Để nhà giàu không trục lợi, tranh "suất" mua nhà ở xã hội của người thu nhập thấp
BÀI LIÊN QUAN
Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ: Chớ vội mừng!Dự án nhà ở xã hội phía Bắc Hà Nội đang được săn đónCác dự án nhà ở xã hội phía Nam Hà Nội đang được quan tâm nhấtKhan hiếm, nhà ở xã hội trở thành “hàng hot”
Trong bối cảnh giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục tăng, thì phân khúc nhà ở xã hội lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết bởi giá thành chỉ bằng một nửa so với giá chung cư thương mại. Hiện nay, giá chung cư thương mại tầm trung tại Hà Nội giao động ở mức 35 – 50 triệu đồng/m2 thì nhà ở xã hội chỉ ở mức 14 – 17 triệu đồng/m2.
Theo quy định, các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là nhằm hướng đến các hộ gia đình chính sách như: công chức, viên chức Nhà nước, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, các đối tượng trả lại nhà công vụ gặp khó khăn về nhà ở... Vì những đặc thù ưu tiên nên nhà ở xã hội phải sau 5 năm, người mua đã thanh toán xong tiền mua nhà và đóng 50% tiền sử dụng đất thì mới được sang nhượng mua bán.
Nhà ở xã hội trở thành “hàng hot” của thị trường. Giá nhà ở xã hội luôn bị đẩy lên cao, chênh lệch hơn giá thực tế đến cả chục triệu/m2, cũng như việc tồn tại hiện tượng trục lợi dựa trên những ưu đãi của chính sách, mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng.
Chị Phạm Thị Lý (quê Thái Bình) cách đây vài năm cũng đã bỏ tiền chênh lệch để mua một căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. “Chúng tôi mua lại của một cặp vợ chồng công chức nhà nước. Lúc đó, giá nhà chỉ 14 triệu đồng/m2, tổng trị giá căn hộ là hơn 800 triệu nhưng tôi đã phải mua với giá 1 tỉ đồng, tức thêm tiền chênh lệch là 200 triệu đồng ngay khi căn hộ được bàn giao vào ở. Theo qui định thì căn hộ chưa được chuyển nhượng tại thời điểm đó nên chúng tôi làm giấy viết tay và có luật sư chứng kiến” – chị Lý kể. Hiện tại, sau 5 năm ở căn hộ này, chị Lý đang liên hệ lại với chủ nhà cũ để làm thủ tục chuyển nhượng cho hợp pháp.
Chỉ cần 1 cú click chuột trên internet, bạn sẽ không khó để tìm ra thông tin cho thuê căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội hay mua bán/sang nhượng căn hộ trong khi dự án nhà ở xã hội đi vào sử dụng chưa qua 5 năm. Theo khảo sát của phóng viên, giá thuê 1 căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội giao động 5 – 8 triệu đồng/tháng tùy địa điểm, khu vực. Tại một dự án nhà ở xã hội thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, một căn hộ 70m2 được giao bán với giá 3,3 tỷ đồng, tức khoảng 47 triệu đồng/m2. Sở dĩ căn hộ được “hét” giá cao là vì dự án nằm ngay mặt đường lớn. Được biết, năm 2017, các gia đình nhận bàn giao nhà ở dự án này chỉ với mức giá 9 triệu đồng/m2.
Hiện nay, Hà Nội có 25 dự án nhà ở xã hội đã đi vào sử dụng, đáp ứng gần 12.909 căn hộ, đạt 26,24% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Theo kế hoạch, thành phố có 2 dự án nhà ở xã hội mới khởi công vào quý III và IV/2022, thì cũng chỉ bổ sung thêm khoảng 1.860 căn. Hà Nội vẫn đang rất thiếu nhà ở xã hội.
Vừa qua, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có nội dung về nhà ở xã hội. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội cho người lao động; diện tích mặt sàn bình quân tăng từ 27m2/đầu người lên 32m2/đầu người.
Thành phố dự kiến xây 5 khu nhà ở xã hội tập trung, trong đó có 2 khu đã được quy hoạch chi tiết với tỉ lệ 1/500. 2 khu đã được quy hoạch đều nằm ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, bao gồm khu nhà ở xã hội tập trung và khu nhà ở xã hội thành phố kết nối xanh Green Link City. 3 khu nhà ở xã hội tập trung dự kiến sẽ ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì; xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.
Nhức nhối tình trạng trục lợi nhà ở xã hội
UBND Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đã phát hiện nhiều trường hợp đối tượng mua/chuyển nhượng, cho thuê nhà ở xã hội không đúng mục đích. Một số dự án nhà ở xã hội do UBND TP. Hà Nội điểm danh vì có vi phạm như: dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ để có giá thành thấp, nhằm giúp các đối tượng chính sách có cơ hội an cư. Vì vậy, cần phải có chế tài phạt nặng những trường hợp sử dụng không đúng mục đích, trục lợi chính sách, nhất là trong bối cảnh nhà ở xã hội đang “khan hiếm” như hiện nay.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, UBND Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, các UBND quận, huyện, thị xã... thường xuyên kiểm tra danh sách đối tượng được giải quyết mua, thuê nhà ở xã hội, nhằm phát hiện trường hợp không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện, yêu cầu xóa tên trong danh sách được mua, thuê nhà ở xã hội. Đặc biệt, UBND cấp xã phải thành lập Tổ giám sát trên địa bàn quản lý. Công an thành phố phải quản lý nhân khẩu, kiểm tra thường xuyên, xác định các trường hợp bán, cho thuê lại nhà ở xã hội.
Về phía Sở Xây dựng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, Sở đã xây dựng phần mềm để quản lý các đối tượng được hưởng chính sách thuê, mua nhà ở xã hội. Khi chủ đầu tư đưa danh sách dự kiến xét duyệt được mua, thuê nhà ở xã hội, Sở sẽ đối chiếu để loại trừ trường hợp không đúng đối tượng. Đồng thời, Sở cũng sẽ lập kế hoạch để kiểm tra hiệu quả quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng thông tin, Bộ đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Cụ thể, tại điểm b (khoản 1), điểm b (khoản 6) của Điều 64 sẽ bổ sung qui định cụ thể về hành vi vi phạm mua bán, cho thuê nhà ở xã hội không đúng đối tượng cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thu hồi nhà và buộc hoàn trả số tiền mua, thuê nhà ở xã hội.