Để thoát khỏi suy thoái, bằng mọi giá Mỹ phải đáp ứng 4 điều kiện này
BÀI LIÊN QUAN
Nền kinh tế Nga vẫn “trụ vững”, có dấu hiệu suy thoái nhẹ hơn dự báo ban đầuBất chấp giá xăng cao, Mỹ vẫn mở kho dự trữ và xuất khẩu dầu thôTrung Quốc có thể sắp đối mặt “cơn bão” lạm phát vì giá thịt heo đang tăng mạnhTheo Vietnambiz, nền kinh tế Mỹ đang lâm nguy. Giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực và năng lượng tăng cao đang làm bào mòn thu nhập của các hộ gia đình, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng lớn đã kéo giá của một loạt sản phẩm và dịch vụ đi lên, từ du lịch cho tới nhà ở.
Trong tình cảnh này, nhiều nhà kinh tế tin rằng Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2022 hoặc năm 2023. Theo dự báo của hãng tư vấn Vanguard cũng cho thấy con đường để nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng đã hẹp lại đáng kể, còn khả năng suy thoái trong vòng 18 tháng tới là hơn 50%.
Theo chuyên gia, giá xăng tăng cao kết hợp với lập trường chính sách diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hoạt động kinh tế chững lại là ba rủi ro mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại.
Công ty đầu tư Muzinich cho rằng vấn đề đối với cuộc suy thoái sắp tới của nền kinh tế Mỹ không phải là "nếu" nó có thể xảy ra hay không mà là "khi nào" xảy ra.
Nhưng vẫn còn cách để kinh tế Mỹ tránh được cuộc suy thoái này. Dưới đây là những điều kiện cần phải xảy ra trong thời gian tới để Mỹ thoát khỏi suy thoái:
Kỳ vọng lạm phát giảm
Sự gia tăng của kỳ vọng lạm phát ngày nay chẳng thấm vào đâu so với những năm 1970, nhưng con số này vẫn neo ở mức cao.
Theo nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh ở Cleveland cho thấy, hầu hết mọi người không tin rằng thu nhập tương lai sẽ đủ để bù đắp được cho sự gia tăng dự kiến của lạm phát. Nói cách khác, công chúng dự đoán lạm phát sẽ làm giảm đi sức mua. Và dĩ nhiên đây không phải điều tốt cho chi tiêu tiêu dùng trong thời gian tới.
Fed nên tiếp tục nhanh chóng tăng lãi suất mục tiêu lên ít nhất là 3% vào đầu mùa thu năm nay. Vanguard tin rằng 3% là con số thấp nhất cần có để củng cố niềm tin của công chúng rằng áp lực giá sẽ sớm giảm. Do chính sách tiền tệ có độ trễ, lãi suất tăng lên 3% sớm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro đuôi dài hạn bằng cách sớm kìm hãm kỳ vọng lạm phát.
Giá dầu giảm xuống dưới mức 100 USD/thùng
Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, giá xăng và các loại nhiên liệu bán lẻ khác đã tăng lên 34,6% trong 12 tháng qua, góp phần "giúp" đẩy lạm phát tiêu dùng tăng lên 8,6%.
Theo tính toán của nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Vanguard - ông Joseph H. Davis cho thấy, người tiêu dùng đã phải chi thêm 280 USD cho thực phẩm và năng lượng trong 12 tháng qua. Khoản chi này là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm.
Nếu giá dầu đi xuống và duy trì ở mức dưới 100 USD/thùng thì sự suy giảm của chi phí nhiên liệu sẽ triệt tiêu đi sự gia tăng của chi phí lương thực. Giá năng lượng giảm cũng sẽ "đánh văng" 2,5 điểm % khỏi lạm phát giá tiêu dùng vào cuối năm 2022.
Nhiều hàng tồn kho bán lẻ hơn
Kể từ đầu đại dịch Covid-19, các nền kinh tế đã phải trải qua hết cú sốc nguồn cung này đến cú sốc nguồn cung khác. Ngoài lương thực và năng lượng, tình trạng thiếu hụt sản phẩm tiêu dùng từ xe cộ cho đến nội thất gia đình cũng góp phần khiến cho giá cả gia tăng.
Hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đang bắt đầu tăng trở lại khi người tiêu dùng hạn chế một số khoản chi tiêu và nút thắt chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ. Tuy nhiên lượng tồn kho này vẫn chưa đủ để kéo giá cả đi xuống.
Hàng tồn kho sản phẩm tiêu dùng của các nhà bán lẻ phải tăng thêm 100 tỷ USD nữa vào mùa hè năm nay. Với sự gia tăng này, hệ số hàng tồn kho/doanh thu của các nhà bán lẻ sẽ trở về gần mức bình thường hơn. Các kệ hàng chất đầy đồ cũng sẽ giúp lạm phát giảm 1,5 điểm % vào những tháng tới.
Người Mỹ quay trở lại thị trường lao động
Hiện tại, đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, tình trạng thiếu lao động đang làm rắc rối nguồn cung nghiêm trọng hơn gián đoạn chuỗi cung ứng. Với gần hai vị trí trống cho mỗi người thất nghiệp ở Mỹ, đây có thể là điều kiện khó đáp ứng nhất trong mùa hè năm nay để giúp Mỹ tránh rơi suy thoái. Nhưng Mỹ vẫn còn có hy vọng.
Trong 12 tháng qua, thị trường lao động Mỹ đã có thêm gần 3 triệu nhân công. Sẽ có thêm nhiều người tham gia vào thị trường lao động nếu số ca mắc Covid-19 duy trì ở mức thấp hoặc họ chịu áp lực của giá cả tăng cao. Trên thực tế, Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết, số người không tìm kiếm việc làm do lo sợ mắc Covid-19 đã giảm 1 triệu kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo tính toán của nhà kinh tế Davis, thêm 1 triệu người nữa gia nhập vào lực lượng lao động trong đầu mùa thu năm nay sẽ giúp lấp đầy một số vị trí trống và giúp tăng trưởng lương hạ xuống tốc độ lành mạnh hơn là 4%. Tăng trưởng lương với tốc độ 4% sẽ giúp Fed không cần phải tăng lãi suất lên 4% hoặc cao hơn. Ngược lại, nếu Fed kéo lãi suất lên trên 4% thì nhu cầu lao động có thể bị phá hủy.
Theo CNN, Mỹ cần phải đáp ứng cả 4 điều kiện trên trong những tháng tới thì nước này mới có thể tránh được cuộc suy thoái này. Khi cả 4 hội tụ, lạm phát toàn phần của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 4% vào cuối năm nay. Điều này sẽ giúp ổn định thị trường tài chính và cải thiện tâm lý người tiêu dùng trong mùa hè năm nay.