Đặt mục tiêu năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho người bánTỉnh Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi 486 ha rừng làm dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương Bộ Tài chính sẽ đề xuất bổ sung thuế nhà đất chặn đầu cơCác nhiệm vụ đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết này đề ra mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Dựa trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng, lợi thế biển, trở thành đô thị thông minh, bền vững, có bản sắc riêng và kết nối quốc tế.
Như vậy, trong vòng 8 năm nữa, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng nổi bật và là trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và của cả nước. Đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế biển, khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nơi có khả năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, nâng cao đời sống nhân dân của địa phương.
Mục tiêu đến năm 2045, Khánh Hòa sẽ là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á. Đồng thời, là thành phố đáng sống, chất lượng sống của người dân ở mức cao. Và là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và đưa mức phát thải nhà kính về mức không.
Như vậy để đạt được các mục tiêu trên, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW. Chú trọng việc xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch tỉnh. Hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với các nội dung tại Nghị quyết số 09-NQ/TW.
Nội dung của Nghị quyết còn nêu rõ, Khánh Hòa cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả. Trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.Thực hiện, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối.
Việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa Khánh Hòa với các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng đưa vào mục tiêu này.
Tỉnh Khánh Hòa cũng cần thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính. Và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Khánh Hòa. Tập trung phát triển nguồn lực con người và khoa học – công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vấn đề tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng,… cũng được nêu trong mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện cho tỉnh Khánh Hòa trong quá trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương này.
Vị trí “địa chiến lược” của tỉnh Khánh Hòa
Tỉnh Khánh Hòa có vị trí nằm ở trung tâm các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Sở hữu vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước.
Khánh Hòa giúp với các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Ngoài ra tỉnh được đánh giá có lợi thế về kinh tế biển, khi sở hữu thành phố nổi tiếng về du lịch là Nha Trang. Nha Trang từng lọt top 50 bãi biển đẹp nhất thế giới theo đánh giá của tờ báo USNews vào năm 2018.
Năm 2020, Khánh Hòa thu hút được 22 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7.516,76 tỷ đồng. Trong năm 2021, tỉnh Khánh Hòa đã thu hút được 22 dự án, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 5.844 tỷ đồng (tính đến ngày 15/12/2021).
Trong năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) năm 2021 ước được 44.525,07 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của lần bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, khu vực dịch vụ giảm 10,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,49%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 1,82%; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,27%, đóng góp tăng 0,46 điểm phần trăm.
So với năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 của tỉnh Khánh Hòa theo giá hiện hành tăng 6,04%, cụ thể là 53.892,82 tỷ đồng. 178 công trình mới được khởi công, 167 công trình hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư trên 794 tỷ đồng trong năm 2021.
Như vậy, có thể thấy với những ưu điểm vượt trội về mặt địa lý, trình độ dân số, tốc độ phát triển kinh tế nêu trên, tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn có cơ sở đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Bên cạnh, đó để thực hiện được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, sẽ cần sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của hệ thống cán bộ, lãnh đạo tỉnh cũng như sự đồng lòng của người dân tại địa phương. Trong giai đoạn đất nước đã dần kiểm soát được dịch bệnh, số lượng người dân được tiêm đủ liều vắc-xin ngày càng nhiều. Cùng với đó là chiến lược mở cửa trở lại nền kinh tế với các gói tín dụng của Chính phủ. Đặc biệt là chính sách tái khởi động lại các chuyến bay quốc tế, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói”, một trong những mũi nhọn được đặt mục tiêu phát triển trong thời gian tới của tỉnh Khánh Hòa. Đây là những lợi thế để Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị.