để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở bền vững, phù hợp với chiến lược, kế hoạch sử dụng đất, hạn chế tình trạng đầu cơ gây lãng phí tài nguyên, bất ổn thị trường bất động sản thì cần có chế tài thật mạnh đó như: Đánh thuế đất nếu sau 6 tháng chuyển nhượng mà không xây dựng.
Lâu nay chúng ta luôn bàn về tình trạng thổi giá đất, sốt đất, đầu tư - lướt sóng trong các hoạt động chuyển nhượng nhưng chưa được xử lý triệt để. Vấn nạn này đã phủ khắp từ Bắc chí Nam dẫn đến giá đất ở tăng quá cao so với giá trị thật, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Không ít người mua đất về không làm gì cả, không nhằm mục đích kinh soanh, sản xuất, phát triển kinh tế mà chỉ chờ đẩy giá để kiếm lời dẫn đến lãng phí tài nguyên. Do vậy Việt Nam cần một công cụ như đánh thuế cao đối với đất nền sau 6 tháng mua bán, chuyển nhượng mà không có hoạt động xây dựng.
Những hành vi nay mua, mai bán hay tạo sóng, thổi sóng từ đất đai để kiếm lời trên thực tế không mang lại giá trị kinh tế cho xã hội. Thâm chí không ít trường hợp đã có quyết định giao đất nhưng vẫn nợ tiền thu do đang chờ đất tăng giá để bán chứ không nhằm mục đích xây dựng hạ tầng để kinh doanh, sản xuất. Trong khi đó, việc giá đất bị đẩy quá cao so với giá trị thực dẫn đến những người có nhu cầu mua đất xây nhà thật không thể tiếp cận.
“Với đất nền nhỏ lẻ theo dạng chuyển nhượng tự do cần áp thuế cao sau 6 tháng giao dịch, mua bán, cấp đổi quyền sử dụng đất mà không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào. Còn với dự án đấu thầu, đấu giá sau 1 năm mà không triển khai cần phải tăng thuế theo hình thức luỹ tiến để bổ sung nguồn thuế nhà nước”, TS La Văn Thái nói và nhấn mạnh: Đây là bài thuốc hữu hiệu để trị tận gốc cơn sốt bất động sản đang diễn ra tràn lan hiện nay.